Ô nhiễm không khí ở Hà Nội "nặng chứ chưa phải mức nguy hiểm, báo động ghê gớm"?
Trong hai ngày 29/9 và sáng 30/9, ô nhiễm không khí tại Hà Nội tăng lên mức nghiêm trọng.
Theo QAir AirVisual, tổ chức tổng hợp lớn nhất về dữ liệu chất lượng không khí, tại nhiều điểm đo, chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) ở Hà Nội đã vượt ngưỡng đỏ, lên ngưỡng tím – ngưỡng cực kỳ có hại cho sức khỏe của con người.
Ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí AirVisual quốc tế vào sáng 30/9, Hà Nội tiếp tục được ghi nhận là thành phố "ô nhiễm nhất thế giới" với mức độ ô nhiễm vượt qua báo động đỏ, lên tới ngưỡng tím với chỉ số AQI là 272 vào lúc 6h30 sáng.
Đây là mức nguy hại đến sức khỏe của tất cả mọi người.
Hà Nội tiếp tục là thành phố ô nhiễm nhất thế giới vào sáng 30/9 theo ghi nhận của hệ thống quan trắc thế giới AirVisual. Ảnh chụp màn hình.
Còn theo hệ thống quan trắc không khí độc lập PAMAir cho thấy tại nhiều điểm đo, mức độ ô nhiễm ở ngưỡng tím, cụ thể như tại điểm đo tại Bắc Từ Liêm AQI ở ngưỡng 249, Gamuda garden (Hoàng Mai) ở mức 238, Tây Hồ ở mức 241, Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm) ở ngưỡng 204...
Điểm đặc biệt của đợt ô nhiễm không khí này là ô nhiễm nghiêm trọng nhất vào đêm, sáng sớm và chiều tối. Ghi nhận của 2 hệ thống quan trắc không khí trên vào 10h30 tối 29/9 cũng cho thấy không khí ở mức ô nhiễm tím tại nhiều điểm.
Tuy nhiên, chất lượng không khí từ cuối buổi sáng đến chiều lại được cải thiện.
Nhiều điểm đo tại Hà Nội lên tới ngưỡng báo động tím theo ghi nhận của hệ thống quan trắc tự động PAMAir. Ảnh chụp màn hình vào sáng 30/9.
Xếp hạng những nơi ô nhiễm nhất Hà Nội sáng nay 30/9. Ảnh: airvisual
Trao đổi với PV, GS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, người chuyên nghiên cứu về không khí ở Việt Nam cho hay, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội trong mấy ngày qua và hôm nay là "nặng chứ chưa phải mức nguy hiểm, báo động ghê gớm".
"Theo thông tin tôi có được thì mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện chỉ gấp khoảng 2 lần mức độ cho phép, khi nào lên gấp 3 - 5 lần mức độ cho phép mới nguy hiểm. Tuy nhiên, mức độ nặng này sẽ gây ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe con người.
Do đó, người dân, đặc biệt, các ông bà già, trẻ em, người sức khỏe yếu nên ở trong nhà, hạn chế ra đường và nếu bất đắc dĩ phải ra đường thì cần có khẩu trang để đảm bảo ngăn, chống bụi", GS Đăng nói.
Thế nhưng, thông tin quan trắc chất lượng không khí của Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội ngày 30/9 lại cho kết quả thấp hơn rất nhiều so với các website nước ngoài.
Trong đó, AQI đo được tại 10 điểm trong thành phố dù vẫn ở mức kém, nhưng chỉ trên dưới 150. Nơi đo được AQI cao nhất là Đại sứ quán Pháp (174), nơi chất lượng không khí tốt nhất là khu vực Mỹ Đình (112).
Lý giải về việc này, GS Phạm Ngọc Đăng cho hay, cách tính AQI của Đại sứ quán Mỹ khác so với cách tính AQI tại các trạm quan trắc của Sở TN-MT.
Cụ thể, đối với Hà Nội, phần lớn chỉ số về ô nhiễm không khí là chỉ số trung bình ngày của 10 trạm đo và kết quả sẽ nhỏ hơn các chỉ số tức thời.
"Đối với số liệu của Đại sứ quán Mỹ thông tin thường nêu ra chỉ số tức thời và có thời điểm nào đó trong ngày sẽ vượt lên rất ghê gớm.
Theo quan điểm đánh giá của tất cả các nước trên thế giới thì các chỉ số tức thời có tính chất giúp cho các nhà quản lý chú ý thôi, còn đánh giá nó ô nhiễm nhiều hay ít phải dựa vào chỉ số trung bình ngày.
Bởi ô nhiễm không khí thay đổi rất nhanh, nếu tác động một tích tắc vào con người không gây ra tác hại ghê gớm nhưng nếu tác động trong 1, 2 ngày, thậm chí lâu hơn sẽ rất nguy hiểm.
Như vậy, số liệu lấy theo cách khác nhau tất nhiên khác nhau và với Hà Nội, phân bố ô nhiễm không đều. Do đó, số liệu của Sở TN-MT Hà Nội có phần đáng tin cậy hơn bởi vì nó nhiều điểm và lấy trung bình ngày để công bố", GS Đăng nêu.
Hiện tượng bất thường, cần phải có quan trắc, nghiên cứu sâu hơn
Còn TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội, ngoài nguyên nhân về thời tiết, khí hậu, có một phần nguyên nhân rất lớn là do chính hoạt động của con người.
Ông nói, hiện nay ở Hà Nội và khu vực lân cận có quá nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp chưa được di dời, cần phòng tránh, ngăn ngừa, thay vì để xảy ra ô nhiễm rồi mới xử lý.
Đối với thông tin về chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội được một số website quốc tế đưa ra, với mốc màu tím và nâu - mức nguy hại cho sức khoẻ con người, theo TS Tùng, đây là hiện tượng bất thường, cần phải có những quan trắc và nghiên cứu sâu hơn mới có thể khẳng định được về nguyên nhân.
TS Tùng cho biết thêm, hiện nay chúng ta chưa kiểm kê được các nguồn gây ô nhiễm nên không thể đặt hành động ưu tiên. Việt Nam cũng đang thiếu hàng loạt điều kiện cần thiết để triển khai các biện pháp lâu dài giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Hiện nay, hệ thống quan trắc của Việt Nam còn hạn chế: Hà Nội có 2 trạm quan trắc cố định (số liệu có độ tin cậy cao), TP Hồ Chí Minh không có trạm cố định nào. Việt Nam cũng chưa dự báo được chất lượng không khí khi số liệu quan trắc mỏng.
Ô nhiễm tại Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 - loại bụi được coi là sát thủ trong không khí. Bụi PM2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 Mm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người (1 Mm có kích thước bằng một phần triệu mét).
Với kích thước cực nhỏ này, khi hít vào, chúng sẽ thẩm thấu thẳng vào mạch máu và đi đến các cơ quan nội tạng quan trọng.
Tiếp xúc trực tiếp với PM2.5 có thể dẫn đến các bệnh về hô hấp, tim mạch và thần kinh nghiêm trọng. Chỉ số ô nhiễm PM2.5 ở mức 12 micro-gram/mét khối được xem như ở mức an toàn cho sức khỏe. Chỉ số này tương đương với AQI mức 50.
Để bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm không khí, người dân ra ngoài cần đeo khẩu trang có chức năng lọc khí để bảo vệ đường hô hấp, tránh khói, bụi, cần đeo kính bảo vệ mắt.
Người nhạy cảm với sức khỏe như người già, trẻ em nên hạn chế ra đường, đặc biệt trong buổi sáng khi đi tập thể dục.
Đối với những người thường xuyên trong nhà cũng nên đầu tư hệ thống các loại máy lọc không khí để đảm bảo sức khỏe, nhất là đối với các gia đình có người già và trẻ em.