Chuyên gia tranh cãi kịch liệt vì sao S-300, S-400 Nga không ra đòn diệt Tomahawk?

B.L |

Tên lửa Tomahawk sử dụng hệ thống điều khiển và tự dẫn TERCOM có thể bay bám địa hình ở độ cao 100m. Tên lửa phòng không S-300 khó có thể nhìn thấy quả tên lửa ở độ cao này.

Đêm ngày 6 rạng sáng ngày 7 tháng 4, hai chiếc tàu khu trục của Mỹ là USS Porter và USS Ross thuộc thành phần Hạm đội 6 Mỹ (đơn vị của Hạm đội Đại Tây Dương), đã thực hiện cuộc tấn công bằng các tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân Al-Shayrat nằm ở tỉnh Homs (Syria).

Theo tuyên bố của Lầu Năm Góc đưa ra sau cuộc tấn công, các tên lửa của Mỹ nhắm vào các máy bay, trạm nhiên liệu và những hạ tầng khác đặt tại sân bay.

Chính Shairat, theo thông tin của giới quân sự Mỹ, là nơi các máy bay từng thả bom hóa chất xuống thành phố Khan-Sheikun đã cất cánh. Cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học đã khiến 72 trong số 100 người thiệt mạng, bao gồm cả trẻ em.

Theo thông tin của Trung tâm giám sát độc lập Syria về nhân quyền (SOHR), trong khuôn khổ cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ đã khiến 7 binh lính thiệt mạng. Trong số các nạn nhân này có một đại tá quân chính phủ Syria – chỉ huy đơn vị một phòng không.

Cũng theo một phóng viên của Hãng thông tấn quốc gia Syria SANA, tại các khu dân cư Al-Khamrat và Shairat có 9 thường dân thiệt mạng, trong đó có 4 trẻ em, thêm 7 người khác bị thương.

Chuyên gia tranh cãi kịch liệt vì sao S-300, S-400 Nga không ra đòn diệt Tomahawk? - Ảnh 1.

Tàu khu trục USS Ross phóng tên lửa Tomahawk tấn công Syria hôm 6/4.

 Hiệu quả gây tranh cãi

Theo giới quân sự Mỹ, cuộc tấn công bằng tên lửa đã tiêu diệt 20 máy bay của Syria. Kênh truyền hình "Rossia-24" (Nga) từ nguồn tin tại hiện trường cho biết, có 9 chiếc máy bay bị phá hủy.

Phóng viên hãng truyền hình Al-Jazeera thì cho biết rằng có 14 máy bay tiêm kích "Sukhoi", đài điều phối không lưu, các đường băng cất-hạ cánh đã bị phá hủy sau cuộc tấn công.

Một phần các khí tài quân sự, theo nguồn tin trong quân đội Syria chia sẻ với phóng viên hãng thông tấn RBK (Nga), đã may mắn thoát khỏi các tên lửa hành trình bởi vì chính phủ Syria đã nhận được thông tin về một cuộc tấn công chuẩn bị diễn ra.

Nguồn tin này nhấn mạnh rằng, khí tài quân sư đã được di chuyển tới căn cứ T-4 nằm ở phía tây Palmyra. Ngoài ra, nguồn tin của RBK xác nhận rằng, vào thời điểm cuộc tấn công bằng tên lửa, có các binh lính Nga tại căn cứ Shairat.

"Chưa có thông tin liên quan tới việc có người Nga bị thương", quân nhân này nêu rõ. Vào thời điểm hiện nay, theo lời nguồn tin, 4 máy bay tiêm kích và 3 máy bay trực thăng của quân đội Syria bị phá hủy.

Các khu trục hạm USS Porter và USS Ross thuộc lớp "Arleigh Burke" có thể cùng một lúc phóng tới 60 quả tên lửa hành trình "Tomahawk". The thông tin của Lầu Năm Góc, vào đêm theo giờ Moscow, các tàu chiến của Mỹ đã triển khai phóng 59 quả tên lửa hành trình nhằm vào căn cứ không quân của Syria.

"Vào thời điểm hiện tại có khoảng 5-6 tàu chiến mang loại tên lửa hành trình này của Hạm đội 6 Mỹ có mặt tại khu vực", chuyên gia phân tích quân sự độc lập Anton Lavrov (Nga) chia sẻ.

Bộ Quốc phòng Nga đã đánh giá cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ là không hiệu quả.

