Cuộc cạnh tranh công khai
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), Triều Tiên đã dành nhiều năm để phát triển tên lửa có khả năng tránh bị phát hiện và vươn tới được các mục tiêu tại Hàn Quốc.
Trong khi đó, năm 2017, Washington và Seoul đạt thỏa thuận nới lỏng hạn chế kho vũ khí của Hàn Quốc. Điều này được coi là mở đường để Hàn Quốc phát triển vũ khí hạng nặng để phòng thủ và đáp trả trong viễn cảnh bị Triều Tiên tấn công. Các quan chức Hàn Quốc coi tên lửa đạn đạo tầm ngắn là công cụ để giảm phụ thuộc vào Mỹ vốn đang triển khai 28.500 binh sĩ trên lãnh thổ nước này.
Trong một phát biểu năm 2020, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo nói rằng nước này đã phát triển tên lửa với “đầu đạn lớn nhất thế giới” để bảo vệ hòa bình tại Bán đảo Triều Tiên. Ở đây ông Jeong Kyeong-doo muốn đề cập đến tên lửa mới Hyunmoo-4 có tầm bắn 800 km với đầu đạn 2 tấn.
Các nhà phân tích cho rằng dường như không phải là điều trùng hợp khi Triều Tiên tuyên bố tên lửa đạn đạo tầm ngắn của nước này có thể mang đầu đạn 2,5 tấn.
Trong một phát biểu ngày 29/3, em gái của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Kim Yo Jong đã trích dẫn phát biểu trên của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo và lập luận rằng Triều Tiên có quyền phát triển tên lửa riêng.
Nhà nghiên cứu Joshua Pollack tại Trung tâm nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (CNS) đánh giá: “Khi Seoul phát triển năng lực mới về loại vũ khí này thì Bình Nhưỡng luôn theo sát phía sau”.
Gần đây, Triều Tiên còn thực hiện thử nghiệm tên lửa mới lần đầu tiên kể từ tháng 1 khi Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố nước này có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân vừa vũ khí chiến lược.
Triều Tiên không kém cạnh
Tên lửa Triều Tiên phóng thử ngày 25/3. Ảnh: Reuters
Nhà phân tích quân sự Joseph Dempsey tại Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược phân tích rằng tên lửa mới của Triều Tiên bay khá thấp và tự nâng lên cao không lâu trước khi vươn tới mục tiêu, gây khó phát hiện và đánh chặn. Ông Joseph Dempsey cho rằng trong trường hợp được triển khai, tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới này của Triều Tiên có thể tấn công mục tiêu tại Hàn Quốc với độ chính xác cao.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho rằng tên lửa mới Triều Tiên thử nghiệm trong tháng 3 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Ông Markus Garlauskas tại Hội đồng Atlantic đánh giá: “Ngay cả tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên cũng nên được coi là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân”.
Tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 8 tổ chức vào tháng 1, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố rằng Triều Tiên đã đạt được công nghệ “thu nhỏ, làm nhẹ và tiêu chuẩn hóa” vũ khí hạt nhân.
Bình Nhưỡng nhấn mạnh rằng kho tên lửa của nước này dành cho tự vệ đồng thời cáo buộc các cuộc tập trận chung, mua vũ khí cùng nhiều chính sách thù địch khác của Mỹ và Hàn Quốc đe dọa an toàn Triều Tiên.
Trong một diễn biến khác, ngày 26/3, trang tin 38 North cho rằng dựa trên các hình ảnh vệ tinh, dường như tàu ngầm hạt nhân mới Triều Tiên đóng trong vài năm qua đang ở quá trình gần hoàn thiện.
Hàn Quốc tăng cường phát triển công nghệ quốc phòng
Phó giám đốc của Mạng lưới Hạt nhân Mở (Open Nuclear Network -Áo) đánh giá cuộc thử nghiệm gần đây của Triều Tiên dường như bắn tín hiệu đến Hàn Quốc rằng Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí tương đương khả năng của Hyunmoo-4.
Qua bài phát biểu ngày 26/3 trong đó đề cập đến các thử nghiệm của Triều Tiên, Tổng thống Moon Jae-in cũng nói rằng năng lực tên lửa của Hàn Quốc đạt tầm thế giới.
Sau khi thử nghiệm Hyunmoo-4 năm 2020, Hàn Quốc tuyên bố sẽ sản xuất hàng loạt tên lửa phóng từ mặt đất khác có thể tấn công căn cứ ngầm.
Năm 2021 này, Hàn Quốc lên kế hoạch thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) đầu tiên của nước này với đầu đạn thường.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố: “Quân đội của chúng tôi đã hình thành năng lực đối trọng với tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên bằng cách hiện đại hóa lực lượng. Chúng tôi lên kế hoạch phát triển chúng tiên tiến hơn nữa”.