Thủy triều đỏ là gì?
Trao đổi tại buổi thông tin báo chí vào tối muộn ngày 28/4, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết:
Sau khi nghe báo cáo của Bộ, địa phương, nhà khoa học, đồng thời thảo luận loại trừ nhiều nguyên nhân khác, các nhà khoa học và cơ quan quản lý thống nhất nhận định sơ bộ có 2 nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt.
Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển.
Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa, mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ.
Trao đổi với chúng tôi, GS.TSKH Lê Huy Bá, chuyên gia độc lập về môi trường cho biết, 2 nguyên nhân được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố trên đều có xuất phát chung từ các chất thải hoặc tác động của các chất độc hại.
Về nguyên nhân liên quan đến thủy triều đỏ hay còn gọi là tảo nở hoa, theo GS Bá, đây là hiện tượng bùng nổ lớn về số lượng của loài tảo biển. Hiện tượng này có thể khiến nước biển đỏ hoặc xanh chủ đạo trên cả một vùng.
Hiện tượng này có thể dễ dàng được nhìn thấy bằng mắt thường. Trong môi trường thuận lợi, một số loại tảo độc trong nước biển sẽ phát triển nhanh và hình thành thủy triều đỏ.
GS.TSKH Lê Huy Bá. Ảnh: Báo Lao động.
Cũng theo GS Bá, tảo nở hoa sẽ xuất hiện dày đặc trên mặt biển và thường có là ở vùng biển lặng gió, ít có sóng, không có dòng hải lưu, nghĩa là phải yên tĩnh.
Tảo nở hoa làm lượng oxy trong nước giảm mạnh khiến nhiều loài sinh vật sống trong nước như cá chết hàng loạt nhưng không thể khiến cá chết đột ngột, tức thời như vừa qua mà không có dấu hiệu rõ ràng.
Nó thường xảy ra gần bờ chứ không ở ngoài xa và sẽ gây cá chết tầng mặt chứ không phải tầng đáy. Khi xảy ra hiện tượng này nước biển sẽ có mùi hôi tanh. Con người tiếp xúc với nước biển có thể bị ngứa và dị ứng.
"Ở đây, theo tôi, khi nói là do nguyên nhân thủy triều đỏ thì các cơ quan chức năng cũng cần phải xác định, sớm công bố xem độc tố nó gây ra là gì.
Và mỗi loại thủy triều đỏ gây hại ở các vùng biển khác nhau là khác nhau, có độc tố, triệu chứng gây độc khác nhau nên cũng cần xác định rõ ràng", GS Bá nêu.
Về lý do độc tố từ nước thải con người trên đất liền, trên biển, GS Bá cũng đề nghị làm rõ đó là độc tố là gì.
GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho rằng thủy triều đỏ là hiện tượng có thể nhận biết bằng mắt thường và hoàn toàn có thể được các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương ghi nhận.
Còn một chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản cũng cho hay, nếu do tác động của độc tố hóa học khiến cá to chết nghĩa là cá nhỏ cũng vậy, trong đó có sinh vật phù du, tức là tảo cũng có thể sẽ chết.
Do vậy, ở đây cần phải làm rõ xem, thủy triều đỏ đã xuất hiện và đã gây ra độc tố như thế nào, khiến các loài cá tầng đáy chết như thế nào?.
Vị này cũng nhìn nhận, việc sinh vật tự nhiên, hệ sinh thái bị tác động hủy diệt hàng loạt như vậy có nguyên nhân chất lượng môi trường biển thay đổi.
"Tôi cho rằng việc thủy sản chết ở đây là dấu hiệu tác động bột phát của quá trình tác động tích lũy về không gian, thời gian của các yếu tố độc hại.
Chúng ta cần xác định nguyên nhân, thời điểm và mức độ gây hại để có những biện pháp phù hợp nhằm giải quyết triệt để", vị này nhấn mạnh.
Lấy nhiều mẫu liên quan đến hiện tượng thủy triều đỏ
Trước đó, trao đổi với chúng tôi về nhận định nguyên nhân ban đầu của hiện tượng cá chết hàng loạt liên quan đến thủy triều đỏ này, một thành viên tham gia công tác lấy mẫu phân tích cho biết đã lấy nhiều mẫu có liên quan đến hiện tượng này.
Theo ông này, trong tảo biển có một số loài tảo độc, tiết ra độc tố axit amoic và các độc tố khác mà gây tê liệt hệ thần kinh.
"Cá không thể ăn tảo vì tảo là thực vật nhưng nhuyễn thể sẽ ăn tảo hay các sinh vật phù du sẽ ăn tảo. Con cá thì ăn các sinh vật phù du và tảo tiết ra độc tố, làm tê liệt hệ thần kinh của cá.
Cùng với sự bùng nổ của tảo thì tảo là thực vật nên ban đêm sử dụng oxy thải ra khí các - bô - nic, khi đó khiến cho oxy trong nước bị thiếu hụt thì cá bị ngạt. Trên thế giới đã từng xảy ra nhiều", ông này nói.
Ông này cũng cho rằng, hiện tượng này xảy ra từng vùng thôi.
Trước đó, trên báo Nghệ An, lão ngư Hồ Văn Công, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai cho biết từ đầu năm đến nay, cửa sông Hoàng Mai đón một số đợt thủy triều đỏ khiến nước sông Hoàng Mai lúc có màu đỏ, lúc màu bùn.
Giữa tháng 4 đến nay, một số đợt thủy triều đỏ tiếp tục xuất hiện. Việc thủy triều đỏ xuất hiện đã khiến cho nhiều thủy sản của người dân bị thiệt hại.
Đây đang là thời điểm đầu vụ nuôi, việc thủy triều đỏ xâm nhập cửa biển đã khiến bà con không dám đưa nước vào các hồ nuôi, mà phải đợi những con nước sau.
Từ đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế).
Thống kê đến ngày 25/4, bốn tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn cá tự nhiên chết dạt bờ, chủ yếu là các loài cá sống ở tầng đáy.