Giao tiếp là việc ai cũng có thể làm một cách dễ dàng, nhưng giao tiếp sao cho hiệu quả mới là điều vô cùng khó. Đôi khi, cha mẹ vô tình thốt ra những lời nói "sắc nhọn" làm tổn thương con, thậm chí có những tổn thương không thể chữa lành. Các chuyên gia khuyên rằng, trong thời kỳ tuổi dậy thì, các bậc cha mẹ nên nói ít hơn, lắng nghe nhiều hơn, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ trong giai đoạn nhạy cảm này.
Ảnh minh họa
Trong cuộc sống hiện đại, với nhiều áp lực và lo toan, các bậc cha mẹ có xu hướng ít khi lắng nghe con nói. Khi đối mặt với sự xung đột, cha mẹ sẽ vội vàng phân bua, trách móc trẻ bằng một thái độ trịch thượng hơn là đồng cảm với trẻ. Nếu cha mẹ chỉ biết bảo thủ và bảo vệ quan điểm của mình, con sẽ cảm thấy mình không được lắng nghe, được tôn trọng, từ đó, khoảng cách cha mẹ - con cái dần xa cách nhau.
Trên cơ sở này, nhà tâm lý học hôn nhân và gia đình John Gottman đã ứng dụng và phát triển hiệu ứng tâm lý "Tỷ số Losada" vào việc dạy con. Đây chính là phương pháp giúp cha mẹ - con cái gắn kết mối quan hệ.
Tỷ số Losada (còn được gọi là Tỷ số phản hồi tích cực/ tiêu cực) được xác định bởi nhà tâm lý học Marcial Losada năm 1999 khi ông đang theo học ngành tâm lý học quản lý. Theo đó, tỷ số này xem xét mối quan hệ giữa tương tác tích cực và tiêu cực. Nếu tỷ lệ giữa cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực đạt 3:1, tức là chỉ có một cảm xúc tiêu cực trong số ba cảm xúc tích cực, đó là dấu hiệu của sự phát triển và hạnh phúc. Nghiên cứu của Losada cũng nhận thấy rằng mọi người có nhiều tương tác tích cực hơn sẽ thực hiện công việc tốt hơn.
Cha mẹ áp dụng hiệu ứng tâm lý "Tỷ số Losada" vào việc dạy con như thế nào?
Trước tiên, cha mẹ cần khen ngợi, ghi nhận và khuyến khích trẻ khi chúng làm tốt, sau đó nói cho trẻ biết khuyết điểm và những điều con làm chưa tốt để con chỉnh sửa. Khen ngợi, ghi nhận sẽ tạo động lực để trẻ làm những điều tốt hơn nữa: Trẻ con cũng như người lớn, đều mong muốn nhận được những phản hồi tốt từ người khác. Khi nhận được phản hồi là những lời khen, chúng ta cảm thấy hào hứng và muốn thực hiện hành vi được khen đó vào lần sau. Một lời khen của cha mẹ sẽ khiến con củng cố được niềm tin và phấn đấu hơn.
Ảnh minh họa
Thứ hai, cha mẹ nên lưu ý: không khí trong gia đình có sự ảnh hưởng rất lớn với trẻ. Trong quá trình giao tiếp với trẻ, 7% là lời nói trực tiếp, và 93% còn lại là các yếu tố phi ngôn ngữ, bao gồm biểu hiện trên khuôn mặt, thái độ và hành vi của cha mẹ. Đôi khi, sự lạnh lùng và im lặng của cha mẹ cũng là một cách giao tiếp sai lầm khiến con cảm thấy bất an.
Thứ ba, cha mẹ hãy cố gắng tạo ra thật nhiều năng lực tích cực và tạo không khí ấm áp cho gia đình ở mức ba phần so với một phần cảm xúc tiêu cực. Vì môi trường gia đình rất quan trọng với trẻ, nên khi tạo được không khí vui tươi và ấm áp trong gia đình, trẻ em sống với cảm giác được yêu thương, được bảo vệ và cảm thấy an toàn.
Ảnh minh họa
Được lớn lên trong môi trường tích cực là điều rất quan trọng đối với sự phát triển nhân cách của trẻ. Khi được sống dưới cảm xúc tích cực, khả năng tự chủ, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng ra quyết định, ... sẽ được cải thiện đáng kể, giúp trẻ học tập tốt hơn. Trong khi đó, sống trong một gia đình u ám, tiêu cực, căng thẳng sẽ cho kết quả ngược lại.
Trong quá trình dạy con, cha mẹ hãy đặt cái tôi của mình đừng lớn hơn cái tôi của con. Hãy là người bạn đồng cảm, thấu hiểu nhiều hơn và ít trách móc hơn, động viên nhiều hơn và ít công kích hơn, tha thứ nhiều hơn và ít phàn nàn hơn. Có như thế, mối quan hệ cha mẹ - con cái sẽ gắn kết và hiểu nhau hơn rất nhiều.