Giai đoạn nghỉ "xả hơi"
Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nước Mỹ của Đại học Phúc Đán Tín Cường nói với Thời báo Hoàn cầu, rằng việc ông Biden lên nắm quyền có thể mang lại một "giai đoạn xả hơi" cho quan hệ Trung-Mỹ.
Ông cho rằng, xung đột và đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ đã lan rộng trên tất cả các lĩnh vực và đang đi theo một "vòng luẩn quẩn xấu đi nhanh chóng". Kết quả tổng thể mang đến ba đặc điểm: Phá hủy lòng tin chiến lược lẫn nhau, tương tác chính trị cấp cao gần như bị ngừng lại và không có sự hợp tác thực chất. Khi ông Biden đắc cử, ít nhất Trung Quốc và Mỹ có thể tạo ra đột phá trong hai khía cạnh sau.
"Người ta mong đợi rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ nối lại sự hợp tác mang tính xây dựng thực tế hơn trong các lĩnh vực sản xuất vắc xin, chống dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Một số cơ chế đối thoại và liên lạc bị đình chỉ trước đây cũng dự kiến sẽ được khôi phục. Tuy nhiên, việc tái thiết lòng tin chiến lược sẽ không thể hoàn thành trong một sớm một chiều", ông này cho biết.
Tuy nhiên, việc thay đổi Tổng thống có thể không thay đổi hướng đi chung trong chính sách về Trung Quốc của Washington. “Bất kể ai vào Nhà Trắng, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ít nhiều sẽ duy trì hiện trạng”, CNBC (Mỹ) mới đây dẫn lời cựu trưởng đoàn đàm phán thương mại của Nhà Trắng dự đoán.
"Cứng rắn với Trung Quốc là điều điều giúp nước Mỹ - đang bị phân hóa thành hai cực - gắn kết lại với nhau. Chúng tôi phân cực về mặt chính trị nhưng khi nói đến Trung Quốc, chúng tôi không phân cực", ông này nói. Tuy nhiên, không giống với Tổng thống Donald Trump, chính sách của ông Joe Biden có thể ổn định và dễ đoán hơn. "Bạn sẽ không tweet vào lúc nửa đêm để thông báo các vụ việc như thuế quan nhưng quỹ đạo tổng thể sẽ gần giống nhau".
Ông Đạt Nguy, trưởng Khoa Chính trị Quốc tế kiêm trợ lý Hiệu trưởng Trường Quan hệ Quốc tế (Bắc Kinh), nói rằng chính sách về Trung Quốc của ông Biden sẽ không chỉ đơn giản là quay trở lại “thời kỳ Obama” năm 2016, bởi vì trong bốn năm qua, quan hệ Trung-Mỹ và thế giới đã phát sinh những thay đổi rất lớn và quan điểm của giới tinh hoa và nhân dân hai nước đối với nhau gần như đã định hình lại hoàn toàn.
“Sự điều chỉnh của ông Biden đối với chính sách về Trung Quốc chắc chắn sẽ được xây dựng trên nền tảng của thời Tổng thống Trump - trên thực tế, sự thay đổi triệt để trong chính sách về Trung Quốc có thể là di sản chính trị lớn nhất mà chính quyền Trump để lại cho nước Mỹ", chuyên gia Trung Quốc nói.
Xung đột và đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ đã lan rộng trên tất cả các lĩnh vực dưới thời Tổng thống Trump. Ảnh: NBC
Ông này cho rằng, điều chỉnh cần thiết "chính sách tiếp cậnTrung Quốc" đã dần trở thànhđồng thuận của chính phủ Mỹ và phe đối lập, nên việc ông Biden đắc cử cũng khó thay đổi xu thế lớn đang đi đến cạnh tranh và đối đầu của hai nước. "Tuy nhiên, cạnh tranh không có nghĩa là tách rời. Tôi cho rằng chính quyền Biden sẽ không ủng hộ một chiến lược tách rời toàn diện với Trung Quốc".
Chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục? Thuế quan với Trung Quốc có được bãi bỏ?
CNBC dẫn báo cáo của các nhà phân tích của Ngân hàng Thụy Sĩ cho rằng, chiến thắng của ông Biden có thể làm giảm sự không chắc chắn của một số giao dịch. "Ông Biden có thể áp dụng một thái độ hợp lý hơn đối với thương mại song phương. Ngay cả trong các lĩnh vực khác, nhóm của ông ấy có thể vẫn thể hiện thái độ diều hâu đối với Trung Quốc giống như chính quyền Trump". Tuy nhiên, các nhà phân tích tại ngân hàng cho biết, họ không cho rằng ông Biden sẽ tự động giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Ông Tín Cường dự đoán, chính phủ hai nước có thể sẽ đánh giá lại thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã đạt được trước đó, không loại trừ việc điều chỉnh một phần nội dung thỏa thuận do thay đổi tình hình thực tế, qua đó tiếp tục đàm phán trên cơ sở giai đoạn đầu của thỏa thuận. "Từ góc độ của Mỹ, chính sách thuế quan mà Tổng thống Trump áp đặt thực sự là một 'con bài mặc cả tốt' để ông Biden tiếp tục đàm phán. Không có nhiều khả năng khiến ông ấy chủ động hủy bỏ chúng".
Ông này cũng chỉ ra rằng, tầng lớp lao động đứng đằng sau đảng Dân chủ, vốn luôn có xu hướng theo chủ nghĩa bảo hộ thương mại hơn đảng Cộng hòa. Trên thực tế, quan điểm của ông Trump về các vấn đề thương mại là "thêm/thay thế" trên nền tảng chính sách của đảng Cộng hòa. Do đó, ông Tín Cường, dự đoán ở những lĩnh vực mà người dân Mỹ chịu thiệt hại lớn hơn, chẳng hạn như nhu cầu yếu phẩm hàng ngày, thuế quan đối với Trung Quốc có thể được nới lỏng trước, nhưng các lĩnh vực khác đòi hỏi các cuộc đàm phán khó khăn và lâu dài hơn.
Hồi đầu tháng 10, Reuters dẫn lời hai cố vấn cấp cao của ông Biden cho biết, nếu đắc cử, ông sẽ tham vấn với các đồng minh lớn của Mỹ nhằm tìm kiếm “ảnh hưởng tập thể” để đối phó Trung Quốc trước khi đưa ra quyết định về chính sách thuế quan đối mới. Hai cố vấn nói rằng, điều này được thực hiện để tránh lặp lại sai lầm trong chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump, vốn đã khiến nhiều đồng minh quan trọng của Mỹ khó chịu. Washington Post trước đó dẫn lời các trợ lý của ông Biden cho biết ông sẽ "đánh giá lại các mức thuế đối với Trung Quốc", nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc này.
Một vấn đề khác được quan tâm rộng rãi trong lĩnh vực thương mại là liệu nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Biden có khả năng tái gia nhập "Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương" (TPP) hay không? TPP là một đề xuất kinh tế và thương mại dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Sau khi nhậm chức, ông Trump đã chính thức tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP vào năm 2017, và 11 nước còn lại đã ký "Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương" (CPTPP) vào tháng 3/2018.
Về vấn đề này, ông Đạt Nguy nói rằng, Mỹ có khả năng quay trở lại CPTPP, nhưng điều đó là rất khó. Việc quay trở lại CPTPP đòi hỏi các cuộc đàm phán với các quốc gia thành viên hiện tại và về mặt kỹ thuật, điều này cần có thời gian.
Nguy cơ Trung-Mỹ "giao chiến" ở eo biển Đài Loan tăng hay giảm?
Tôn Thái Nhất, một trợ lý giáo sư tại Đại học Christopher Newport (Mỹ), cho biết cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều hy vọng sẽ tăng cường quan hệ Mỹ-Đài, đây cũng là lập trường chung của Nhà Trắng và lưỡng viện.
Tuy nhiên, ông Anthony Brinken, cố vấn ngoại giao của ông Biden nói với báo chí hồi tháng 5 rằng, ông sẽ áp dụng "chiến lược cân bằng" để xử lý mối quan hệ hai bờ eo biển. Chiến lược này sẽ không “nghiên về Đài Loan” như Tổng thống Trump theo đuổi, nhưng nó sẽ giúp tạo ra một môi trường an ninh và ổn định hơn ở eo biển Đài Loan. Ông nói, Mỹ sẽ không cố gắng khiêu khích Trung Quốc bằng cách vượt qua "lằn ranh đỏ", do đó làm giảm khả năng Bắc Kinh tấn công quân sự vào Đài Loan.
"Lợi ích của trong chính sách Đài Loan của ông Trump là ông ấy sẽ không mạo hiểm chiến tranh với Trung Quốc vì Đài Loan. Tuy nhiên, ông ấy liều lĩnh và thiếu nhận thức nhạy cảm về vấn đề Đài Loan, điều này có thể gây ra những rủi ro không mong muốn", ông Tín Cường tin rằng ông Biden được kỳ vọng sẽ thận trọng và kiềm chế hơn trong các vấn đề Đài Loan, mặc dù các nỗ lực bán vũ khí cho Đài Loan và hỗ trợ Đài Loan có thêm không gian quốc tế sẽ còn tiếp tục nhưng ông hiểu rõ về sự nguy hiểm và "lằn ranh đỏ" của vấn đề này, khả năng hai nước "chạm trái" ở eo biển Đài Loan sẽ giảm.
Chuyên gia Trung Quốc dự đoán, chính quyền Biden sẽ không đi quá xa phạm vi chính sách Đài Loan truyền thống của Mỹ, và khó có khả năng thúc đẩy "sự rõ ràng chiến lược" về Đài Loan trong nhiệm kỳ của mình.
Các biện pháp trừng phạt đối với các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ nới lỏng hay tăng cường?
Quỹ nghiên cứu quan sát viên Ấn Độ (ORF) ngày 6/11 tin rằng, nếu những bình luận chính trị trước bầu cử của ông Biden chuyển thành hành động thiết thực nhằm vào công nghệ Trung Quốc sau cuộc bầu cử, thì sự tách rời công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng lên.
Ông Biden được cho sẽ áp dụng c"hiến lược phối hợp và hiệu quả hơn". Ảnh: AP
Bình luận cho biết ông Biden đã công khai bày tỏ sự không hài lòng với Trung Quốc trong lĩnh vực này, nói rằng "chính phủ Trung Quốc và các chủ thể khác do nhà nước lãnh đạo đang tấn công sự sáng tạo của Mỹ" và các biện pháp trừng phạt mới sẽ được áp dụng đối với các công ty Trung Quốc. Ông cũng tuyên bố rằng, cách tiếp cận của chính quyền Trump là "lộn xộn và không hiệu quả" và ông sẽ áp dụng một "chiến lược phối hợp và hiệu quả hơn".
Chuyên gia Đạt Nguy nhận định, sau khi ông Biden nhậm chức, Mỹ sẽ không nới lỏng việc gây áp lực cho Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cốt lõi quan trọng nhưng phạm vi "tách rời" dự kiến sẽ giảm xuống vì phạm vi "an ninh quốc gia" và "cạnh tranh công nghệ" mà ông Trump đang đặt ra là quá rộng lớn và không thực tế.
"Ví dụ, đối với các công ty như TikTok và Wechat không phải là không thể hòa giải và giải quyết mâu thuẫn, lệnh cấm có thể được dỡ bỏ. Tuy nhiên, Huawei liên quan đến nhiều lĩnh vực cạnh tranh cốt lõi và không thể hòa giải giữa Trung Quốc và Mỹ, tình hình sẽ phức tạp hơn. Tôi dự đoán Mỹ sẽ có một số nới lỏng trong doanh số bán chip của Huawei, nhưng chính sách trong lĩnh vực xây dựng 5G có thể khó thay đổi", ông này nói.
Ông Tín Cường thì tin rằng, trong một số lĩnh vực kỹ thuật không quan trọng, ông Biden sẽ không "cứng rắn" như ông Trump, nhưng trong các lĩnh vực cốt lõi như hàng không vũ trụ, truyền thông lượng tử và trí tuệ nhân tạo, hai ông Biden và Trump sẽ không có nhiều khác biệt. “Sự tách rời một phần của Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao là không thể tránh khỏi".
Liệu ông Biden có tiếp tục đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt đối với Hồng Kông?
"Các biện pháp trừng phạt trước đây của ông Trump đối với các quan chức Hồng Kông và việc chấm dứt ưu đãi thương mại với Hồng Kông khó có thể bị thu hồi, ngay cả khi Biden được bầu làm Tổng thống". Tờ Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) ngày 6/11 dẫn lời giới quan sát cho rằng, ông Biden được cho là sẽ tiếp tục áp dụng các chính sách cứng rắn nhằm vào Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và kinh tế, nhưng ông không có khả năng coi Hồng Kông là "con tốt" mà thiên về chính sách ngoại giao truyền thống của Mỹ trong đối đầu Trung-Mỹ.
Ông Lưu Triệu Giai, Phó chủ tịch Hiệp hội Quốc gia về Nghiên cứu Hồng Kông và Ma Cao, nói rằng ông Biden “không có nhiều đường lùi” trong các lệnh trừng phạt hiện có của ông Trump, nhưng ông không nghĩ rằng ông Biden hành động thêm dựa trên các biện pháp hiện có.
SCMP dẫn lời nhà phân tích quan hệ quốc tế Viên Di Xương cho rằng, ông Biden có khả năng sẽ giảm sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình ở Hồng Kông trong tương lai. Nhưng điều này không có nghĩa là ông Biden sẽ “mềm mỏng” hơn đối với Trung Quốc.
Giáo sư Jean-Pierre Cabestan từ Đại học Hồng Kông tin rằng, đối với ông Biden, khó khăn lớn nhất nằm ở việc liệu ông có thể tìm thấy “chính sách vừa có thể gây áp lực lên Hồng Kông và Bắc Kinh, vừa có thể bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp Mỹ không muốn rời Trung Quốc" hay không.
Trong 70 ngày chuyển giao quyền lực sắp tới, liệu Mỹ có thực hiện chính sách "táo bạo cuối cùng" với TQ?
Từ thời điểm này đến lễ nhậm chức của tân tổng thống vào ngày 20/1 năm sau còn hơn 70 ngày, trong khoảng thời gian này, quan hệ Trung - Mỹ sẽ gặp những rủi ro gì? Trước đây, một số nhà phân tích cho rằng nếu ông Trump thua cuộc, không loại trừ khả năng ông sẽ thể hiện "sự táo bạo cuối cùng" trong quan hệ với Trung Quốc.
Ông Đạt Nguy nói rằng về mặt logic, ông Trump sẽ sử dụng hai tháng cuối cùng của nhiệm kỳ để củng cố loạt chính sách nhằm ngăn chặn chính sách của ông bị chính quyền Biden đảo ngược trong tương lai, bao gồm cả việc đối phó với Trung Quốc. Do đó, nhiều khả năng các quan chức như Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ sử dụng "cơ hội cuối cùng" này để tiếp tục gây rạn vỡ quan hệ Trung-Mỹ.
SCMP ngày 7/11 phân tích rằng, trước lễ nhậm chức vào tháng 1, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ về các vấn đề Đài Loan và Biển Đông có thể gia tăng và chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ tiếp tục đối đầu chính trị, kinh tế và ngoại giao với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu ông Trump chú ý đến cuộc chiến pháp lý sau bầu cử ở Mỹ, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn sẽ giảm.
Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao trước tình huống này? Ông Lý Hải Đông, Giáo sư tại Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc nói rằng phong cách ngoại giao gần đây của Trung Quốc với Mỹ đã trở nên rất rõ ràng, đó là "không hướng tới đối đầu toàn diện với Mỹ nhưng áp lực chắc chắn sẽ khiến nước này tiến hành các biện pháp đối phó".
Ông nói rằng các biện pháp đối phó ở những vòng trước đây của Trung Quốc trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ đã đưa ra một tín hiệu rõ ràng: Trung Quốc sẽ dựa trên lợi ích và tiết tấu của mình để đưa ra quyết định về những chính sách với Mỹ và sẽ không thay đổi vì vấn đề nội bộ Mỹ.