GS. Hoàng Công Đắc, Chuyên gia tiêu hoá, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết qua màu sắc, khuôn phân có thể biết được sức khỏe của hệ thống tiêu hoá.
Trung bình một ngày người bình thường sẽ đi đại tiện từ 1-2 lần/ngày, màu sắc và khuôn phân sẽ phụ thuộc vào ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu màu sắc và khuôn phân bất thường dù đã thay đổi ăn uống nhưng không thay đổi thì cần phải đi khám tiêu hóa sớm.
Phân hình lá lúa
Phân hình lá lúa có thể do mắc ung thư đại trực tràng.
GS. Hoàng Công Đắc khuyến cáo tình trạng phân bất thường có hình như lá lúa có thể là dấu hiệu của căn bệnh ung thư đường tiêu hoá. Ví dụ, người đi đại tiện đau quặn, mót dặn, đi đại tiện rồi vẫn muốn đi tiếp… đi đại tiện phân hình lá lúa rất có thể người đó có khối u ở đại tràng.
Do phân phải luồn qua khối u vì vậy mà khuôn phân bị thay đổi. Trong trường hợp này, người bệnh nên đi khám hậu môn sớm để xác định có khối u đại trực tràng hay không.
"Nếu không may được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng cần phải được điều trị sớm theo chỉ định của bác sĩ. Ung thư đại tràng tiên lượng tốt nên phát hiện sớm, bệnh nhân được cắt bỏ phần ung thư và khỏi bệnh", GS. Hoàng Công Đắc nói.
Ngoài ra, cần lưu ý nếu đi đại tiện hôm táo, hôm lỏng, phân có thể có nhầy máu cũng cần phải nghĩ tới nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Ung thư đại trực tràng thường mắc cao ở độ tuổi 40 trở đi, nhóm đối tượng này có các triệu chứng đại tiện trên cần phải đi khám tiêu hóa ngay.
Phân lỏng có nhầy
Người đi đại tiện phân lỏng có kèm theo triệu chứng đau quặn bụng, phân có nhầy hoặc nhầy máu, phân có bọt có thể là do bị nhiễm ký sinh trùng Amip.
Theo GS. Hoàng Công Đắc, nếu thể nhiễm Amip kéo dài trên 4-6 tuần sẽ chuyển từ Amip cấp tính sang Amip mãn tính. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân đã lầm tưởng bệnh đã đỡ dần, nhưng thực tế là bệnh vẫn đang diễn biến âm ỉ trở thành mãn tính và sẽ có những đợt đau cấp tính tái phát.
Để tránh nguy cơ nhiễm Amip bảo vệ đường tiêu hóa cách tốt nhất nên thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay với xà phòng trước khi ăn. Khi nghi ngờ nhiễm Amip cần phải đi khám và điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.
GS. Hoàng Công Đắc lưu ý phân biệt tiêu chảy do ký sinh trùng và vi khuẩn như sau: Tiêu chảy do ký sinh trùng tiêu chảy mất nước thường kín đáo đi ngoài nhiều lần trong ngày. Tiêu chảy do vi khuẩn thường đi ngoài mất nước nhiều có kèm nôn, đại tiện phân nhầy máu
Tiêu chảy do vi khuẩn có thể gây mất nước cấp rất nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Phân cứng như phân dê
Khi đi ngoài phân cứng như phân dê, đi phải rặn mạnh mới ra được, đây là triệu chứng táo bón do thiếu chất xơ.
"Nguyên nhân phân cứng thường là do ăn thiếu chất xơ, uống thiếu nước. Nên điều chỉnh lại chế độ ăn, uống nhiều nước sẽ cải thiện được tình trạng táo bón. Nếu phân cứng như phân dê có kèm máu tươi thì cần phải nghĩ tới đi khám bệnh trĩ", GS. Đắc nói.
Theo chuyên gia đối với bệnh trĩ độ 1 và độ 2 nếu biết cách tập luyện và thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp búi tự co lên. Trĩ từ độ 2b trở đi thì rất khó có thể co trở lại.
Màu sắc phân bất thường là một những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo hệ thống tiêu hóa đang có vấn đề.
Phân màu đen, đỏ tươi có thể là do thứ ăn của ngày hôm trước, thuốc uống. Tuy nhiên khi đã thay đổi chế độ ăn phân vẫn có thể màu sắc trên GS. Đắc khuyến cáo cần nghĩ tới bệnh lý của đại tràng. Người bệnh nên đi khám để loại trừ nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.