Chuyên gia: S-300 Nga ở Syria có thể "vít cổ" tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ

Anh Tú |

Theo Đại tá quân sự Mikhail Khodaryonok, việc truyền thông Mỹ bàn luận tới khả năng phá hủy các hệ thống tên lửa S-300 tại Syria chỉ là những lời nói sáo rỗng ở thời điểm này.

S--300 Nga ở Syria có thể "tóm sống" tiêm kích tàng hình Mỹ

Việc Nga quyết định chuyển giao các tổ hợp tên lửa S-300 cho Syria đã khiến nhiều phương tiện truyền thông của Mỹ dấy lên đồn đoán rằng không quân nước này có thể sẽ huy động các máy bay tiêm kích tàng hình F-22 để "đè bẹp" hệ thống phòng không của Damascus.

Washington cũng đã cam kết sẽ cung cấp thêm cho Israel các tiêm kích F-35 dù chưa rõ số lượng là bao nhiêu.

Liệu những máy bay thế hệ 5 tân tiến này của Mỹ có trốn tránh được "các cặp mắt cú vọ" của hệ thống phòng không S-300 Nga? Theo nhiều chuyên gia quân sự, điều này khó có khả năng xảy ra.

Chia sẻ trên hãng Thông tấn - Phát thanh Sputnik, các nhà quan sát quốc phòng Nga cho rằng, Mỹ có thể sẽ sử dụng F-22 Raptor, loại máy bay được thiết kế đặc biệt cho nhiệm vụ chế áp và phá hủy các hệ thống phòng không công nghệ cao, để nghiên cứu thêm về các tổ hợp tên lửa S-300 của Nga.

Tuy nhiên, theo giáo sư Sergei Sudakov thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Quân sự Nga, điều đó không đồng nghĩa với việc họ dễ bề có quyền tự do hành động như mong muốn.

Giáo sư Sergei Sudakov lý giải, chiến lược sử dụng Raptor trấn áp các mạng lưới phòng không của Mỹ có thể diễn ra như thế này:

Một hoặc một vài chiếc F-22 lọt qua được radar phòng không đối phương mà không bị phát hiện. Tiếp đến, chúng sẽ bật thiết bị chế áp điện tử rồi bắt đầu gây nhiễu các hệ thống phát hiện và dẫn đường của đối phương. Cùng lúc, những máy bay này sẽ tấn công trực diện xuống các trạm radar, bệ phóng và trung tâm chỉ huy địch thủ.

Sau các đòn công phá ban đầu, một phi đội tiêm kích - bom thứ hai sẽ lao tới tiếp sức, hoàn thành nốt công việc hủy diệt lực lượng phòng không đối phương. Bị tê liệt bởi các đợt tấn công tàng hình, hệ thống phòng không đối thủ lúc này không còn khả năng kháng cự được nữa và phải gục ngã.

Tuy nhiên, giáo sư Sergei Sudakov cho rằng, những chiến dịch kiểu như vậy chỉ diễn ra suôn sẻ trên bàn giấy!

Bởi theo vị chuyên gia này, ngay cả khi các hệ thống radar mặt đất không phát hiện thấy F-22 xâm nhập thì sự hiện diện của chúng cũng vẫn sẽ bị lộ ngay khi bật hệ thống chế áp vô tuyến điện tử trên khoang.

Một khi điều này diễn ra, các hệ thống điều khiển mặt đất sẽ xác định được vị trí nguồn phát, chỉ thị mục tiêu và phóng tên lửa phòng không truy đuổi.

Chuyên gia: S-300 Nga ở Syria có thể vít cổ tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa S-300 Nga chuyển giao cho Syria. Ảnh: Sputnik

Mỹ muốn đánh, phải suy nghĩ trước 10 lần!

Trong tình huống trên, công việc duy nhất mà phi công lái Raptor có thể làm một cách an toàn là xác định khu vực đối phương đã triển khai hệ thống phòng không. Nhưng vì là các hệ thống cơ động nên S-300 có thể nhanh chóng di chuyển và triển khai tới địa điểm tác chiến mới. Lúc đó, thì chẳng có loại máy bay nào gọi là tàng hình được hoàn toàn.

"Đúng là F-22 có tiết diện phản xạ radar nhỏ" nhà báo quân sự Mikhail Khodaryonok, người từng có 23 năm làm việc trong các đơn vị phòng không Liên Xô và Nga cho biết.

"Nhưng nếu cho rằng loại máy bay này vô hình trước các hệ thống radar của S-300 là một cách nói cường điệu... Ở băng tần S, nó gần như không bị nhìn thấy nhưng ở băng tần VHF, Raptor có thể bị nhìn thấy rất rõ", Đại tá nghỉ hưu Khodaryonok nhấn mạnh.

Theo Khodaryonok, việc truyền thông Mỹ bàn luận về khả năng phá hủy S-300 chỉ là những lời nói sáo rỗng ở thời điểm này.

"Ngay lúc này, đang diễn ra một cuộc khẩu chiến giữa các bên. Tôi tin chắc chắn rằng, cả Israel và Mỹ, chẳng nước nào dám tấn công S-300 khi các chuyên gia Nga vẫn đang còn đó, làm nhiệm vụ đào tạo cho các lực lượng Syria. Tuy nhiên, họ có thể sẽ cố gắng phá hủy ngay sau khi chúng được bàn giao lại cho Quân đội Syria", Đại tá nghỉ Khodaryonok dự đoán.

Chuyên gia: S-300 Nga ở Syria có thể vít cổ tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ - Ảnh 2.

Tiên kích F-22 Raptor. Ảnh: Không quân Mỹ

Theo Khodaryonok, trình độ tác chiến của Syria vẫn chưa đủ để họ xây dựng được một thế trận phòng không có chiều sâu, hiệu quả trên khắp đất nước như hệ thống mà Nga thiết lập ở căn cứ Hmeymim.

Điều này có nghĩa là, Nga, với tư cách là nước xuất khẩu sẽ hứng chịu danh tiếng xấu nếu các nước phương Tây hoặc Israel tấn công và đánh bại các hệ thống mới của Syria.

Để ngăn chặn nguy cơ này, cùng với S-300, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã cung cấp cho Damascus hệ thống nhận diện địch - ta, đồng thời cam kết hỗ trợ nhiệm vụ chế áp điện tử các hệ thống thông tin, radar và thiết bị dẫn đường của bất cứ máy bay nào âm mưu tấn công Syria.

Cuối cùng, chuyên gia quân sự Andrei Kotz cho rằng, Lầu Năm Góc sẽ phải suy nghĩ, "không phải 2 lần mà là 10 lần trước khi ném những chiếc máy bay tốt nhất của họ vào các hệ thống phòng không như S-300".

Duy trì danh tiếng của một loại vũ khí trong chiến đấu thực sự là con dao hai lưỡi. Lầu Năm Góc có dám hy sinh một chiếc F-22 để sau đó toàn bộ danh tiếng của tổ hợp công nghiệp - quân sự Mỹ bị sụp đổ?

Khám phá sức mạnh chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại