Chuyên gia quốc tế: Việt Nam được luật pháp hỗ trợ, Trung Quốc không có gì ngoài tham vọng và kiêu ngạo

Lan Hương |

Các chuyên gia cho rằng, các diễn biến gần đây ở Biển Đông cho thấy, Bắc Kinh vẫn hiếu chiến, tham vọng ở khu vực nhưng dưới nhiều hình thức khác nhau mà thôi.

Diễn biến gần đây liên quan đến việc Trung Quốc điều nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam đã cho thấy nước này không từ bỏ tham vọng ở Biển Đông. Báo Điện tử Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với nhiều chuyên gia quốc tế để làm rõ thêm ý đồ của Trung Quốc ở Biển Đông và các phản ứng của Việt Nam sắp tới trong bối cảnh các căng thẳng vẫn chưa giảm nhiệt.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam được luật pháp hỗ trợ, Trung Quốc không có gì ngoài tham vọng và kiêu ngạo - Ảnh 1.

Derek Grossman, Nghiên cứu viên cao cấp tại tổ chức nghiên cứu RAND tại Mỹ cho rằng, hành động gần đây nhất của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính là rất đáng lo ngại bởi lô dầu khí 06-01 đặc biệt quan trọng với nguồn năng lượng của Việt Nam, chiếm khoảng 10% nguồn năng lượng. Điều này buộc Việt Nam phải hành động cương quyết. Trên thực tế, Việt Nam đã kéo dài thời gian hoạt động tại lô dầu khí này từ 30/7 đến 15/9, đảm bảo sự hiện diện của mình. Cũng cần khẳng định rằng, lô 06-01 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam được luật pháp hỗ trợ, Trung Quốc không có gì ngoài tham vọng và kiêu ngạo - Ảnh 2.

Cũng theo nghiên cứu cao cấp của RAND, hành động mới nhất này của Trung Quốc ở bãi Tư Chính không phải là điều bất ngờ hay hành động leo thang đột biến ở Biển Đông. Hãy nhìn vào việc Dân quân Hàng hải thuộc Lực lượng Vũ trang Nhân dân (PAFMM) hay còn gọi là dân quân biển của Trung Quốc vây đảo Thị Tứ hồi đầu năm nay để thấy rằng, Bắc Kinh vẫn hiếu chiến, tham vọng ở khu vực nhưng dưới nhiều hình thức khác nhau mà thôi. Họ cũng đã thách thức tuyên bố chủ quyền của Malaysia ở bãi Nam Luconia, mặc dù vị trí bãi cạn này cách lục địa Trung Quốc 2000 km.

Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp của chương trình nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, Mỹ nhận định, Trung Quốc rõ ràng đang ngày càng hung hăng trong nỗ lực nhằm giành được sự kiểm soát toàn bộ các hoạt động kinh tế ở Biển Đông. Hành động của các tàu Trung Quốc là tín hiệu rõ ràng cho thấy nước này không muốn chấp nhận các hoạt động đa phương nhằm phát triển dầu khí bởi các nước ASEAN. Nếu các nước này muốn khai thác nguồn tài nguyên, Bắc Kinh muốn rằng, họ phải hợp tác với các công ty Trung Quốc.

Còn TS Andrew Chubb, trường Quan hệ Công và Quốc tế Woodrow, Đại học Princeton, Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã bắt đầu trở nên hiếu chiến hơn ở Biển Đông từ hơn 10 năm trước, khoảng 2006 - 2007.

Trung Quốc tạo ra bầu không khí hợp tác "giả tạo"

Bắc Kinh luôn luôn mô tả bầu không khí ở Biển Đông là ôn hòa và hợp tác, nhưng điều này là giả. Đã đến lúc các quốc gia ở khu vực không còn tin vào lời nói của Trung Quốc mà phải buộc nước này chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm luật pháp quốc tế kéo dài của mình.

Cũng theo PGS Jeffrey Ordaniel, chiến thuật của Trung Quốc là dần thay đổi hiện trạng các đảo, đá và vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Đầu tiên, Trung Quốc sẽ leo thang, sau đó thiết lập sự hiện diện hoặc tạo sức ép với một bên cũng có tuyên bố chủ quyền khác. Một khi nước này đạt được mục đích, họ sẽ nhấn mạnh vào một cuộc đối thoại và tạo ra một ấn tượng "giả tạo" về việc sẵn sàng hợp tác, nhưng thực chất là sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng vào một thời điểm khác cho một mục tiêu khác.

---

Phó Giáo sư Jeffrey Ordaniel

Viện Chiến lược quốc tế, trường Đại học Quốc tế Tokyo

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam được luật pháp hỗ trợ, Trung Quốc không có gì ngoài tham vọng và kiêu ngạo - Ảnh 4.

Theo ông Grossman, về dài hạn, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hơn những hành vi tương tự từ Trung Quốc. Họ đã cải tạo trái phép các đảo nhân tạo trở thành các căn cứ quân sự nhằm hỗ trợ kế hoạch bá quyền của họ. Bắc Kinh ngày càng tự tin vào quân đội, lực lượng hải cảnh, và dân quân biển để bảo vệ yêu sách chủ quyền vô lý.

Một kịch bản tồi tệ hơn tất nhiên là sự suy giảm môi trường an ninh ở khu vực. Và các quốc gia khác như Nhật Bản và Mỹ, nên và có thể có các hoạt động tham gia để duy trì trật tự dựa trên các quy tắc theo tinh thần của Công ước Luật Biển (UNCLOS) nếu Trung Quốc tiếp tục hành vi "bắt nạt".

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam được luật pháp hỗ trợ, Trung Quốc không có gì ngoài tham vọng và kiêu ngạo - Ảnh 5.

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng có vẻ "yếu ớt" nếu không có hoạt động nào được thực hiện liên quan đến các sự kiện gần đây bãi Tư Chính. Mọi người đang theo dõi động thái tiếp theo của Washington.

Đồng quan điểm, ông Murray Hiebert chia sẻ, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ là một trong những động thái mạnh nhất phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và là bước đầu tiên được hoan nghênh. Tuy nhiên, một mình động thái này, sẽ không ngăn cản được Trung Quốc.

Để ngăn các hành động này, cần một liên kết của các nước, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, và Úc cùng đồng thanh lên tiếng đặt áp lực cho Trung Quốc. Việt Nam cũng cần phải đưa hành vi của Trung Quốc lên tất cả các diễn đàn quốc tế cũng như yêu cầu ASEAN lên tiếng trong cuộc họp tại Bangkok vào 2/8 tới đây.

"Giống như sự kiện xảy ra năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ có thể rút nhóm tàu khảo sát trong vài tuần tới để các căng thẳng giảm dần trước khi có các bước tiếp theo trong thời gian tới. Nhưng chiến thuật của Trung Quốc thường là tạo ra sức ép, sau đó giãn ra một chút, rồi lại tiếp tục tạo sức ép", ông Murray Hiebert nhận định.

Sẽ đáng để theo dõi liệu Trung Quốc có xuống thang hay tiếp tục cứng rắn trước Hội nghị của ASEAN ở Bangkok vào 2/8 hay không, bởi hội nghị lần này sẽ có sự tham gia của các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc, chuyên gia của CSIS dự báo về những diễn biến sắp tới.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam được luật pháp hỗ trợ, Trung Quốc không có gì ngoài tham vọng và kiêu ngạo - Ảnh 6.

Về các ứng xử của Việt Nam liên quan đến diễn biến xảy ra ở bãi Tư Chính thời gian gần đây, ông Hiebert cho rằng, Việt Nam đã giữ quan điểm khá nhất quán và mạnh mẽ trong lần này nhưng quan trọng là cần tránh những va chạm vô ý giữa các tàu có thể nhanh chóng gia tăng căng thẳng.

Còn TS Andrew Chubb lưu ý, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có tuyên bố thứ 3 về vấn đề này vào tuần trước, với mức cảnh báo gia tăng, yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu khảo sát "ngay lập tức". Tình hình hiện nay vẫn ở trạng thái căng thẳng, nếu tiếp tục gia tăng, có thể các nước khác và ASEAN cũng sẽ có tuyên bố, ông dự báo.

Trong khi đó, Phó GS Jeffrey Ordaniel của Đại học Quốc tế Tokyo nhấn mạnh, căng thẳng gần đây ở Biển Đông chắc chắn là do sự leo thang ngày càng tăng của Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Luật Biển và Việt Nam phải tiếp tục chống lại.

"Tôi cho rằng những tuyên bố của Hà Nội vẫn kiên quyết và bám sát luật pháp quốc tế. Nhưng bước tiếp theo, Việt Nam nên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với một số nước như Mỹ để đối phó tốt hơn với môi trường chiến lược đang xấu đi trong khu vực", ông Jeffrey Ordaniel nói.

Cả 2 nước đều chia sẻ mối quan tâm sống còn đối với tuyến hàng hải Ấn Độ - Thái Bình Dương, Phó GS trường Đại học Quốc tế Tokyo nói thêm.

Ngoài ra, ông Jeffrey Ordaniel cho rằng Việt Nam nên xem xét các hành động pháp lý chống lại Trung Quốc ở Biển Đông, ví dụ bằng cách đưa lên tòa trọng tài việc Trung Quốc triển khai nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà không được phép, theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

"Không nghi ngờ gì rằng Hà Nội sẽ thắng vụ kiện này và tuyên bố các hoạt động của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là không có giá trị pháp lý. Nếu như vậy, lý lẽ của Việt Nam sẽ là những lập luận được hỗ trợ bởi luật pháp trong khi các phát biểu của Trung Quốc không có gì ngoài tham vọng và sự kiêu ngạo", Phó GS Jeffrey Ordaniel nhấn mạnh.

Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế (PCA) vụ kiện Philippines - Trung Quốc sẽ là căn cứ để Hà Nội theo đuổi lựa chọn pháp lý

Phán quyết của tòa trọng tài thường trực tại The Hague không chỉ áp dụng với Philippines và Trung Quốc mà với tất cả các bên liên quan. Đáng chú ý, phán quyết của tòa năm 2016 kết luận rằng, "Đường 9 đoạn" của Trung Quốc là vô giá trị. Điều này có nghĩa là, việc Trung Quốc hoạt động ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Bắc Kinh tuyên bố là nằm trong phạm vi "Đường 9 đoạn" là không có giá trị pháp lý và đem lại lợi thế về mặt pháp lý cho Việt Nam nếu vụ kiện được đưa ra.

---

Chuyên gia Collin Koh

Học viện Chiến lược và Quốc phòng Singapore

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại