Với một lực lượng hùng hậu và một khả năng răn đe hạt nhân mạnh mẽ, quân đội Liên Xô trước đây và Quân đội Nga ngày nay luôn được Mỹ coi là đối thủ chính hàng đầu. Tuy nhiên, vị trí này đã thay đổi.
Mặc dù hiện nay Nga vẫn là nước có sức mạnh quân sự thông thường cực kỳ uy lực, các vũ khí hạt nhân nguy hiểm và những khả năng tác chiến điện tử thuộc dạng tốt nhất thế giới nhưng Nga không còn là mối đe dọa quân sự hàng đầu của Mỹ nữa, mà thế vào đó là Trung Quốc.
Dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, Chính quyền Mỹ đã ban hành Chiến lược An ninh Quốc gia mới, trong đó liệt Nga và Trung Quốc là những mối đe dọa chính nhưng Trung Quốc xếp ở vị trí đầu bảng và thậm chí còn được nhắc tới liên tục xuyên suốt tài liệu này.
Thế hệ vũ khí hạt nhân mới của Nga được cho là có thể vượt qua và xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa hiện nay của Mỹ. Thế nhưng, đó cũng chỉ là những thông tin cũ. Chỉ cần loại tên lửa hạt nhân Minuteman III được chế tạo từ những năm 1970 của Mỹ cũng có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ của Nga.
Tất nhiên, chiến tranh hạt nhân, trong bất cứ trường hợp nào cũng là vấn đề còn gây tranh cãi bởi cả hai quốc gia đều đã phát triển được khả năng răn đe hủy diệt lẫn nhau.
Lính Hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập chống cướp biển. Ảnh: Reuters
Vậy đâu là những sáng tạo thực sự trong kho vũ khí của Nga?
Nga đã đưa vào sử dụng Su-57, loại tiêm kích tàng hình được cho là có thể đánh bại các dòng chiến đấu cơ F-35 và F-22 cùng thế hệ của Mỹ. Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất từ chính các quan chức quốc phòng hàng đầu Nga, họ "không có đủ tiền" để mua nhiều hơn 12 chiếc!
Với xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata cũng vậy. Mặc dù được coi là "sát thủ" xe tăng NATO nhưng nó sẽ không được sản xuất hàng loạt, như Phó thủ tướng Nga đã khẳng định.
Trong khi đó, Trung Quốc từng là nước phải mua và giải mã công nghệ các hệ thống vũ khí của Nga nhưng ngày nay rõ ràng Bắc Kinh đã vượt qua Nga trong lĩnh vực chiến tranh công nghệ cao.
Chính Trung Quốc, chứ không phải Nga là quốc gia nước ngoài đầu tiên có câu trả lời cho vị thế thống lĩnh về công nghệ máy bay tàng hình trên toàn cầu của Mỹ bằng việc cho ra đời chiếc tiêm kích Chengdu J-20. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đạt nhiều bước tiến nhảy vọt, với tốc độ kinh hoàng, trong lĩnh vực phần mền và máy tính, khoa học lượng tử, trí tuệ nhân tạo...
Bắc Kinh đã phát triển được một thế hệ tên lửa mới khiến Hải quân Mỹ phải ráo riết đổ tiền chạy theo.
Từng là nước phải mua lại một tàu sân bay cũ của Liên Xô làm phương tiện huấn luyện thì ngày nay Trung Quốc đã có kế hoạch đóng tới 3 hoặc thậm chí nhiều hơn các tàu sân bay để khuếch trương sức mạnh trên biển.
Trong khi đó, Nga phải cho nằm cảng chiếc tàu sân bay duy nhất của mình - Đô đốc Kuznetsov tới tận 2022.
Theo nhà bình luận Alex Lockie, một chuyên gia về quân sự và chính sách đối ngoại thì Trung Quốc chứ không phải Nga đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với Quân đội Mỹ, mặc dù nằm ở vị trí cách cả nửa vòng Trái Đất.
Alex Lockie cho rằng, với dân số gấp 10 lần Nga và một nền kinh tế dự kiến không lâu nữa sẽ lật đổ vị trí số 1 thế giới hiện nay của Mỹ, Trung Quốc đang ráo riết đẩy mạnh phát triển tất cả các khả năng quân sự để sớm đánh bại vị thế tiên phong của Quân đội Mỹ.
Video Trung Quốc phô diễn sức mạnh hải quân