Thời gian gần đây, hóa đơn tiền điện của một số hộ gia đình tăng vọt so với các tháng trước đó, dù "số lượng thiết bị điện vẫn thế, nhu cầu sử dụng không thay đổi". Trước tình trạng này, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh đã đưa ra một số gợi ý giúp giúp các hộ gia đình tránh việc hóa đơn tiền điện hàng tháng tăng cao.
Theo ông Sơn, đầu tiên, người sử dụng điện nên hạn chế điều hòa nhiệt độ. Hạn chế ở đây không có nghĩa là không sử dụng, mà nên đặt hẹn giờ, đặt nhiệt độ hợp lý.
Bên cạnh đó, nên dùng điều hòa kết hợp với quạt, sẽ giúp hiệu quả làm mát tốt nhất mà vẫn tiết kiệm điện. Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị điện (định kỳ 6 tháng đến 1 năm), đặc biệt là các thiết bị đã dùng lâu năm để tránh nguy cơ rò rỉ, thất thoát điện.
(Ảnh minh họa).
"Mỗi gia đình cũng cần thay đổi thói quen tiêu dùng. Có một số gia đình mà tôi biết, có khi họ ra ngoài cả tiếng đồng hồ cũng không tắt đèn, tắt điều hòa. Đó là sự lãng phí", ông Sơn nói.
Đặc biệt, theo quan điểm của vị này, đối với những gia đình có mái nhà, có điều kiện kinh tế nên cân nhắc lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Đây là một giải pháp hữu hiệu đang được Chính phủ khuyến khích.
Theo ông Sơn, nếu lắp đặt khoảng 3 - 5 kWp, mỗi tháng, điện mặt trời mái nhà có thể tạo khoảng 350 - 500 kWh. Chúng ta có thể lựa chọn, bán toàn bộ cho EVN hoặc vừa sử dụng và bán cho EVN sản lượng điện dư thừa.
Trong trường hợp sử dụng cho các phụ tải, gia đình có thể giảm được số điện ở các bậc thang giá cao, qua đó giảm được đáng kể chi phí tiền điện hàng tháng
Ngoài ra, trong trường hợp có thắc mắc đến hóa đơn tiền điện, liên quan đến công tơ, chúng ta cần chủ động liên hệ điện lực để được xử lý.
"Tôi biết một trường hợp khiếu nại về hóa đơn nhưng khi điện lực đến giải quyết và đề nghị đưa công tơ đi kiểm định, gia đình lại ngại sẽ "phiền toái" nên không đồng ý kiểm định, dù trong lòng vẫn ấm ức.
Trong khi đó, nếu đi kiểm định, chúng ta sẽ thấy được chất lượng của công tơ, biết được rõ ràng là lỗi của bên điện lực hay lỗi của chính mình để có phương án giải quyết làm thỏa đáng cả hai bên", Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh gợi ý.
Bên cạnh đó, ông Hà Đăng Sơn cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến hóa đơn tăng cao, trong đó thói quen, cách thức sử dụng của mỗi gia đình là một trong những yếu tố tiên quyết. "Ví dụ, cùng một xe máy nhưng vợ tôi lái sẽ tốn xăng hơn nhiều, bởi các chị em có thói quen hay rồ ga, phanh gấp nên tốn nhiên liệu, còn mình chạy êm hơn", ông Sơn ví von.
Khi thời tiết nóng bức, hiệu suất các thiết bị điện bị giảm nên sẽ tiêu tốn điện năng hơn. Đó là chưa kể, trong mùa nắng nóng, khi sử dụng điều hòa nhiệt độ, chúng ta thường có xu hướng hạ nhiệt độ xuống thấp để nhanh mát, mà ít người biết rằng, nhiệt độ càng thấp, càng tốn điện.
"Nếu không được vệ sinh, bảo dưỡng thường xuyên, cửa hút gió của điều hòa bị bịt kín cũng tạo thành các trở kháng làm giảm hiệu suất. Lúc này, khả năng làm mát sẽ kém. Đây cũng là nguyên nhân gây tốn điện.
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Định cư của Việt Nam cũng chỉ ra rằng, tủ đông cũng có thể chiếm tới 40-50% lượng điện tiêu thụ của gia đình nếu không đặt chế độ phù hợp", ông Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tình trạng rò rỉ điện cũng là nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện tăng cao. Nhiều thiết bị đã sử dụng lâu năm, dây dẫn kém nên rò rỉ điện, gây hao phí điện năng mà người sử dụng không hay biết.