Chuyên gia tâm lý Hoàng Thanh Huệ: Cha mẹ đọc trộm tin nhắn khiến con bất mãn, hay nói dối

Tâm Mi |

Theo ThS. Hoàng Thanh Huệ, những đứa trẻ có bố mẹ kiểm soát sẽ thường xuyên cảm thấy xấu hổ với nhóm bạn bè của mình.

"Em nhắn tin với ai đều xóa hoặc ẩn tin nhắn đi vì em phát hiện mẹ đọc trộm tin nhắn lúc em đi tắm" - Đức Anh (15 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự. Đức Anh kể thêm rằng một bạn nữ cùng lớp em còn bị mẹ bắt mở tin nhắn ra để mẹ đọc công khai, với lý do "nếu không làm cái gì xấu thì việc gì phải giấu giấu giếm giếm như thế".

Những bậc cha mẹ kiểm soát, bảo vệ con quá mức như thế này có lẽ đã không còn hiếm gặp.

Trong quá trình làm việc, ThS. Hoàng Thanh Huệ thường xuyên tiếp đón các bạn nhỏ và trẻ vị thành niên với các rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu xuất phát từ sự quan tâm tận tình nhưng sai lệch từ phụ huynh.

Một số gia đình đến làm việc có thói quen đọc trộm tin nhắn và kiểm soát tài khoản mạng xã hội của con, giống trường hợp của Đức Anh bên trên. Có ông bố bà mẹ còn "rình rập" con cả ngoài đời thực: Con đi cà phê với bạn thì bố mẹ đưa đến rồi ngồi ở bàn gần đó, nhìn theo mọi hành động của con và âm thầm đánh giá bạn bè con chơi cùng.

Sự bất mãn nhen nhóm

"Những đứa trẻ có bố mẹ kiểm soát như vậy thường rất xấu hổ với nhóm bạn bè của mình. Chúng nghĩ rằng sao mình lớn rồi mà bố mẹ vẫn làm như thế. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến lòng tự trọng và hình ảnh bản thân" - chuyên gia Thanh Huệ phân tích.

"Hình ảnh bản thân" vốn là thứ rất quan trọng với trẻ vị thành niên. Ở độ tuổi 15-16, bạn bè là nhóm người ảnh hưởng tới trẻ nhiều nhất nên trẻ luôn muốn có một hình ảnh đẹp, tự tin trước mặt bạn bè.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Thanh Huệ: Cha mẹ đọc trộm tin nhắn khiến con bất mãn, hay nói dối - Ảnh 1.

Trẻ có xu hướng giấu diếm, hay nói dối bố mẹ sau khi bị xâm phạm quyền riêng tư. Ảnh minh họa

Khi bị cha mẹ xem trộm điện thoại, trẻ sẽ nhen nhóm những cảm xúc bất mãn. Nhiều trường hợp trẻ dù không biểu hiện ra ngoài mặt, nhưng sau lưng đã bắt đầu tìm cách giấu diếm, nói dối bố mẹ để giữ sự riêng tư cho bản thân.

Điều này được chứng mình trong một nghiên cứu tại Đại học McGill (Canada). Theo nghiên cứu này, con cái lớn lên trong gia đình ưa kiểm soát, hà khắc sẽ thường xuyên nói dối và có khả năng nói dối giỏi hơn những đứa trẻ khác.

Bên cạnh đó, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có cha mẹ là người kiểm soát, bảo vệ quá đà cũng hình thành nên sự tự ti và khả năng tự lập rất thấp. Khi gặp phải stress, những biến cố trong cuộc sống, các bạn trẻ sẽ cảm thấy rất bất an, nghĩ rằng mình không thể giải quyết được vấn đề.

Bố mẹ nghĩ gì?

“Theo sát nó như thế anh chị cũng có được gì đâu” - một bậc phụ huynh bộc bạch với chuyên gia Thanh Huệ trong buổi trị liệu của con.

Hầu hết các bậc cha mẹ không nhận ra mình đang kiểm soát con. Hành động của họ xuất phát từ sự lo lắng, mong muốn bảo vệ con khỏi bạn xấu, bắt nạt trên mạng vì nghĩ con mình vẫn còn bé bỏng.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Thanh Huệ: Cha mẹ đọc trộm tin nhắn khiến con bất mãn, hay nói dối - Ảnh 2.

Cha mẹ thường nghĩ con cái mình vẫn còn bé bỏng trong khi sự thật không phải vậy. Ảnh minh họa

Giáo sư Karyn D. McKinney từ trường Đại học Florida (Mỹ) đã thực hiện một loạt phỏng vấn với các bậc phụ huynh rồi phát hiện ra "quyền riêng tư" của con thường chỉ được công nhận về mặt không gian như một căn phòng riêng chứ hiếm khi coi trọng quyền riêng tư về tinh thần. Nhiều cha mẹ còn nghĩ việc con cái đòi hỏi quyền riêng tư là một điều tiêu cực.

ThS. Hoàng Thanh Huệ

Chuyên viên tâm lý trị liệu tại Viện tâm lý Việt Pháp

  • Chuyên gia trị liệu tâm lý cho đối tượng trẻ em và vị thành niên.

  • Cử nhân Tâm lý học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN

  • Thạc sĩ Tâm lý học trẻ em và vị thành niên – Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN.

Cha mẹ quan tâm đến con, muốn biết con chơi với ai, con đang làm gì là nhu cầu vô cùng chính đáng. Thay vì lén lút theo dõi con, cha mẹ cần ngồi xuống hỏi han về bạn bè của con, xây dựng niềm tin để con chia sẻ.

"Trẻ con muốn gần gũi bạn bè nhất vì bạn bè lắng nghe và tôn trọng chúng. Cha mẹ cũng có thể làm tương tự để có được niềm tin của con" - chuyên gia Thanh Huệ kết luận - "Chẳng đứa trẻ vị thành niên nào thích nghe giảng đạo lý cả, các em muốn được thể hiện cái tôi và được tự quyết".

Người lớn đang học rất nhiều kỹ năng trong cuộc sống, nhưng kỹ năng làm cha mẹ lại thường xuyên bị bỏ qua. Tại Việt Nam, cách làm phổ biến chỉ là vừa nuôi dạy con vừa phán đoán: Thử, sai và thử lại. Đáng tiếc là có những sai lầm sẽ không bao giờ có thể xóa bỏ.

Để tránh những tổn thương cho con, cha mẹ cần nghiêm túc nhìn nhận rằng mình thiếu kỹ năng để bồi đắp, và đứa trẻ cũng nên hiểu rằng cha mẹ mình không hoàn hảo. Mối quan hệ gia đình lành mạnh sẽ được xây dựng trên sự tôn trọng, lắng nghe lẫn nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại