Cuộc chiến thương mại leo thang những tháng qua với Mỹ đã khiến nền kinh tế Trung Quốc có những ảnh hưởng đáng kể.
Tính đến giữa tháng 7/2018, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã ba lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tăng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Gần đây, thay vì sử dụng từ "giảm nợ", PBoC chuyển sang dùng cụm từ "giảm nợ theo cơ cấu" - một sự thay đổi cho thấy nhà chức trách bớt mạnh tay trong vấn đề cắt giảm nợ trong nền kinh tế.
Tăng trưởng đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2018 ở mức thấp kỷ lục. Sản lượng công nghiệp tháng 6 chỉ tăng 6%, mức tăng thấp nhất 2 năm và thấp hơn so với mức dự báo tăng 6,5%.
Tờ CNBC từng nhận định, về lý thuyết, Mỹ hoàn toàn có thể áp thuế lên tới 505 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc như tuyên bố, tương đương với tổng giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2017. Trong khi đó, Bắc Kinh chỉ nhập khẩu 130 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ nên rất khó để Trung Quốc phản đòn theo kiểu ăn miếng trả miếng.
Nhìn một cách tổng quát, Bắc Kinh vẫn đang tìm cách ăn miếng trả miếng với Mỹ bằng việc áp đặt các mức thuế đáp trả. Nhưng điều này rõ ràng không hiệu quả, theo ông Xu.
Tối 3/8, Trung Quốc đe dọa áp thuế lên hơn 5.000 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, trị giá 60 tỷ USD. 5 ngày sau, Bắc Kinh tiếp tục gia tăng sức ép khi tuyên bố sẽ đánh thuế bổ sung 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỉ USD nhập khẩu từ Mỹ.
Tuy nhiên, ông Xu cho rằng các đòn đáp trả này của Bắc Kinh không những không mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc mà còn cho Mỹ cái cớ để tiếp tục leo thang căng thẳng.
Thậm chí ngay cả khi Trung Quốc không trả đũa, Mỹ vẫn có cách để tiếp tục đẩy cuộc chiến thương mại lên một nấc thang mới.
Sa lầy vào vũng bùn, Bắc Kinh được cho là đang cố gắng kêu gọi các quốc gia EU vốn đã bất mãn với Mỹ trong nhiều vấn đề, sát cánh cùng mình chống lại mối đe dọa thuế quan từ Mỹ, nhưng có vẻ chiến lược này cũng không hiệu quả.
Vào ngày 26/7, sau chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tới Washington, EU và Mỹ đã đạt được các thỏa thuận chung về thương mại. Một bản tuyên bố được đưa ra dù có đôi chút mơ hồ nhưng phần nào đã giải quyết được vấn đề khúc mắc trong thương mại giữa 2 bên.
Mọi gói thuế trừng thương mại đều ngưng lại cho tới khi hai bên đàm phán và đạt được thoả thuận chung. Đây là tin không vui với Trung Quốc bởi Bắc Kinh rõ ràng đã mất đi cơ hội lôi kéo một đồng minh đứng cùng chiến tuyến với mình.
Giới quan sát Trung Quốc vì vậy cũng đang lo sợ về việc Bắc Kinh sẽ sớm bị bao vây và bị bỏ lại phía sau. Trong khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải oằn mình chống chọi với những đợt áp thuế mới của Mỹ thì ở ngoài kia, các "các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Trung Quốc" liên tục thực hiện thành công các giao dịch lớn.
Hôm 16/7, Nhật Bản và EU ký thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay. Trong tuần này, các quan chức thương mại của Mỹ và Nhật cũng đã nhóm họp để thảo luận các vấn đề về thương mại.
Cách đây vài ngày, xuất hiện một số thông tin cho rằng các quan chức Mexico đã bắt đầu lạc quan khi thỏa thuận Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) sớm được ký kết. Có vẻ như chỉ có Trung Quốc là quốc gia lớn duy nhất không cho thấy bất cứ tiến bộ nào.
Những kết quả này gây ra một làn sóng tranh luận gay gắt ở Trung Quốc. Một số nhà quan sát cho rằng các chính sách của Trung Quốc không chỉ trong các giao dịch gần đây với Mỹ mà là xu hướng chung trong các năm qua có thể đã có vấn đề.
Nhiều người đặt dấu hỏi liệu chăng việc Bắc Kinh cải cách, mở cửa trong 40 năm qua chính là cách đất nước đang hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu do Mỹ và các đồng minh điều hành.
Chuyên gia Xu Yimiao cho rằng Trung Quốc còn rất lâu mới có thể đủ sức cho một cuộc đối đầu kinh tế với Mỹ bởi Bắc Kinh còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới và Trung Quốc sẽ chỉ làm tổn thương chính mình nếu tiếp tục lập trường cứng rắn.
“Vậy nên thay vì đấu đá với Mỹ, Trung Quốc nên tập trung phát triển và cải cách kinh tế trong nước”, chuyên gia này nhận định.
Theo ông Xu, Trung Quốc có thể đã đi những bước đi sai lầm từ cách đây vài tháng khi đưa ra những đòn đáp trả nhưng lại đánh giá thấp quyết tâm của Tổng thống Trump trong chính sách thương mại. Những tính toán nhầm lẫn này có thể sẽ buộc Bắc Kinh phải thuyết phục người Mỹ quay trở lại bàn đàm phán giống như cách mà châu Âu, Nhật Bản và Mexico đang làm.
Tuần trước, một số nguồn tin nói rằng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã bắt đầu có các cuộc đàm phán riêng để tìm cách khởi động lại đối thoại.
Dù vậy ngay sau đó, thông tin Mỹ đề xuất tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% choán đầy trang nhất các mặt báo.
Điều này cho thấy thực tế rằng. Thứ nhất, ngay cả khi Bắc Kinh sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện và nhượng bộ, không chắc Washington có chấp nhận hay không. Nếu Mỹ cứng rắn hơn, ngay cả khi Trung Quốc không làm gì, Mỹ vẫn có thể ra tiếp các đòn mới.
Thứ 2, Bắc Kinh phải nhận ra rằng nói chuyện với các thành viên nội các như ông Mnuchin không thể hiệu quả như đàm phán trực tiếp với Tổng thống Trump.
Để thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, theo ông Xu, Trung Quốc cần phải đối phó trực tiếp với Tổng thống Trump, tìm hiểu ông ấy cần gì để tuyên bố chiến thắng và tạo điều kiện cho điều đó.
“Tất nhiên, sẽ thật khó chấp nhận khi để Trump làm vậy và điều này thậm chí còn khiến Bắc Kinh phải xấu hổ, nhưng đôi khi đó là lựa chọn tốt nhất để ngăn chặn thua lỗ trong một giao dịch và hy vọng sẽ thu được lợi nhuận vào một thời điểm khác”, ông Xu nhận định.