Chuyên gia tim mạch đầu ngành cảnh báo 2 dấu hiệu sớm nhất của suy tim

Ngọc Anh |

Suy tim là trạng thái bệnh lý trong đó cơ tim giảm khả năng cung cấp máu theo nhu cầu cơ thể. Bệnh để lại hậu quả nặng nề nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời.

5 triệu người mắc suy tim hàng năm trên toàn thế giới

Anh Nguyễn Văn Thắng – Ba Vì, Hà Nội bị suy tim độ 2 vẫn đang theo dõi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Anh Thắng tâm sự cách đây 4 năm, anh có cảm giác mệt mỏi, khó thở và cảm giác không muốn ăn.

Vợ anh khuyên chồng đi kiểm tra sức khỏe nhưng chủ quan vì nghĩ còn trẻ, lúc ấy anh mới 31 tuổi nên chần chừ cho đến khi cảm giác khó thở tăng lên. Anh đến bệnh viện kiểm tra bác sĩ nghi ngờ suy tim.

Không tin vào bệnh, vợ chồng anh Thắng lại khăn gói xuống Hà Nội kiểm tra cho chắc. Sau các xét nghiệm lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán anh bị suy tim độ 2 và đến nay anh vẫn phải điều trị theo tư vấn của bác sĩ.

Trường hợp của anh Thắng may mắn là được phát hiện sớm nên việc điều trị tốt hơn và đang phải theo dõi. Nhiều trường hợp bị suy tim nhưng không biết đến khi vào viện đã ở giai đoạn 3 – 4 khiến việc điều trị khó khăn hơn.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 5 triệu người mới mắc suy tim hằng năm trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, chúng ta chưa có thống kê trong cộng đồng, nhưng theo thống kê trong bệnh viện, có tới trên 60% bệnh nhân nội trú trong các khoa tim mạch bị suy tim ở các mức độ khác nhau.

Chuyên gia tim mạch đầu ngành cảnh báo 2 dấu hiệu sớm nhất của suy tim - Ảnh 1.

GS Phạm Gia Khải

Tiên lượng của bệnh nhân bị suy tim là xấu khi bệnh nhân có nhiều biểu hiện trên lâm sàng hoặc các triệu chứng biểu hiện ngày một tăng dần lên. Suy tim để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người bệnh.

Theo GS Phạm Gia Khải – Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, suy tim là căn bệnh chính ở người già. Vì khi con người già đi, các cơ quan chức năng chuyển hóa không hoạt động, không tổng hợp được tốt dẫn đến dị hóa nhiều nên khó tránh khỏi các bệnh lão hóa của tuần hoàn tuy nhiên gần đây nhiều người trẻ cũng mắc suy tim.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh suy tim sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng: Nhồi máu cơ tim, đột quỵ, trụy mạch.

Khó thở, phù mắt cá dấu hiệu của suy tim

Suy tim là tình trạng tim cung cấp máu không đủ cho nhu cầu của cơ thể trong mọi tình huống sinh lý. Suy tim thường là hậu quả của các bệnh lý tại chỗ hay toàn thân tác động lên tim. Có tổn thương ở tim hoặc ngừng tim không đồng nghĩa với suy tim.

Suy tim được chia theo phân độ:

- Khi khó thở độ I: Biểu hiện đó là gắng sức vừa phải, không khó thở.C

- Khó thở độ II: Gắng sức vừa phải đã khó thở rồi.

- Khó thở độ III: Hoạt động nhẹ thông thường đã khó thở.

- Khó thở độ IV: khó thở xảy ra với bất cứ hoạt động nào dù rất nhẹ.

Về sinh lý gây bệnh suy tim, GS Khải giải thích rằng do cơ tim giảm khả năng co bóp nên khi máu đổ về tâm thất nhiều, thất không đủ sức bóp đi hết, kết quả là giảm cung lượng tim. Kết quả là tăng áp lực cuối tâm trương trong thất.

Trường hợp nữa do cơ thất cứng, thất dãn ra kém, máu về thất giảm, thể tích cuối tâm trương của thất giảm.

Ngoài ra, khi tim đập nhanh hơn do hoạt động của thần kinh giao cảm nhằm đảm bảo cung lượng tim cần thiết cho chuyển hóa nhưng nhịp tim nhanh sẽ gây tăng nhu cầu oxygen, làm nặng hơn tình trạng thiếu máu cơ tim, cường giao cảm còn làm tăng khả năng xuất hiện loạn nhịp tim có thể gây tử vong.

Hậu quả của suy tim là ứ trệ tuần hoàn gây phù tại các mô kẽ và các mô, suy tim phải có thể gây phù mắt cá chân do ảnh hưởng trọng lựuc khi bệnh nhân đứng, có thể có gan to, tĩnh mạch cổ nổi, cổ chướng.

Theo GS Khải trong suy tim có suy tim trái và suy tim phải. Suy tim phải là suy chức năng nhĩ phải và thất phải, nhưng chủ yếu là suy chức năng thất phải. Ví dụ gặp trong các bệnh như: bệnh tim - phổi mạn tính, tim bẩm sinh có luồng máu qua lỗ thông từ trái sang phải, bệnh Ebstein, nhồi máu cơ tim thất phải, tăng áp lực động mạch phổi tiên phát, hẹp lỗ van ba lá…

Suy tim trái là suy chức năng nhĩ trái và thất trái, nhưng chủ yếu là suy chức năng thất trái. Suy tim trái gây phù ở phổi, thông khí sẽ kém đi, phổi bị cứng lại, trao đổi khí giảm: gây nên các biểu hiện như thở ngắn hơi, khó thở phải ngồi dạy, và cơn khó thở kịch phát về đêm.

Trong suy tim toàn bộ như trường hợp bệnh cơ tim do cung lượng tim và tưới máu kém tới các mô nên bệnh nhân tím, lạnh các đầu chi, chóng mặt, có thể ngất.

Suy tim trái có thể dẫn tới suy thêm tim phải, vì chỉ cần tăng áp lực động mạch phổi lên, làm tăng chút ít sức cản phổi cũng làm cho thất phải tăng công suất nhiều để đẩy máu đi dẫn tới quá tải và suy tim.

Khi bị suy tim cấp bệnh nhân cần đảm bảo đường thở thông thoáng, trao đổi khí, tuần hoàn. Tiên lượng của suy tim phụ thuộc vào chiến thuật điều trị, nguyên nhân suy tim và thời điểm bắt đầu điều trị, tình trạng sinh lý của bệnh người trẻ hay người già.

GS Khải nhấn mạnh, nếu có dấu hiệu khó thở kèm theo phù mắt cá chân cần đi kiểm tra ngay để được chẩn đoán bệnh sớm nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại