Trung Quốc được cho là đã tiến hành một loạt vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm trong cuộc diễn tập vừa qua ở Biển Đông.
Hôm 2/7, giới chức Mỹ đã lên tiếng xác nhận thông tin này, trong khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 5/7 khẳng định rằng "các báo cáo liên quan không đúng với thực tế".
Hiện thực hư ra sao chưa rõ, nhưng các nhà quan sát nhận định rằng, nếu đúng là Trung Quốc đã bắn thử tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông, thì điều đó đánh dấu một năng lực quân sự mới nguy hiểm của quân đội Trung Quốc, cũng như một bước đi mới trong kế hoạch quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh.
Theo NBC News, nhiều tàu chiến Mỹ hiện diện ở Biển Đông nhưng không hoạt động gần khu vực Trung Quốc thử tên lửa nên không bị đe dọa bởi vũ khí chống hạm này. Song, quan chức Mỹ cho rằng vụ thử của Trung Quốc là "đáng quan ngại".
Trả lời phỏng vấn của Trí Thức Trẻ, Tiến sĩ Malcolm Davis - chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia cho rằng, cuộc thử nghiệm của Trung Quốc có thể xem như một phương thức đáp trả các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) mà Hải quân Mỹ tiến hành ở Biển Đông.
"Bắc Kinh đang gửi đi một thông điệp rằng họ có thể tấn công các tàu chiến của Hải quân Mỹ (hoặc của các lực lượng hải quân phương Tây khác) tại Biển Đông từ lục địa Trung Quốc và từ một số căn cứ tiền phương của Bắc Kinh. Nếu tiếp tục, các hoạt động FONOP có thể sẽ gặp nguy hiểm.
Điều đó làm gia tăng nguy cơ tiềm ẩn và mức độ phức tạp mà các lực lượng hải quân hoạt động trong khu vực này phải đối mặt. Trước đó, họ đã gặp phải nhiều trở ngại từ phía lực lượng đường không và đường biển của Trung Quốc, trong đó có các hành vi quấy rối của ‘dân quân biển’ và ‘hạm đội tàu cá chiến lược’ của Bắc Kinh.
Trung Quốc đang tìm cách củng cố tuyên bố chủ quyền đơn phương của họ đối với toàn bộ khu vực Biển Đông" – ông Davis cho hay.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, Giáo sư - Tiến sĩ James R. Holmes, chuyên gia về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ (USNW) cho rằng, không thể khẳng định chắc chắn cuộc thử nghiệm lần này là một sự đáp trả trực tiếp của Bắc Kinh đối với các hoạt động FONOP của Mỹ.
"Bắn tên lửa vào một tàu chiến nước ngoài chỉ vì nó di chuyển quá gần với bờ biển của mình sẽ gây ra thiệt hại quá mức cần thiết, tôi không nghĩ Bắc Kinh thiếu tỉnh táo tới nỗi gửi đi tín hiệu rằng họ đang suy tính khả năng thực thi các hành động đó" – ông Holmes nhận định.
Theo vị Giáo sư, có thể coi vụ thử nghiệm tên lửa vừa qua của Trung Quốc là một "cuộc đối thoại vũ trang". Mỹ và Trung Quốc thường di chuyển các lực lượng quanh khu vực và triển khai chúng theo các phương thức giúp truyền tải thông điệp về tương quan sức mạnh, cũng như điểm yếu của đôi bên.
"Chúng tôi muốn thuyết phục đối phương [Trung Quốc], cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ rằng chúng tôi sẽ chiến thắng nếu nổ ra xung đột. Nếu Trung Quốc tin vào điều đó, họ sẽ chùn bước. Nếu đồng minh và các đối tác của chúng tôi cũng tin tưởng thì họ sẽ sẵn sàng ủng hộ chúng tôi hơn nữa.
Trung Quốc cũng làm điều tương tự, như việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm. Bắc Kinh muốn tất cả các bên tin rằng họ [các nước khác] chỉ có thể hiện diện ở Biển Đông nếu Trung Quốc muốn.
Họ có thể đang tìm cách ‘dọa nạt’ giới lãnh đạo Mỹ, làm suy yếu mối quan hệ đồng minh và đối tác của Washington, nói cách khác là đặt Mỹ vào một tình cảnh bất lợi về chiến lược và ngoại giao" – ông Holmes nêu quan điểm.
Cùng bàn về vấn đề này, nhà phân tích Ankit Panda tại New York (Mỹ) – cây viết quen thuộc về các vấn đề an ninh-địa chính trị tại châu Á-Thái Bình Dương trên tạp chí Diplomat, Daily Beast, Politico… cũng cho rằng cần thận trọng khi nhận định vụ thử nghiệm tên lửa của Trung Quốc là tín hiệu gửi riêng đến Mỹ.
"Đúng là các cuộc thử nghiệm của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ-Trung đang căng thẳng nhưng đôi khi nhu cầu của các quốc gia [trong tình uống này] chỉ là thử tên lửa mới mà thôi" – ông Panda trả lời Trí Thức Trẻ.
Theo ông Panda, lực lượng tên lửa Trung Quốc (PLARF) chưa từng thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm nhằm vào mục tiêu trên biển nên sự kiện lần này sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng, cho phép Mỹ nắm được nhiều hơn về năng lực tác chiến của Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện chưa thể xác định Trung Quốc muốn thể hiện năng lực gì trước Mỹ.
Giáo sư Holmes thì cho rằng điều đó đã được thể hiện khá rõ nét và trực diện. Đó là khả năng Trung Quốc có thể giội "mưa" tên lửa đạn đạo chống hạm nhằm vào các lực lượng hải quân Mỹ với độ chính xác cao.
Nó cho thấy Trung Quốc có thể buộc Mỹ phải tránh xa vùng biển nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo chống hạm mà không cần phải triển khai hạm đội hải quân, hoặc có thể ‘răn đe’, ngăn Mỹ tiếp cận các vùng biển này ngay từ đầu trừ phi giới lãnh đạo chính trị và quân sự Mỹ sẵn sàng chấp nhận thiệt hại nặng nề về khí tài và nhân mạng.
"Một lần nữa, đây là tuyên bố mạnh mẽ trong cuộc đối thoại vũ trang. Washington có thể sẽ phải chùn bước trong việc duy trì tự do hàng hải trên biển, còn các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ cảm thấy rất thất vọng trước khả năng duy trì cam kết của Washington. Trong trường hợp đó, Trung Quốc đã thắng" – ông Holmes nhận định.
Về phần mình, Tiến sĩ Davis cho rằng cuộc thử nghiệm đã làm nổi bật năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc nhằm khiến Mỹ phải trả giá đắt khi tiếp cận Biển Đông ở mức độ mà Bắc Kinh thấy "không chấp nhận được".
Hiện chưa rõ Trung Quốc đã bắn thử loại tên lửa nào trong vụ thử nghiệm vừa qua, nhưng một số nguồn tin dự đoán rằng đó có thể là DF-21D – mệnh danh "Sát thủ tàu sân bay" hoặc DF-26 – mệnh danh "Sát thủ Guam".
Theo ông Davis, cả hai loại tên lửa này không những có thể được triển khai nhằm vào các tàu chiến cỡ lớn như tàu sân bay, tàu đổ bộ, mà còn cả các loại tàu chiến mặt nước khác.
Thiệt hại mà tên lửa Trung Quốc có thể gây ra cho chúng sẽ là đòn giáng nặng nề đối với Mỹ, và Trung Quốc chắc mẩm rằng Mỹ sẽ không liều lĩnh để tàu chiến hay thủy thủ của mình gặp bất trắc. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ hết sức sai lầm.
"Mỹ sẽ tìm cách vô hiệu hóa mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chống hạm Trung Quốc bằng cách tấn công vào ‘chuỗi tiêu diệt’ – mạng lưới C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát) mà Trung Quốc sử dụng để phát hiện và theo dõi các tàu Hải quân Mỹ), chẳng hạn như máy bay do thám và các vệ tinh trinh sát đại dương, đồng thời tấn công vào lực lượng tên lửa Trung Quốc.
Song, thách thức đối với Mỹ là phải phát hiện và theo dõi, sau đó nhanh chóng tiêu diệt các bệ phóng tên lửa đạn đạo chống hạm, ngay cả khi chúng được bố trí trên lãnh thổ Trung Quốc" – ông Davis cho hay.
Cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm vừa qua không chỉ bộc lộ năng lực tiến bộ của Trung Quốc mà còn khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi về khả năng sống sót của tàu chiến Mỹ trong tình huống bị tấn công, nhất là khi Mỹ thường xuyên điều tàu hải quân áp sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Bàn về vấn đề này, Giáo sư Holmes cho rằng rất khó để đưa ra dự đoán. Các chuyên gia về vũ khí và chiến lược của Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều sức lực và trí óc nhằm tính toán xem bao nhiêu tên lửa là đủ để áp đảo mạng lưới phòng thủ của Mỹ trong tình huống tấn công.
Trong khi đó, giới chuyên gia Mỹ cũng nỗ lực rất nhiều để làm điều tương tự, nhưng với mục đích là làm suy yếu các cuộc tấn công của Trung Quốc.
"Đây là một cuộc đối đầu chiến lược, trong đó mỗi bên đang đấu tranh không ngừng nghỉ để chiếm ưu thế trước bên còn lại.
Tôi dự đoán rằng Trung Quốc sẽ có đôi lúc giành lợi thế nhưng đôi lúc sẽ gặp bất lợi và tình thế này sẽ tiếp diễn khi cả 2 bên tiếp tục tìm cách vượt trội đối phương" – ông Holmes nhận định.
Đề cập đến khả năng sống sót của tàu chiến Mỹ khi bị tấn công, Tiến sĩ Davis cho rằng điều đó sẽ phụ thuộc vào số lượng tên lửa mà Trung Quốc bắn ra.
Cần lưu ý rằng, học thuyết của Trung Quốc đang theo hướng tấn công đa trục, tức là sử dụng cả hệ thống tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình chống hạm tốc độ cao triển khai từ bộ/không/biển.
Nếu Trung Quốc phá hủy được hệ thống C4ISR của Mỹ, khiến Hải quân Mỹ trở nên "mù, câm, điếc" thì lúc này các tàu chiến Mỹ sẽ rất dễ bị tấn công và không đủ khả năng để bắn nhanh chóng – chính xác tên lửa đạn chặn.
Ngoài DF-21D, Trung Quốc có thể sẽ sớm triển khai các phương tiện siêu vượt âm như DF-17 và điều đó sẽ làm gia tăng thách thức về phòng thủ chống tàu cho quân đội Mỹ.
Cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, theo nhà phân tích Panda, nếu Trung Quốc dùng tên lửa chống hạm DF-21D để tấn công tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông thì rất khó nói chắc liệu tàu chiến Mỹ có sống sót hay không do chưa có thông tin chắc chắn về hiệu quả tác chiến của đầu đạn trang bị trên DF-21D.
Tuy nhiên, tên lửa DF-21D mang đầu đạn hạt nhân sẽ tạo ra mối đe dọa đặc biệt lớn với Mỹ, bởi nó có thể phát nổ ở độ cao lớn và gây ra thiệt hại cho các tàu chiến mặt nước mà không cần va chạm trực tiếp.
"Chỉ cần 1 tên lửa DF-21D mang đầu đạn hạt nhân là đủ để đánh chìm bất cứ tàu chiến nào của Mỹ" – Nhà phân tích nhấn mạnh.