Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại của Thái Lan đã cảnh báo rằng các nhà cung cấp ô tô ở Thái Lan nên chuẩn bị cho nhiều nhà sản xuất ô tô nước ngoài chuyển đến Việt Nam để tận dụng các thỏa thuận FTA và chi phí lao động rẻ hơn.
Để trở thành trung tâm sản xuất ô tô mới, liệu Việt Nam có thể cạnh tranh với ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan - quốc gia từ lâu được coi là Detroit của châu Á?
Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan nổi lên từ giữa những năm 1990, và hiện đứng thứ 12 trên toàn thế giới với tư cách là nhà sản xuất ô tô, đã thu hút tất cả các thương hiệu lớn của Nhật Bản, bao gồm Toyota và Honda, các thương hiệu ưu tú của Đức - BMW và Mercedes Benz, cũng như Mỹ với Ford và Chevrolet.
Malaysia đã đi theo con đường xe hơi quốc gia với Proton, ban đầu là một liên doanh với Mitsubishi Motors, nhưng hiện nay Geely (Trung Quốc) mới là đối tác chiến lược chính của họ.
Trao đổi với phóng viên Trí Thức trẻ, TS. Manop Udomkerdmongkol - chuyên gia kinh tế tại ngân hàng UOB Thái Lan đánh giá: "Đúng là hiện nay, Thái Lan và Malaysia vẫn là hai trung tâm lớn về sản xuất ô tô.
Nhưng trong tương lai, sẽ có nhiều thay đổi thú vị. Nếu muốn cạnh tranh với Thái Lan và Malaysia, Việt Nam nên tập trung vào sản xuất ô tô điện. Đây có lẽ là chiến lược khôn ngoan nhất và Việt Nam nên bắt đầu ngay từ bây giờ".
Chuyên gia này chia sẻ: "Thái Lan và Indonesia cũng đang cạnh tranh rất lớn để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xe hơi. Mitsubishi mới có quyết định sẽ đầu tư sản xuất xe điện ở Thái Lan và chúng tôi cũng đang chờ đợi quyết định đầu tư của Toyota.
Nếu như Indonesia thắng trong việc thu hút Toyota, Thái Lan phải đảm bảo rằng Thái Lan phải là địa bàn trọng điểm của Toyota".
Sau khi từ bỏ kế hoạch xe hơi quốc gia của riêng mình, Indonesia đã xúc tiến đầu tư vào mẫu xe "xanh" giá rẻ (LCGC) từ năm 2013, cung cấp ưu đãi thuế cho một số nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, tăng tỷ lệ phụ tùng địa phương lên tới 80%. Các mô hình LCGC hiện chiếm 20% doanh số bán xe chở khách trong nước.
"Việt Nam cũng cần phải trở thành trung tâm trọng điểm của ngành sản xuất xe hơi và ứng dụng được công nghệ 4.0, đó chính là chìa khóa" - ông Manop cho biết thêm.
Các nhà phân tích của Trung tâm nghiên cứu Kasikorn có trụ sở tại Bangkok cũng cho rằng thương hiệu ô tô mới của Việt Nam - Vinfast có thể sẽ có tiềm năng hơn khi tập trung vào xe điện.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch Vinfast tiết lộ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Đông Nam Á (ASEAN Business Summit): "Mẫu ô tô mà chúng tôi cho ra mắt đầu năm sau sẽ là xe điện. Chúng tôi cũng sẽ có hệ thống đổi pin nữa.
Chúng tôi có thể trợ giá xe hơi ở Việt Nam để ra mắt ô tô điện cho người tiêu dùng Việt Nam. Vì bạn biết đấy, nếu chúng tôi trợ giá cho chi phí sạc điện thì người tiêu dùng sẽ dễ thích nghi với xe điện hơn".
Bà Thủy nói: "Thu nhập của người dân đang tăng, đường xá được cải thiện, đây chính là thời điểm gia tăng nhu cầu xe hơi của Việt Nam.
Chúng tôi cũng nghĩ rằng bối cảnh của ngành công nghiệp ô tô thế giới hiện nay cũng rất thú vị với sự chuyển đổi từ phương tiện giao thông sử dụng xăng dầu sang xe điện. Khi chúng tôi nhìn vào dự án này, chúng tôi cảm thấy đây là thời điểm hoàn hảo để gia nhập thị trường".
Ngày 2/5/2019, tập đoàn Vingroup cũng chính thức công bố thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Vận Tải VinBus, đưa vào vận hành 3.000 xe buýt điện do Vinfast sản xuất.
Cũng có rất nhiều mối lo ngại cho rằng, năng lực sản xuất của Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều so với Trung Quốc, việc các nhà sản xuất ồ ạt vào Việt Nam vì chiến tranh thương mại Mỹ Trung sẽ đẩy giá nhân công và bất động sản lên cao làm giảm tính cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành ô tô nói riêng.
Ông Manop nói: "Ở thời điểm hiện tại, cho dù tiền lương ở Việt Nam có bị đẩy lên cao, thì nó vẫn còn rất xa so với mức tiệm cận Thái Lan, Malaysia hay là Trung Quốc.
Lợi thế chi phí này có bền vững hay không sẽ phụ thuộc vào việc Việt Nam có chuyển hướng sang nền kinh tế công nghệ cao hay không. Nếu Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ thì lợi thế đó không thể bền vững".