Đánh giá ý nghĩa của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 đối với khu vực trong bối cảnh hiện này, ông Choi Shing Kwok cho rằng Hội nghị bị phủ bóng bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đông Nam Á chỉ chiếm 2% số ca mắc COVID-19 và 1% số ca tử vong trên toàn cầu, nhìn chung đã kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, đại dịch vẫn có tác động nghiêm trọng đến đời sống và sinh kế của người dân trong khu vực, đặc biệt là những bộ phận dân chúng dễ bị tổn thương nhất.
Ngoài thiệt hại trực tiếp về y tế và kinh tế-xã hội do COVID-19 gây ra, ông cho rằng sự gia tăng cạnh tranh địa chính trị ở bên ngoài cũng tác động đến khu vực trong khi một số nước thành viên ASEAN như Thái Lan, Malaysia và Myanmar cũng đã và đang trải qua những biến động chính trị trong nước cùng với dịch bệnh.
Đồng thời, ông Choi nhận định khu vực ASEAN cũng có những hy vọng. Các chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng chuyển hướng sang khu vực trong sự thúc đẩy của xu hướng đa dạng hóa và tái phân bổ, vốn đã nổi lên trước khi dịch bệnh xảy ra. Ông khẳng định các nền kinh tế đang nổi lên của khu vực như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam chắc chắn sẽ gặt hái được những lợi ích này.
COVID-19 cũng đã đẩy nhanh quá trình số hóa của Đông Nam Á, với việc các công ty chuyển đổi sang kinh doanh trực tuyến và các chính phủ phân bổ ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong các nỗ lực chuyển đổi của họ. Ông nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 sẽ dẫn dắt khu vực đối phó với hoàn cảnh đầy thách thức hiện nay và vạch ra con đường để các nước và khu vực vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đánh giá về vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và những đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hợp tác khu vực đối phó với COVID-19 và khôi phục kinh tế, ông Choi Shing Kwok khẳng định 2020 là năm đặc biệt khó khăn và Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN trước tất cả những khó khăn và trở ngại.
Ông đánh giá, trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam đã đảm bảo sự quan tâm đồng đều của khối dành cho các cuộc thảo luận về những biện pháp đối phó trước mắt với dịch bệnh cũng như các kế hoạch phục hồi dài hạn sau đại dịch. Bên cạnh Quỹ ứng phó COVID-19 ASEAN - là một trong những cơ chế đầu tiên được thành lập để đối phó với những thách thức y tế trước mắt, Hiệp hội cũng đã xây dựng Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN để định hướng khu vực hành động khôi phục sau đại dịch.
Theo ông, trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam cũng lưu tâm các vấn đề quan trọng khác như biến đổi khí hậu, hợp tác kinh tế, phát triển bền vững, số hóa và Biển Đông. Khi dịch bệnh lan rộng và các nước phải đóng cửa biên giới hồi tháng 3, Việt Nam đã có sáng kiến chủ động chuyển sang hình thức họp trực tuyến ở các cấp khác nhau. Hình thức họp này giúp khắc phục những trở ngại, tiết kiệm thời gian và đem lại những động lực mới.
Về triển vọng ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này, ông Choi đánh giá các cuộc đàm phán về RCEP đang diễn ra hết sức thuận lợi, khả năng RCEP được ký kết là rất cao. RCEP được ký kết sẽ là sự thúc đẩy tinh thần hết sức cần thiết đối với nhiều quốc gia trong khu vực khi chúng ta đang tiếp tục nỗ lực chống suy thoái kinh tế do dịch bệnh gây ra và cũng cho thấy rằng khu vực quyết tâm xây dựng lại tốt hơn trước những thách thức đối với thương mại đa phương.