Đây là nhận định của bà Phạm Chi Lan trước câu hỏi thị trường Việt Nam có thể bị ảnh hưởng gì khi tương lai một lượng lớn hoa quả Trung Quốc nhập về Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi 0% nhờ cam kết Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) đi vào hiệu lực.
Theo bà, việc mở cửa cho hàng loạt hàng Trung Quốc vào Việt Nam chắc chắn sẽ gây sức ép lớn cho ngành nông nghiệp nước nhà.
Trên thực tế, nông sản của Việt Nam từ lâu đã phải cạnh tranh gay gắt với nông sản ngoại, đặc biệt là của Thái Lan. Người Việt chuộng hàng Thái, hoa quả Thái, thậm chí ngay gạo là mặt hàng mạnh của Việt Nam cũng phải cạnh tranh với hàng Thái Lan ngay trên sân nhà. Do đó, việc nông sản Trung Quốc chuẩn bị ồ ạt vào với giá rẻ đã dấy lên lo ngại về một thị trường “phức tạp”.
“Người tiêu dùng vẫn có nhu cầu đa dạng hoá sản phẩm, chưa kể các hoa quả này có giá rẻ hơn hẳn thì có thể đẩy họ đến chỗ chọn lựa chúng!”, bà nói.
Điểm thứ hai làm cho thị trường trở nên phức tạp hơn, theo bà Chi Lan là hàng Trung Quốc giá rẻ nhưng không đi kèm với công cụ về hàng rào kỹ thuật cần thiết chứng minh được chất lượng an toàn.
“Nhiều chuyện đã xảy ra rồi, khi hàng Trung Quốc không đảm bảo vào nước ta nhưng các cơ quan kiểm định lại không phát hiện, khiến cho người tiêu dùng an tâm sử dụng. Trong khi đó, đối với những sản phẩm trong nước thì dù có một vấn đề rất nhỏ nhưng lại bị phê phán mạnh mẽ”, bà Lan bức xúc vì sự bất cập “con nuôi” hơn con đẻ.
Bà cho rằng người làm nông sản Việt Nam đang chịu nhiều tiếng oan. Bởi dù rằng có thực phẩm "bẩn" thật nhưng điều này không có nghĩa là người ta có thể đánh đồng tất cả những sản phẩm trên thị trường đều là "bẩn".
“ Vì nhà nước chưa có công cụ thông tin hợp lý để người tiêu dùng hiểu thực phẩm bẩn đấy ở đâu, do ai làm để tẩy chay mỗi chỗ đấy thôi chứ không phải là toàn bộ”, bà Chi Lan cho hay.
Và khi nghĩ về vụ việc nước mắm có arsen gần đây, bà không khỏi bức xúc khi cho rằng nếu thông tin mà vẫn như bây giờ thì hẳn nhiên sẽ có nhiều kẻ lợi dụng thao túng thị trường, bảo vệ cho những nhà cung cấp nhất định và đánh lại các nhà sản xuất trong nước.
“Doanh nghiệp nước ngoài nhiều tiền của lắm, họ có nhiều cách để đưa ra những kết luận điều tra kiểu Vinastas, tạo ưu thế cho bản thân...” bà cho biết.
Dù nhiều rủi ro nhưng vì là cam kết nên Việt Nam vẫn phải thực thi. Tuy nhiên, bà Chi Lan cho rằng “đừng thực hiện theo kiểu một chiều, đừng có mở cửa cho bên ngoài mà không có sự kiểm soát, còn đối với trong nước thì cứ ép không tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước vượt lên”.
Ngoài ra, bà Chi Lan còn mong mỏi việc cụ thể, minh bạch hơn nữa thông tin, như những thông tin hướng dẫn cho nông dân, người tiêu dùng về thị trường, kỹ thuật sản phẩm.
“Ví dụ như thực phẩm bẩn, thì thế nào là bẩn, thế nào là sạch?”, vị chuyên gia này đặt ra câu hỏi. “Mặt khác, cũng cần phải đảm bảo mỗi lô hàng được nhập khẩu và kiểm soát bởi ai, như thế nào, những cái đó là rất cần, chứ không phải chỉ có mỗi hàng rào không thô.”, bà nói.
Vì theo bà, “hàng rào” dù có dựng lên mà “người canh giữ” nhắm mắt làm ngơ thì không hiệu quả.
“Hàng rào chính ra là ở con người, trách nhiệm ở lương tâm của những người được giao giữ hàng rào đó. Nếu chỉ chống người mình không thôi thì vô hiệu.
Thực tế thời gian vừa qua cho thấy là chúng ta quá chiều chuộng làm ngơ với nhà đầu tư nước ngoài, những hàng hoá ngoại nhập không có lợi hoặc họ có vi phạm vẫn bỏ qua trong khi đó lại rất dễ bắt lỗi, bắt nạt chính dân mình.”, bà Phạm Chi Lan bức xúc kết luận.