"Theo thông tin của các phương tiện kiểm soát vật thể Nga, chỉ có vẻn vẹn 23 quả tên lửa bay tới căn cứ không quân của Syria. Địa điểm rơi của 36 quả tên lửa hành trình còn lại vẫn chưa rõ", đại diện chính thức của Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố tại cuộc họp báo sáng thứ sáu, ngày 7/4/2017.

Theo phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Nga, ông Alexandr Khramchikhin cho rằng đây là mức độ triển khai vô cũng thấp đối với những tên lửa này. Theo lời ông, không rõ 36 quả tên lửa này có thể biến mất đi đâu và ai có thể đã bắn hạ chúng.

Tuyên bố của chuyên gia này được xác nhận bằng tuyên bố chính thức của Lầu Năm Góc. Nguồn tin của hãng thông tấn AP cho biết, trong số 59 quả tên lửa có 58 quả tới mục tiêu, một quả không kích hoạt.

Trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng loại tên lửa hành trình này khi phóng tổng công 297 quả, có tới 282 quả trúng mục tiêu.

Trong chiến dịch "Cáo sa mạc" tại Iraq vào năm 1998, 370 tên lửa "Tomahawk" được phóng lên; ở Lybia đã có thêm 200 quả được sử dụng. Hàng năm Quân đội Mỹ, theo dữ liệu của các nhà sản xuất, tiếp nhận khoảng 440 quả tên lửa hành trình.

Chuyên gia tranh cãi kịch liệt vì sao S-300, S-400 Nga không ra đòn diệt Tomahawk? - Ảnh 2.

Ảnh vệ tinh chụp căn cứ không quân Al-Shayrat sau cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ.

 Tại sao các phương tiện phòng không "im lặng"

Sau khi bắt đầu chiến dịch của Nga tại Syria vào tháng 10/2015, Bộ Quốc phòng Nga đã triển khai trên lãnh thổ Syria các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 và S-400. Ngoài ra, họ cũng đã bố trí hệ thống tên lửa "Bastion" và tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-1S bảo vệ các căn cứ không quân.

Theo lời Thư ký báo chí của tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov, các tổ hợp tên lửa được điều động tới Syria để bảo vệ lực lượng không quân Nga.

Đại diện của Bộ Quốc phòng Nga, ông Konashenkov trước đó từng cho biết rằng tầm hoạt động của các tổ hợp S-300 và S-400 triển khai ở khu vực có thể sẽ là điều bất ngờ đối với mọi vật thể bay "lạ" cố tình đột nhập.

Các chuyên gia được hãng thông tấn RBK phỏng vấn đã đưa ra các ý kiến trái chiều nhau về việc tại sao Quân đội Nga không bắn hạ các tên lửa của Mỹ.

"Các lực lượng quân sự của Nga không thể không nhìn thấy các tên lửa Mỹ", chuyên gia phân tích độc lập Anton Lavrov, người đang hợp tác thường xuyên với Bộ Quốc phòng Nga và Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ cho biết.

Nhưng phát hiện các tên lửa hành trình không đảm bảo sẽ đánh trả cuộc tấn công: "Mỗi một tổ hợp có giới hạn bão hòa (số lượng tối đa các vật thể mà tổ hợp có thể bắn hạ bằng một cơ số đạn). Thậm chí nếu chúng ta phóng tất cả các tên lửa S-300 nhằm vào những quả tên lửa "Tomahawk" thì cũng không thể đẩy lùi được cuộc tấn công".

Theo chuyên gia quân sự, Đại tá về hưu Andrei Payusov (Nga), các tên lửa hành trình "Tomahawk" sử dụng hệ thống điều khiển và tự dẫn TERCOM có thể bay bám địa hình ở độ cao 100m.

"Các đơn vị tên lửa phòng không S-300 khó có thể nhìn thấy quả tên lửa ở độ cao này", chuyên gia Payusov cho biết. Ông khằng định rằng, để làm được điều đó, cần phải có các hệ thống radar cơ động độc lập.

Ông Payusov nhấn mạnh rằng, đáp trả việc sử dụng những tên lửa này chỉ có thể bằng các tổ hợp tầm thấp "Strela-10" nhưng chúng lại không có tại căn cứ Shairat.

Chuyên gia tranh cãi kịch liệt vì sao S-300, S-400 Nga không ra đòn diệt Tomahawk? - Ảnh 3.

Ngoài ra, các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 và S-400 nằm ở "quá xa" sân bay Al-Shayrat, và kể cả khi nhận được các dữ liệu về những tên lửa hành trình thì chúng cũng không thể bắn hạ được ở khoảng cách như vậy.

