Trong vòng 48 giờ tới, Chính quyền Mỹ sẽ đưa ra quyết định về cách thức đáp trả những cáo buộc về một vụ tấn công vũ khí hóa học ở thị trấn Douma của Syria.
Tổng thống Donald Trump ngày 9/4 cho biết, Washington hiện đang nghiên cứu các bằng chứng liên quan, đồng thời tuyên bố tất cả các lựa chọn đang được đặt trên bàn, kể cả hành động quân sự. Người đứng đầu Nhà Trắng thậm chí còn cam kết đáp trả ngay cả khi nội các của ông kết luận Nga là bên phải chịu trách nhiệm.
Trước đó, phát biểu trước thềm cuộc họp với Quốc vương Qatar, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đã bày tỏ quan điểm của Lầu Năm Góc khi nói rằng "không loại trừ bất cứ khả năng nào ngay tại thời điểm này".
Tiếp lửa thêm cho những tuyên bố cứng rắn trên là những tiếng nói đại diện cho phái "diều hầu" Mỹ, gồm các Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, John McCain và Susan Collins - tất cả đang kêu gọi tiến hành một hành động quân sự ở Syria.
Bầu không khí chiến tranh đang ngày càng trở nên nóng bỏng. Nhưng vấn đề khó khăn nhất đối với Mỹ hiện nay là có quá nhiều bên đang hoạt động sát cạnh nhau ở Syria, gồm cả các lực lượng quân sự Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: "Chúng tôi có rất nhiều lựa chọn quân sự"
Trừ phi Washington dám mạo hiểm tiến tới chiến tranh với Nga, mà viễn cảnh này rất có thể leo thang ra ngoài tầm kiểm soát, còn nếu không, các bộ óc chiến tranh của Mỹ sẽ phải cân nhắc rất cẩn trọng để tránh tấn công vào các lực lượng Nga ở Syria. Moscow từng nhấn mạnh sẽ đáp trả ngay lập tức nếu các lực lượng của họ bị tấn công.
"Một lần nữa chúng tôi buộc phải nhắc lại rằng, hành động can thiệp quân sự vào Syria, nơi các lực lượng Nga đang triển khai theo đề nghị của một chính phủ hợp pháp, nếu được thực hiện bởi những chứng cứ giả mạo và có toan tính là hoàn toàn không thể chấp nhận được và có thể dẫn tới các hậu quả khôn lường", thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov ngày 13/3 cũng từng tuyên bố: "Nếu tính mạng của các quân nhân Nga bị đe dọa, các lực lượng vũ trang Liên bang Nga sẽ đánh trả cả các tên lửa và những hệ thống đã phóng chúng".
Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là nhiều chuyên gia quân sự của cả Nga và Mỹ đều đã từng nhận xét, tướng Gerasimov không phải là người "thích nói đùa" và ông luôn tuân thủ nghiêm ngặt mọi mệnh lệnh từ Tổng thống Vladimir Putin.
"Khi Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga nói ra điều gì đó, bạn cần phải lắng nghe ông vì "ai đó" đã nói với ông như vậy", chuyên gia cao cấp Michael Kofman thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ) bày tỏ.
Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng Vũ trang Nga, Tướng Valery Gerasimov
Các lựa chọn quân sự của Mỹ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã trả lời trực tiếp câu hỏi của các phóng viên về cách thức Mỹ có thể đáp trả các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria nhưng chắc chắn Washington sẽ phải tính toán rất cẩn trọng để nếu tấn công, sẽ không gây tổn hại cho các lực lượng Nga.
"Tôi chắc chắn Mỹ sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng khi tấn công các mục tiêu", Mark Gunzinger, cựu phi công lái B-52 của Không quân Mỹ đồng thời là chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Ngân sách phát biểu với Tạp chí National Interest.
"Rất nhiều phương tiện có thể được sử dụng để thực hiện đòn tấn công chính xác, gồm cả tên lửa hành trình phóng từ trên không và trên biển cũng như dùng các máy bay chiến đấu đột nhập".
Nhưng ông Gunzinger cũng nói thêm: "Cùng với việc định vị các khu vực nhạy cảm, việc xác định chính xác các vũ khí và phương tiện tấn công sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như bản chất của mục tiêu, "độ khó chơi" hay tính cơ động..."
Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ phải sử dụng tới các vũ khí dẫn đường tấn công chính xác tầm xa, chẳng hạn như tên lửa hành trình Tomahawk của Hải quân, tên lửa hành trình thông thường AGM-86C phóng từ máy bay B-52 để tấn công các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ Syria nhằm giảm bớt nguy cơ cho phi công trước các tên lửa đất đối không.
Hơn nữa, do tên lửa hành trình di chuyển ở trần bay cực thấp, bám sát địa hình để tránh sự phát hiện của các đài radar mặt đất nên những hệ thống phòng không đặc biệt uy lực của Nga như S-400 và S-300V4 triển khai ở Syria sẽ không thể đánh chặn được các tên lửa trừ khi chúng bị tấn công trực tiếp.
