Chuyên gia Nguyễn Duy Chuyền là một trong những “KOL tài chính” được chú ý gần đây với kênh TikTok Doctor Housing, sở hữu một số video hàng triệu view. Xuất hiện trên series podcast Extra Money do Rising Vietnam sản xuất, vị chuyên gia đã tiết lộ cách ông phân bổ “6 chiếc lọ tài chính” tại một thời điểm trong quá khứ, khi mức lương hàng tháng đang là 100 triệu đồng.
“ Thời điểm kiếm được 100 triệu đồng/tháng, tôi dành 60-70% để đi đầu tư. Nói chung, tiền có dư tôi đi đầu tư hết. Tôi sống tiết kiệm nhưng không phải hà tiện. Mọi khoản chi tiêu đều hợp lý và bài bản. Cuộc sống của tôi vẫn rất thú vị ”, ông Chuyền cho hay.
Với thông tin này, host của chương trình đặt câu hỏi rằng tại thời điểm đó ông có nghĩ mình là người giàu có hay không, và định nghĩa về sự giàu có như thế nào. Đáp lại, ông Chuyền khẳng định câu trả lời là không.
“ Trong lĩnh vực tài chính, khi tôi gặp gỡ các doanh nhân, nhà đầu tư hoặc chủ doanh nghiệp, 100 triệu quá bé nhỏ. Hồi đó tôi là nhà cung cấp cho các đối tác, một tháng họ kiếm vài tỷ là quá cơ bản. Mình được ngồi chung mâm với họ là quá vinh dự. Sau này vươn lên tầm cao hơn, tôi gặp gỡ những người một tháng thu nhập cả triệu USD là bình thường.
Nói chung, tôi lúc đó không thể gọi là giàu có được. Về định nghĩa, có rất nhiều loại giàu có. Giàu có về kiến thức, sức khỏe, hạnh phúc, sự sẻ chia. Mọi người hay thấy nhất là giàu có về tiền bạc. Tuy nhiên, có nhiều người không giàu có về tiền bạc, nhưng để lại tiếng cho muôn đời sau. Tôi định nghĩa đó là giàu có ”, ông Chuyền nêu quan điểm.
Cũng theo chia sẻ của vị chuyên gia, sau khi trải qua thời kỳ nghèo khổ, đủ ăn, bây giờ mọi người bắt đầu có của ăn của để, nhưng vẫn tích góp tài sản và mong muốn có nhiều tiền hơn. Còn khi đạt đến đỉnh cao như các nước châu Âu hoặc Mỹ, nhiều tiền rồi người ta sẽ nghĩ đến một giá trị cao hơn là cho đi, nhân văn hơn.
“ Như vậy, giàu có là khi chúng ta có của ăn của để, có được sự hưởng thụ và mang lại giá trị cho cộng đồng. Không có tiền cũng là vô nghĩa thật, nhưng xã hội bây giờ người nhiều tiền rất đông, mà người giàu có thì không nhiều. Nhiều người chết trên đống tiền và không hưởng thụ được. Tôi đã tư vấn rất nhiều trường hợp như vậy ”, ông Chuyền cho biết.
Ví dụ ông đưa ra là một người bạn thân sở hữu 4 khách sạn, mỗi cơ sở gồm 70 phòng và thu về gần 500 triệu mỗi tháng. Khi được hỏi làm việc nhiều như vậy để làm gì, người này nói rằng làm vì con cái.
“ Vậy là nói dối lương tâm. Không phải vì con cái, mà vì lòng tham của con người không bao giờ là đủ. Con lớn lên cho một khách sạn đủ chưa? Vậy mà bạn tôi vẫn đi mua nhà khắp nơi. Tôi hỏi bạn có thời gian để nghỉ ngơi không? Không có. Và gia đình họ sẽ xung đột trên khối tài sản vì không quản lý nổi, cuối cùng suốt ngày cãi lộn. Đó là khổ trên đống tiền, nhiều tiền nhưng không phải giàu có ”, ông Chuyền nhìn nhận.
Chia sẻ thêm về quan điểm tài chính, ông Chuyền cho biết “chân lý” của bản thân là tiết kiệm và đầu tư. Có nhiều tiền rồi hưởng thụ sau. Tuy nhiên, ông đánh giá giới trẻ hiện nay lại hưởng thụ trước và đầu tư sau.
“ Rất nhiều bạn hiện tại phí phạm quá nhiều tiền bạc ở tuổi trẻ và sau này họ rất hối hận. Chúng ta có bao nhiêu thì xài bấy nhiêu, đừng lấy thu nhập của mình đi so sánh với những người cao hơn. Ngày nay, mạng xã hội làm chúng ta hay bị ganh tị, so đo, tính toán. Ít tiền thì du lịch theo kiểu ít tiền.
Đừng đốt hết những gì đang có. Hãy tiết kiệm và đầu tư để có một phần tài sản trong tương lai, an yên hơn, an toàn hơn ”, vị chuyên gia đưa ra lời khuyên.