Ngày 6/1/2020, trang tiếng Trung của Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRNA) xuất bản bài viết: "Chuyên gia Trung Quốc nói về các tướng lĩnh Iran đã hy sinh trong các cuộc không kích của Hoa Kỳ: Ông Trump đang đặt cược sinh mạng chính trị của mình".
Nhằm giúp độc giả có cái nhìn khách quan, đặc biệt là quan điểm của một chuyên gia Trung Quốc về căng thẳng Mỹ-Iran liên quan tới cái chết của Tướng Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Giết hại xong tướng Iran, ông Trump tỏ rõ sự "hèn nhát"?
Khi được hỏi với tư cách chuyên gia trong bối cảnh các tuyên bố qua lại giữa Mỹ và Iran về một loạt mục tiêu có khả năng bị tấn công sau cái chết của Tướng Soleimani, Tiến sĩ Teng Jianqun, Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ thuộc Học viện nghiên cứu quốc tế TQ (CIIS) bình luận:
"Tổng thống Mỹ Donald Trump có quyết tâm đối đầu Iran hay không? Sau khi giết hại Tướng Soleimani, mặc dù ông Trump "tỏ vẻ cứng rắn", nhưng đang thể hiện rằng mình "thực sự hèn nhát".
So với vụ tấn công tiêu diệt Abu Muhammad al-Baghdadi, thủ lĩnh của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hồi tháng 10/2019, hành động của ông Trump đã "rất khác biệt" trong cái chết của Tướng Soleimani.
Lần trước ông ta đã có bài phát biểu dài tới 40 phút và tự khen chính mình. Và lần này ông Trump chỉ đăng một lá cờ Mỹ trên Twitter, không có bất kỳ văn bản nào của Tổng thống liên quan tới vụ việc (ngoại trừ các tweet).
Có thể thấy sự "vướng víu" của ông Trump. Năm 2020 là năm của cuộc bầu cử tổng thống, động thái (có thể gây chiến tranh với Iran) của ông Trump có thể nói là đang đánh cược "sinh mạng chính trị" của ông".
Hôm 4/1/2020, Iran đã treo cờ đỏ với dòng chữ "Ai sẽ trả nợ máu cho al-Husayn" lần đầu tiên được treo lên thánh đường Jamkaran, như một lời khẳng định Iran sẽ trả thù cho tướng Soleimani (Ảnh: The Sun).
Iran nổ súng, TT Trump thất cử?
Teng Jianqun cho rằng: "Trong lịch sử nước Mỹ, các tổng thống giành chiến thắng trong các cuộc chiến không phải lúc nào cũng giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử.
Tổng thống Jimmy Carter, người đã cố gắng để tái đắc cử vào năm 1980, đã thất bại trong cuộc bầu cử sau vụ Khủng hoảng con tin Iran năm 1979.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ông Trump đã chiến thắng ứng cử viên Hillary Clinton khi lặp đi lặp lại luận điệu rằng bà đã tỏ ra "không đủ năng lực" trong vụ việc Đại sứ Hoa Kỳ Stevens thiệt mạng tại Benghazi, Libya vào tháng 9/2012.
Ông Trump liệu có đi vào "vết xe đổ" của người tiền nhiệm Jimmy Carter?
Cho tới trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11/2020, nếu Iran thực sự gây thương vong lớn cho người Mỹ, lính Mỹ hoặc các tài sản quan trọng của Mỹ trên toàn thế giới, ông Trump có thể sẽ thua cuộc.
Cho đến tháng 11/2020, chính phủ Mỹ sẽ tìm mọi cách để giữ mọi thứ "trấn tĩnh" và Mỹ sẽ không sử dụng vũ lực quy mô lớn chống lại Iran.
Chính phủ Mỹ hiện đang gửi quân đội tới Trung Đông, nhưng đó chỉ là để ngăn chặn các hành động trả đũa của Iran.
Nếu có thương vong cho người Mỹ, lính Mỹ hoặc thậm chí là tài sản có giá trị của Mỹ ở nước ngoài, ông Trump không có cách nào giải thích với cử tri (về quyết định giết hại Tướng Qassem Soleimani).
Ở Trung Đông, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh giành "miếng bánh" Iraq, tương lai xung đột giữa Mỹ và Iran có thể kéo dài tới tương lai. Trọng tâm của xung đột ở Trung Đông sẽ chuyển từ Syria sang Iraq.
Israel và Arab Saudi cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách Trung Đông của Mỹ. Trung Đông sẽ bước vào vòng xoáy mới, vòng xoáy điều chỉnh cân bằng quyền lực trong cuộc chạy đua giữa Mỹ và Iran".
Tiến sĩ Teng Jianqun hiện Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ thuộc Học viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc (CIIS) sau 25 phục vụ tại Hải quân quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) và Viện khoa học quân sự Trung Quốc.
Ông cũng là tổng biên tập của tạp chí World Military Review thuộc CIIS.
Lĩnh vực nghiên cứu chính của Tiến sĩ Teng Jianqun là Kiểm soát và giải giáp vũ khí, không phổ biến vũ khí hạt nhân, Chính sách an ninh của Trung Quốc và lý thuyết an ninh quốc tế.
Phóng sự của Fox News về cuộc tập trận hải quân giữa ba nước Nga - Trung - Iran.