Tuyên truyền lòng dũng cảm của "hiệp sĩ" cho học sinh chưa hợp lý
Trong công văn vừa gửi các đơn vị, trường học, Sở Giáo dục và đào tạo TP HC đề nghị tổ chức tuyên truyền cho học sinh, sinh viên tinh thần dũng cảm của nhóm "hiệp sĩ" vừa bị nhóm cướp tấn công khiến 2 người chết, 3 bị thương, đồng thời kêu gọi đóng góp, giúp đỡ gia đình các nạn nhân.
Việc này đã vấp phải phản ứng trái chiều của dư luận và cho rằng Sở "cổ suý" học sinh làm theo gương các hiệp sĩ là rất nguy hiểm.
Trao đổi với PV, Đại tá Trần Văn Tạo - nguyên Phó Giám đốc Công an TP HCM cho rằng, hành động của bất cứ người dân hay "hiệp sĩ" tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm đều rất đáng được biểu dương, khen ngợi.
Theo Đại tá Tạo, từng là thầy giáo nên ông thấy, việc tuyên truyền những câu chuyện mang tính chất chung sẽ giúp giáo dục cho học sinh về tinh thần vì cộng đồng, nâng cao cảnh giác, đấu tranh với tội phạm là hợp lý.
Còn việc đưa trường hợp cụ thể như các "hiệp sĩ" mới bị nhóm cướp tấn công gây thương vong vào tuyên truyền cho học sinh, sinh viên thì chưa "thực sự hợp lý, dễ gây ra những phản ứng ngược lại".
"Hành động của các "hiệp sĩ" là dũng cảm, nhưng việc truy bắt cướp rất nguy hiểm. Ngoài ra, nhân cách, cuộc sống của những người này ra sao chúng ta chưa biết hết, nên nếu tuyên truyền không cẩn thận thì dễ gây phản ứng ngược.
Nếu chẳng may các em học theo và có vấn đề gì xảy ra thì hậu quả để lại sẽ khó lường", Đại tá Tạo nói.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: TTXVN.
Dễ phải trả giá với hậu quả rất lớn
Trung tá, TS Hà Thị Hồng Lan - Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) khẳng định, bà không đồng tình với việc ngành giáo dục TP HCM đưa các tấm gương dũng cảm của nhóm "hiệp sĩ" vừa bị đâm thương vong vào tuyên truyền cho học sinh, sinh viên.
Trung tá Lan phân tích, hành động của các "hiệp sĩ" tham gia bắt cướp, đấu tranh chống lại cái xấu là điều tốt nhưng họ lại không có kỹ năng, nghiệp vụ hay các công cụ, phương tiện hỗ trợ nên phải chịu một hậu quả cực kỳ nặng nề.
"Nếu truyền để nêu cao tấm gương luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân hay đấu tranh cho điều tốt đẹp, chúng ta ủng hộ.
Còn tuyên truyền không cẩn thận để các em học theo "hiệp sĩ" rồi không có kỹ năng, khả năng, biện pháp bảo đảm an toàn nhưng cứ lao vào, tay không bắt cướp thì hậu quả khó lường, dễ trả giá với sự mất mát rất lớn", Trung tá Lan nêu.
Bà nói thêm, nhìn vào vụ việc các "hiệp sĩ" bắt cướp rồi bị đâm thương vong vừa qua sẽ thấy rõ, giữa cái được và mất "chênh lệch nhau quá lớn".
Cụ thể, một bên các tên cướp có hung khí chỉ mất 13 giây gây án rồi bỏ chạy còn một bên 2 "hiệp sĩ" bị đâm chết, 3 người bị thương nặng.
Theo Trung tá Lan, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung, chống cái xấu nhưng phải xem khả năng đến đâu, làm được gì và chiến đấu vì cái chung song trước hết cần bảo vệ an toàn cho chính bản thân.
Bà lấy ví dụ, trong trường hợp nạn nhân bị trộm, cướp tấn công yêu cầu đưa tài sản thì được yên thân, không đưa sẽ bị giết thì cần lựa chọn mạng sống, sức khỏe thay cho món tài sản nhỏ hơn.
Vị này đề nghị, thay vì tuyên truyền tấm gương cụ thể của "hiệp sĩ" thì nên tuyên truyền chung để các em có trách nhiệm tham gia phòng chống tội phạm.
Ngoài ra, giáo dục để các em hiểu việc nên tham gia tố giác các hành vi tội phạm, không tiếp tay, che giấu hành vi vi phạm.
"Ý tưởng tuyên truyền lòng dũng cảm của ngành giáo dục TP HCM với học sinh, sinh viên là tốt nhưng cách làm không cẩn trọng sẽ dễ dẫn đến lợi ít mà nguy hại có thể xảy ra rất nhiều", Trung tá Lan nói thêm.