Trong khi cách thức "điên rồ" của Tổng thống Trump đang làm cuộc chiến thương mại tồi tệ thêm, ông cũng chỉ là triệu chứng đẩy nhanh căng thẳng, chứ không phải là nguyên nhân, Giáo sư quan hệ quốc tế tại trường Đại học Havard Dani Rodrik nhận định.
"Tôi nghĩ chúng ta không nên làm quá lên về tầm ảnh hưởng của ông Trump. Tôi nghĩ ông Trump là triệu chứng nhiều hơn là nguyên nhân. Dù cho ông Trump có là Tổng thống Mỹ hay không, chúng ta vẫn phải đối mặt với những căng thẳng đó", ông Rodrik nói.
"Tôi xem ông Trump thực sự là một hiện tượng tạm thời", ông kết luận.
Theo GS tại trường Havard, nguyên nhân thuộc về cấu trúc trong kinh tế thế giới và sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các cường quốc kinh tế và chính trị. Không may, Tổng thống Trump đã làm cho mọi việc không dễ dàng bởi vì cách thức "điên rồ" mà ông Trump đang thực hiện, ông Rodrik nói thêm.
Theo ông, các động thái đảo ngược hoàn toàn là do ông Trump có "bản năng" nhưng không có chiến lược dài hạn. Một số ví dụ về "bản năng cơ bản" của ông là "xuất khẩu tốt, nhập khẩu xấu" hay "bất cứ điều gì tốt cho tôi thì là xấu cho bạn, và ngược lại", ông nói thêm.
Mỹ và Trung Quốc đã bị mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh thương mại, áp đặt thuế quan lên hàng hóa lẫn nhau. Trong động thái mới nhất, Tổng thống Trump thông báo, ông đã phê chuẩn mức thuế lên 200 triệu USD cho hàng hóa Trung Quốc.
George Yeo, cựu ngoại trưởng Singapore cho rằng, câu chuyện lớn ở đây là sự nổi lên của Trung Quốc. Chiến tranh thương mại là một biểu hiện của những căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và có thể tiếp tục trong nhiều năm, ông lý giải.
Yeo, hiện đang là chủ tịch của công ty hậu cần Kerry Logistics Network, cho biết có một sự lo lắng ngày càng tăng ở Mỹ về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Đối với Peter Navarro - cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump, đó là "cái chết bởi Trung Quốc", tên một cuốn sách của ông Navarro (Death by China).
"Không khó khăn gì để một cuộc chiến kinh tế trở thành một cuộc chiến chính trị và trở thành một cuộc chiến thực sự," cựu Ngoại trưởng Singapore cho hay.
Cả hai siêu cường đều cần tìm sự thích nghi trong thế giới đa cực này, GS Rodrik nhấn mạnh. Trung Quốc có thể nói rằng họ biết cách quản lý nền kinh tế của mình, và phương Tây cần công nhận nền kinh tế lớn nhất châu Á có mô hình riêng của nó.
"Mặt khác, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ cần phải hiểu rằng nó đã là một tay đua tự do trên hệ thống do Mỹ tạo ra, hệ thống cởi mở, nước này sẽ phải cung cấp thêm không gian nhất định cho châu Âu và Mỹ. Đây sẽ là một ví dụ về sự tồn tại hòa bình", ông nói thêm.