Hoặc Mỹ cũng có thể sử dụng các máy bay tàng hình như B-2 Spirit của Northrop Grumman và F-22 Raptor của Lockheed Martin để tấn công các mục tiêu ở Syria.
Lợi thế của các máy bay tàng hình này là chúng đều được trang bị những cảm biến có độ phân giải cao và mang theo rất nhiều loại vũ khí. Nghĩa là bên ngắm bắn có thể lựa chọn từng loại vũ khí thích hợp cho từng mục tiêu phù hợp nhờ sử dụng dữ liệu thời gian thực từ các cảm biến của máy bay.
Tuy nhiên, theo Trung tướng David Deptula, cựu lãnh đạo tình báo Không quân Mỹ, người từng hoạch định một số chiến dịch không kích thì "giải pháp tấn công cụ thể còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố có liên quan tới kết quả mong muốn đạt được như vị trí mục tiêu, thời gian tiến hành, thiệt hại dự kiến..."
Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Không quân Mỹ
Khả năng đáp trả của Nga
Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, nếu các lực lượng Nga bị tấn công bởi một đòn không kích của Mỹ hay đồng minh, Moscow chắc chắn sẽ đáp trả bằng vũ lực, Kremlin "không nói đùa".
"Nếu các lực lượng Nga bị tấn công, khi đó chiến tranh sẽ xảy ra", Vasily Kashin, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu toàn diện châu Âu và Quốc tế thuộc Đại học Kinh tế Moscow nhận xét.
Quân đội Nga hoàn toàn có đủ khả năng tấn công đáp trả các căn cứ của Mỹ và đồng minh, không chỉ ở Trung Đông mà còn ở cả châu Âu. Như Gerasimov từng nhấn mạnh trước đây, Nga không chỉ tấn công các lực lượng Mỹ và đồng minh ở Syria mà còn đáp trả cả các phương tiện, căn cứ gốc nơi tên lửa đồng minh xuất phát.
Các vũ khí dẫn đường chính xác tầm xa như tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu chiến, tàu ngầm và tên lửa hành trình phóng từ trên không X-101 trang bị cho các máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-95 và Tu-160 sẽ là những công cụ giúp Moscow tấn công các căn cứ Mỹ ở trong khu vực.
Đây cũng chính là một mối lo ngại lớn đối với các đồng minh của Mỹ, những nước có thể phải tiếp nhận các máy bay Mỹ dùng để tấn công các mục tiêu của Nga ở Syria.
Nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn nảy sinh khi phát động cuộc chiến với một cường quốc hạt nhân là những xung đột như vậy chắc chắn sẽ leo thang và vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
"Một cuộc xung đột giữa Nga và Mỹ nhiều khả năng sẽ diễn ra như vậy. Rất có thể leo thang ngoài tầm kiểm soát", chuyên gia Kashin dự báo.
Lực lượng quân sự Nga tại Syria
Yếu tố Israel và viễn cảnh dự kiến
Một lá bài khó đoán định khác là Israel và các nước lớn trong khu vực có liên quan tới Syria. Chính Nga là nước đã lên tiếng cáo buộc Israel phát động đợt không kích nhằm vào căn cứ T-4 của Syria.
"Ngày 9/4, vào khoảng thời gian từ 3:25 tới 3:53 sáng (giờ Moscow), hai máy bay F-15 của Không quân Israel đã phóng 8 quả tên lửa dẫn đường tấn công căn cứ sân bay T-4 từ lãnh thổ Lebanon mà không xâm nhập không phận Syria", thông báo của Bộ Quốc phòng Nga viết.
Nga tuyên bố các hệ thống phòng không của Syria đã đánh chặn được 5 quả tên lửa của Israel còn 3 quả khác rơi trúng mục tiêu ở cánh Tây căn cứ.
Theo hãng thông tấn TASS, không có cố vấn quân sự người Nga nào thương vong trong vụ tấn công nhưng ít nhất 14 người ủng hộ chế độ Syria, gồm cả một số người Iran đã thiệt mạng. Do đó, nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ không mong muốn giữa các nước lớn trong khu vực là rất cao.
Mọi diễn biến tiếp theo ở Syria còn tùy thuộc vào quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến sẽ được đưa ra trong vòng từ 24 - 48 giờ tới.
Nhưng thế giới có thể sẽ phải chứng kiến một cuộc đối đầu nguy hiểm nhất giữa các cường quốc quân sự kể từ sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Hậu quả có thể là một thảm họa khôn lường nếu chiến tranh Nga - Mỹ xảy ra nhưng sẽ rất may mắn nếu đây chỉ là kinh nghiệm để từ đó rút ra những bài học giúp ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Mỹ phóng tên lửa Tomahawk tấn công căn cứ không quân Syria tháng 4/2017