Thế trận A2/AD được Nga thiết lập cho cả nửa thế kỷ
Nga chính thức bắt đầu can thiệp vào cuộc khủng hoảng Syria từ tháng 9/2015 và cũng từ thời điểm này đã không ngừng tăng cường các khả năng phòng không cho cả đồng minh Syria và các lực lượng quân sự Nga đóng quân tại đây.
Cùng với việc thiết lập căn cứ không quân Khmeimim ở thành phố cảng Latakia bên bờ biển Địa Trung Hải thì sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ - nước thành viên NATO bắn rơi chiếc Su-24 của Nga vào tháng 11/2015 đã giống như một cú hích để Nga điều chuyển thêm các tổ hợp tên lửa đất đối không tới Syria.
Các hệ thống vũ khí phòng không chiến lược như S-400 và S-300V4 đã nhanh chóng được Moscow triển khai tới căn cứ Hmeimim. Thế trận phòng thủ của Nga còn được bổ sung thêm nhiều phương tiện phòng không tiên tiến như tên lửa đạn đạo tầm ngắn SS-26 Iskander hay các máy bay chiếm ưu thế trên không Su-35.
Các máy bay ném bom chiến thuật như Su-34 cũng bắt đầu phóng tên lửa không đối không thực thi các sứ mệnh chống khủng bố của mình. Hệ thống tác chiến điện từ Krasukha-4 đã được phát hiện thấy có mặt tại Syria ngay từ năm 2015.
Chứng kiến những động thái tăng cường khả năng phòng không của Nga tại Syria, Tư lệnh liên quân NATO tại châu Âu khi đó, tướng Philip Breedlove đã gọi đây là nỗ lực xây dựng một "vòng cung thép" cho kế hoạch chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Nga ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải.
Diễn biến trên chiến trường Syria sau này còn ghi nhận một chuỗi các sự kiện buộc Nga phải đẩy mạnh năng lực phòng không tại quốc gia Trung Đông này.
Nổi bật nhất phải kể tới vụ ngày 7/4/2017 khi các tàu khu trục USS Porter và USS Ross lớp Arleigh Burke Hải quân Mỹ từ biển Địa Trung Hải đã phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk tấn công căn cứ không quân al-Shayrat của Syria sau cáo buộc chính quyền Damacus sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường.
Sau vụ tấn công này của Mỹ, Bộ Quốc phòng Nga đã thẳng thắn tuyên bố sẽ giúp Syria củng cố và cải tiến các hệ thống phòng không. Moscow cũng thừa nhận đã thử nghiệm hơn 200 mẫu vũ khí mới tại Syria kể từ khi can dự vào cuộc chiến chống khủng bố tại đây.
Theo đánh giá của tiến sĩ Can Kasapoğlu, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện các vấn đề An ninh và Quốc tế (Đức) thì thế trận A2/AD mà Nga đã bố trí tại Syria sẽ vẫn được duy trì trong vòng ít nhất nửa thế kỷ nữa.
Trận địa A2/AD của Nga tại châu Âu và Địa Trung Hải. Ảnh: IHS Jane’s 2015
"Ông chủ mới" thống lĩnh không phận Syria?
Chuyên gia Can Kasapoğlu cho rằng, với thế phòng thủ như hiện nay, không một máy bay phương Tây nào, kể cả những phương tiện tàng hình hiện đại như F-22 và F-35 có thể tự tin bay vào tầm bắn của các hệ thống phòng không đất đối không ở Syria chứ đừng nói đến các máy bay không tàng hình.
Theo Can Kasapoğlu, Nga đến đây và "đã trở thành ông chủ mới" thống lĩnh không phận Syria, đặc biệt ở vùng phía Tây đất nước. Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO trước khi phát động Chiến dịch Lá chắn Euphrates và Chiến dịch Cành Ô Liu cũng đã phải theo đuổi các cuộc đàm phán cấp cao với Moscow.
Rõ ràng, điều này đã tạo ra một thế cân bằng chiến lược mới. Các khả năng A2/AD của Nga tại Syria đã mang lại cho Moscow lợi thế chủ chốt trong việc gây ảnh hưởng tới nhịp độ chiến dịch của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ trong các chiến dịch bên kia biên giới.
Tiến sĩ Can Kasapoğlu cũng chỉ rõ, rất nhiều hệ thống vũ khí Nga mà các quốc gia Baltic có thể phải lo lắng thì đều đã được thử lửa ở Syria. Ngành công nghiệp - quân sự Nga hiện nay có thể tiến hành thử nghiệm khả năng phát hiện cũng như những giới hạn của các hệ thống radar, cảm biến, phòng không tích hợp với nhiều loại máy bay NATO trên mặt trận Syria.
Russia đã triển khai một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất của mình - S-300VM tới Syria. Ảnh: Sputnik
Ngoài ra, các nhà hoạch định quân sự Nga cũng đã hiểu rõ hơn, có thể rút ra kết quả so sánh giữa nhiều phương tiện chủ chốt, gồm cả các máy bay F-22 của Không quân Mỹ và Su-35 của Nga (và gần đây nhất là Su-57) theo những điều kiện thực tiễn trên chiến trường.
Tổng hợp các nguồn tin công khai cho thấy, tính tới cuối mùa Hè năm 2017, chỉ một nhóm tương đối nhỏ lực lượng không quân Nga đã có thể tấn công khoảng 90.000 mục tiêu và bay xấp xỉ 28.000 sứ mệnh mà không phải gánh chịu mất mát đáng kẻ nào.
Theo các chuyên gia quốc phòng Nga, đây thực sự là một bước đột phá, vì cần nhớ rằng, cứ mỗi 750 chuyến xuất kích ở Afghanistan thì Liên Xô lại mất một máy bay chiến đấu.
Trước thế trận phòng thủ như vậy của Nga ở Syria, chuyên gia Can Kasapoğlu cho rằng, NATO cần phải có một chiến lược tình báo kỹ lưỡng để đánh giá đúng mức và hiểu được ý đồ thực sự của những lá bài quân sự Nga ở Syria.
Orlan-10 - "mắt thần trên trời" Nga dùng để kiểm soát NATO