Theo chuyên gia này, các mối đe dọa quân sự nhìn chung đang suy yếu, nhưng nó chỉ phát triển bởi sự gia tăng căng thẳng đối đầu khu vực do các giới tinh hoa xuyên quốc gia tiến hành.
Ví dụ, ở phía Nam thì nguồn cơn chính của mối đe dọa quân sự liên quan tới sự bất ổn tình hình ở các quốc gia Trung Á SNG bởi các cuộc chiến ở Syria, Iraq và Afghanistan, cũng như các vấn đề của Ấn Độ, Pakistan, thậm chí cả sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Ngòi nổ của xung đột quân sự ở khu vực Trung Cận Đông có thể là sự xuất hiện của một quốc gia người Kurd với sự xâm chiếm một phần lãnh thổ của Iraq, Syria, cũng như sự tồn tại khả năng gây hấn của Mỹ, Israel, các nước NATO và đồng minh trong số các chế độ quân chủ ở Vịnh Péc-xích nhằm chống lại Iran.
Còn ở phía Đông, nguồn gốc chủ yếu của các căng thẳng quân sự trong tương lai trung hạn sẽ là sự đối đầu trên bán đảo Triều Tiên, giữa Nhật Bản với Trung Quốc trong tranh chấp các hòn đảo, giữa Nhật Bản và Nga xung quanh quần đảo Kuril, thậm chí là vấn đề Đài Loan.
Chuyên gia Konstantin Sivkov đưa đến kết luận cho rằng, Nga có thể trở thành một bên giam gia các hoạt động quân sự ở những quy mô khác nhau. Đó có thể là một cuộc xung đột có giới hạn xảy ra ở một khu vực có tầm quan trọng chiến dịch, tiếp diễn từ vài ngày tới 1 hoặc 2 tháng cùng sự tham gia của từ hai, ba nghìn tới năm hoặc mười nghìn người.
Một phương án khác là cuộc xung đột vũ trang diễn ra trên một hướng chiến dịch trong khoảng vài ngày hoặc vài tháng tới vài năm. Trong đó có thể có sự tham gia của từ 30 – 40 tới 100 – 120 nghìn người.
Còn một kịch bản nữa đó là một cuộc chiến tranh cục bộ trên một hướng chiến lược diễn ra từ một tháng tới vài năm. Mỗi bên tham chiến sẽ có một lực lượng từ 400 – 500 nghìn tới một triệu người, thậm chí là hơn.
Phương án thứ 4 đó là cuộc chiến tranh khu vực chống lại Nga. Cuộc chiến tranh này sẽ bao phủ một vài hướng chiến lược và kéo dài tới vài năm. Mỗi bên tham chiến sẽ lôi kéo đủ lực lượng tới gần 10 triệu quân hoặc hơn. Giai đoạn chuẩn bị trực tiếp cho cuộc chiến này, theo quy luật, là từ một tới vài năm.
Trong đó sẽ có những mục tiêu chính trị hoàn toàn rõ ràng, ví dụ, đó là việc xâm chiếm hàng loạt các quốc gia, sự thay đổi hệ thống hoặc quyền lực tại các nước lớn, sự thiết lập quyền kiểm soát đối với các khu vực quan trọng trên thế giới. Cuộc chiến tranh kiểu này có thể là một phần của Chiến tranh thế giới thứ 3.