Ngày nay, chúng ta thường xuyên bắt gặp tình huống một người nói chuyện và người còn lại nhìn chằm chằm vào điện thoại. Điều đó như một thông điệp ngầm rằng điện thoại của tôi thú vị hơn câu chuyện của bạn.
Tiến sĩ Jenny Woo được đào tạo tại Harvard gọi hành vi này bằng thuật ngữ “phubbing”, có nghĩa là hành động “cắm mặt” vào điện thoại dù đang ở bên cạnh một người khác. Phubbing có thể làm suy yếu các mối quan hệ xã hội, khiến người khác cảm thấy cô đơn, bất an và không hài lòng.
Những người có trí tuệ cảm xúc (EQ) cao sẽ nhận thức được điều này. Thay vì để điện thoại chi phối, họ sẽ thực hiện ba cách sau.
- Đặt mục đích cho các tương tác xã hội
Những người EQ cao đặt ra mục đích rõ ràng về thời điểm và cách họ sẽ sử dụng điện thoại. Họ sẽ đặt ra các tình huống theo kiểu câu “nếu - thì”. Ví dụ:
_ Nếu tôi đang dùng bữa với ai đó, tôi sẽ để điện thoại ở chế độ im lặng và đợi đến khi bữa ăn kết thúc mới kiểm tra.
_ Nếu tôi thực sự cần phải kiểm tra điện thoại trong khi trò chuyện, thì trước tiên tôi sẽ thông báo cho người kia và giải thích những gì tôi đang làm.
- Để điện thoại ra xa
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ cần để điện thoại trong tầm với, ngay cả khi đã tắt máy, cũng gây xao nhãng.
Những người EQ cao có nhận thức về khuynh hướng này và sẽ sử dụng mọi cách để đảm bảo hành vi của họ phù hợp với cuộc giao tiếp. Chẳng hạn như họ sẽ tạo ra những rào cản vật lý như cất điện thoại trong túi hoặc ở một căn phòng khác. Điều này sẽ giúp họ hoàn toàn tập trung vào cuộc trò chuyện hoặc công việc.
- Thiết lập vùng “không điện thoại”
Những thông báo điện thoại liên tục và không thể đoán trước khiến não bộ của con người dễ bị kích động. Nghiên cứu cho thấy, trung bình phải mất 23 phút để lấy lại sự tập trung sau khi kiểm tra điện thoại. Những sự xao nhãng này kéo chúng ta ra khỏi công việc và những cuộc trò chuyện mà thậm chí bản thân không nhận ra.
Những người EQ cao hiểu được tầm quan trọng của việc kiểm soát những tác động này. Bằng việc tạm dừng sử dụng điện thoại, họ có thể lấy lại sự tập trung của mình.
Để loại bỏ sự xao nhãng trong công việc, bạn có thể tắt các thông báo không cần thiết và chuyển điện thoại sang chế độ “Không làm phiền”.
Bạn cũng có thể thiết lập các khu vực “không điện thoại” như trên bàn ăn hoặc phòng ngủ để đảm bảo có sự kết nối với người khác.
Bằng cách lập kế hoạch sử dụng điện thoại, thiết lập ranh giới và quản lý thông báo, bạn có thể thay đổi thói quen phubbing, tập trung hơn trong công việc và giữ được sự kết nối trong các mối quan hệ xã hội.
Theo CNBC