Theo các tính năng kỹ thuật, phiên bản nâng cấp mới nhất của các tổ hợp S-300 và S-400 có thể bắn hạ các mục tiêu đạn đạo ở khoảng cách từ 5 đến 40km (tối đa 60km cho S-400). Không rõ địa điểm các tên lửa của Mỹ được phóng lên từ biển Địa Trung Hải.

Chuyên gia Alexandr Khramchikhin không đồng tình với nhận định này. Theo ông, nếu các tên lửa đã tiến gần tới những tổ hợp tên lửa phòng không S-300 và S-400 của Nga ở khoảng cách bắn hạ thì chúng đã bị bắn hạ.

"Tên lửa không phải là máy bay, nó không có phi công bên trong. Bởi vậy, một quả tên lửa bị bắn hạ không thể trở thành lý do để cuộc xung đột leo thang", chuyên gia này nhấn mạnh.

Ông cũng chỉ ra rằng, các lực lượng quân sự Nga có những tổ hợp bảo vệ bờ biển "Bastion" mà về lý thuyết có thể bắn hạ các tàu chiến Mỹ di chuyển gần bờ. "Nhưng về phương diện chính trị thì không thể, đó là hành động khiêu khích trực tiếp mà có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng - thế chiến", ông Khramchikhin cho biết.

"Trong khi đó, điều đáng ngạc nhiên đó là Nga và Syria không ký hiệp ước hỗ trợ phòng thủ", chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo lời đại diện của Lầu Năm Góc, Đại úy Hải quân Jeff Davis, giới quân sự Mỹ đã cảnh báo các đồng nghiệp phía Nga ngay trước khi cuộc tấn công được triển khai. Thư ký báo chí của tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov đã từ chối bình luận câu hỏi của các phóng viên về việc tại sao các hệ thống của Nga không được sử dụng để đánh chặn các tên lửa.

Tương lai của việc mở rộng chiến dịch

"Hôm nay tôi kêu gọi tất cả các quốc gia văn minh tham gia với chúng tôi trong nỗ lực chấm dứt sự đổ máu tại Syria cũng như chấm dứt chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức", tổng thống Mỹ sau cuộc tấn công bằng các tên lửa hành trình đã đưa ra tuyên bố.

Những hành động của giới quân sự Mỹ cũng đã nhận được sự ủng hộ của các đại diện Isarel, Anh, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác.

Iran, Trung Quốc và Nga lên án các hành động này của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia cùng Nga giám hộ lệnh ngừng bắn tại Syria, theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể sẽ ủng hộ chiến dịch quân sự của người Mỹ tại Syria "nếu điều đó diễn ra".

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3 đã chấm dứt chiến dịch quy mô lớn trên lãnh thổ Syria. Chiến dịch kéo dài 7 tháng này đã giúp cho phe Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức đối lập giành được quyền kiểm soát hơn 2 nghìn km2 lãnh thổ và 230 khu dân cư ở phía bắc Syria.

Trong chiến dịch này có từ 4 đến 8 nghìn binh lính Thổ Nhĩ Kỳ và tới 10 nghìn chiến binh của các lực lượng nổi dậy tham gia.

Một cường quốc khu vực khác mà nhiều lần tấn công nhằm vào các lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Syria là Isarel.

Theo báo cáo Military Balance 2016 của Viện quốc tế về nghiên cứu chiến lược (IISS), Quân đội Isarel có thể sử dụng 440 máy bay. Ngoài ra, Isarel cũng sở hữu các tên lửa hành trình tự chế tạo Delilah. Tầm bắn tiêu diệt mục tiêu tối đa của các tên lửa này lên tới 250km.

"Các lực lượng vũ trang Isarel trước đây cũng từng triển khai các cuộc tấn công nhằm vào người hàng xóm Syria bằng tên lửa hành trình và những máy bay chiến đấu không người lái", ông Lavrov cho biết.

Theo giảng viên bộ môn khoa học chính trị Đại học Bar-Ilan, ông Zeev Khanin, các cuộc tấn công do Isarel thực hiện nhằm vào lãnh thổ Syria hoàn toàn được thống nhất theo kênh Jerusalem – Moscow.

Theo ý kiến của ông, những lời kêu gọi của ông Trump sẽ không khiến cho số lượng các cuộc tấn công của Quân đội Isarel nhằm vào lãnh thổ Syria tăng lên hay giảm xuống. "Isarel tiếp tục sử dụng vũ khí để chống lại các nhóm khủng bố như Hezbollah trong trường hợp cần thiết", ông Khanin nói một cách quả quyết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại