Nhiều người trẻ suy thận
Tại Hội thảo về khoa học an toàn trong thận nhân tạo "Ứng dụng nước RO - dịch lọc trung tâm" do Bệnh viện Nông nghiệp tổ chức, GS Nguyễn Nguyên Khôi, Nguyên trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện có khoảng 5 triệu người Việt bị suy thận và mỗi năm tăng thêm gần 8.000 ca bệnh mới.
Số người mắc suy thận mãn có xu hướng tăng lên đặc biệt ở người trẻ. GS Khôi cho rằng sở dĩ ở Việt Nam nhiều trường hợp dưới 30 tuổi đã phải chạy thận suốt đời vì việc điều trị bảo tồn còn thận kém nên đa số bệnh nhân bị suy thận một thời gian sẽ chuyển sang suy thận mãn.
Trong khi đó, ở các nước khác trên thế giới thì giai đoạn từ suy thận sang suy thận mãn kéo dài nhiều chục năm. Có người bị suy thận đến khi già họ mới phải lọc máu chu kỳ.
GS Khôi cho rằng, suy thận cấp nguy hiểm nhưng điều trị khỏi, sức khỏe của bệnh nhân sẽ dần hồi phục. Trong khi với suy thận mãn, người bệnh sẽ phải chung sống với nó suốt đời. Nếu đã bị suy thận mãn độ 2 thì không bao giờ còn hy vọng bệnh nhẹ đi, trở lại độ 1 mà chỉ có thể duy trì không cho tiến triển xấu thêm.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BV Nông nghiệp
Điều đáng lưu tâm là những nguy cơ gây suy thận mãn đang tăng nhanh với nhiều căn bệnh tạo cơ hội giúp nó phát tác hiện khá phổ biến (những căn bệnh của thời đại công nghiệp).
Những bệnh lý như cao huyết áp, bệnh tiểu đường, viêm cầu thận, thận đa nang… là nguyên nhân chính gây ra bệnh thận mạn tính.
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về mối liên quan giữa 2 bệnh lý béo phì và thận. Tại Việt Nam GS Khôi cho rằng nguyên nhân gây suy thận do tỷ lệ người bị tắc đường tiết niệu do sỏi mật gây suy thận là nguyên nhân đáng kể. Đáng buồn hơn, nhiều người bị suy thận chỉ vì những loại bệnh rất đơn giản, rất thường gặp, như viêm họng.
Ngoài ra, tình trạng nhiễm độc do thuốc - trong đó có thói quen tùy tiện dùng thuốc, sử dụng đông dược trộn tân dược... dẫn tới suy thận.
Theo GS Khôi bệnh suy thận diễn biến rất âm thầm, nhiều bệnh nhân bị suy thận cấp, sau thời gian điều trị khỏi tự nhưng bệnh nhân có thể bị suy thận nhẹ độ 1. Sau đó, bệnh nhân chủ quan nghĩ mình khỏi không đi khám định kỳ tới khi suy thận giai đoạn cuối mới phát hiện ra.
Lối sống gây hại thận
Giáo sư Khôi cho biết, có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh thận nhưng hiện nay trước trào lưu thực phẩm bẩn, nguồn nước kém an toàn thì cũng là yếu tố gây ảnh hưởng tới thận.
Lối sống công nghiệp đặc biệt nhiều người trẻ, người làm việc văn phòng có thói quen ít uống nước và nhịn tiểu khi mắc tiểu, thường do công việc liên tục. Thói quen không tốt này dễ dẫn đến nguy cơ bị sỏi thận và nhiễm trùng đường tiết niệu.
GS Khôi chia sẻ về các nguyên nhân gây suy thận.
Bên cạnh đó, họ cũng có những thói quen khác như ăn mặn, nhiều cholesterol, nhiều đạm, ít rau xanh cũng không tốt cho sức khỏe của thận. Hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều và lười tập thể dục cũng là 1 trong những yếu tố nguy cơ của bệnh thận. Đây cũng là lý do vì sao tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai thường nhiều người trẻ, chỉ từ 20-25 tuổi, cộng trừ 10 tuổi.
Theo GS Khôi bệnh lý suy thận mạn không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn gây áp lực lớn về kinh tế cho người bệnh. Chi phí một lần chạy thận tùy thuộc vào loại vật tư sử dụng như màng lọc, dây máu…, dao động khoảng 500.000 - 1,5 triệu đồng.
Cách phòng suy thận mãn tốt và cũng ít tốn kém nhất là chữa trị tốt ngay từ đầu các căn bệnh nguyên phát. Đáng chú ý ở Việt Nam là những bệnh viêm thận, viêm cầu thận và sỏi thận nhiều. Số người bị sỏi thận ở Việt Nam rất cao, nếu để tình trạng mổ đi mổ lại nhiều lần rất dễ khiến hai quả thận bị suy.
Chính vì thế, phòng bệnh từ cách thay đổi lối sống uống nhiều nước, không đợi khi khát mới uống. Ăn thực phẩm an toàn, tăng cường vận động thể chất và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ.