Những người "muốn sở hữu của lạ"
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam đánh giá, các vụ quấy rối, gạ tình, xâm hại tình dục xảy ra ở công sở, cơ quan không còn lạ lẫm vì diễn ra từ nhiều năm qua.
Đối tượng bị quấy rối đa phần là phụ nữ trong các cơ quan, đơn vị - nơi có các đồng nghiệp nam có "tình ý". Tuy nhiên, ông Bình nhìn nhận, cá biệt cũng có một số nam nhân viên bị các đồng nghiệp nữ "gợi ý, đề nghị...".
Phó giáo sư Bình nói qua theo dõi, đến nay ông chưa ghi nhận vụ việc quấy rối tình dục nơi công sở nào bị đưa ra xét xử, xử lý.
Hiện các vụ việc mới được nhìn nhận ở góc độ đạo đức, tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, nhân viên, người có vị trí ở các cơ quan, công sở.
Ông Bình cho hay hiện chưa có một nghiên cứu cụ thể, đầy đủ của các cơ quan chức năng về thực trạng, song cá nhân ông nhìn nhận, quấy rối tình dục công sở một phần xuất phát từ hai phía, theo nghĩa "tại anh, tại ả, tại cả đôi bên".
Nhiều chị em trong công sở cũng "đầu mày cuối mắt, liếc mắt đưa tình", muốn đánh thức, khơi gợi, tác động với những người có ảnh hưởng để lưu ý, cất nhắc, đưa mình vào những công việc tốt hơn và trong nhiều trường hợp "lợi bất cập hại, tự mình dấn thân..." - ông Bình nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng gạ tình công sở xuất phát từ một số người mang trong mình tư tưởng "muốn chiếm đoạt, sở hữu của lạ".
PGS Trịnh Hòa Bình. Ảnh: H.N.
Còn theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, qua hơn 20 năm tư vấn mảng hôn nhân gia đình, ông đã gặp khá nhiều trường hợp các chị em phụ nữ đến xin tư vấn vì bị quấy rối tình dục hay gạ tình công sở.
Trường hợp mà ông Hòa nhớ nhất là một vị Giáo sư hơn 50 tuổi sau khi mở phòng khám tư nhân, đã gạ tình một nữ nhân viên y tế kém 20 tuổi.
Cụ thể, hết giờ làm việc, nam Giáo sư thường bảo nữ nhân viên này ở lại nói chuyện và ông ta chỉ đề cập đến vấn đề tình dục, khoe là 'khỏe', giỏi chuyện chăn gối rồi sán lại gần, lấy cớ giảng chuyên môn để động chạm cơ thể...
Khi đó, nữ nạn nhân lo phản kháng mất việc, nói với chồng lại sợ không được cảm thông nên tìm đến ông Hòa nhờ tư vấn.
Theo lời khuyên của chuyên gia này, nữ nhân viên phòng khám tìm hiểu và biết được hai nữ đồng nghiệp cùng làm từng bị ông giáo sư này quấy rối tình dục.
Họ đoàn kết lại và tỏ rõ thái độ không khuất phục nên "yêu râu xanh" từ bỏ ý định gạ tình.
Theo ông Hòa, khoa học đã chứng minh đàn ông có xu hướng thích khám phá của lạ. Tuy nhiên, ông nói giữa thích và khám phá vẫn có khoảng cách.
Những người cảm thấy bản thân có quyền hành thường dám bộc lộ hành động gạ gẫm người "dưới trướng" mình - chuyên gia nhận định.
Im lặng là dung túng cho "yêu râu xanh"
Theo chuyên gia Trịnh Trung Hòa, sau sự việc quấy rối tình dục, các nạn nhân nữ thường bế tắc, không dám tìm tới đoàn thể, cơ quan để tố cáo kẻ xấu, cũng như bảo vệ bản thân. Cũng vì ngại, sợ mất việc, nhiều người chọn cách "lảng tránh, nhắm mắt cho qua".
Chính sự im lặng của nạn nhân đã dung túng cho hành động đồi bại của "yêu râu xanh". Những kẻ này hiểu nạn nhân ngầm đồng ý hoặc sợ không dám tố cáo nên được đà làm tới.
Khi nỗi đau bị quấy rối để trong lòng không được nói ra, hậu quả để lại rất nghiêm trọng. Nhiều nạn nhân bị quấy rối ở cơ quan trở về nhà cảm thấy như mình làm điều gì có lỗi với chồng, người yêu...
Với những trường hợp này, ông Hòa khuyên các nạn nhân cần có cách xử lý tế nhị, tinh tế chứ không thể "hét lên tôi bị xâm hại, bị gã gẫm, quấy rối ở cơ quan" bởi điều đó sẽ tạo sự bất ổn và gây hại cho chính mình.
Nam chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, trong các trường hợp này, nạn nhân cần tìm cho mình những "đồng minh" trong cơ quan để chia sẻ và tạo ra dư luận, áp lực khiến "yêu râu xanh" luôn có cảm giác sợ lộ, mang tiếng, không dám lặp lại hành động đó.
Còn PGS Trịnh Hòa Bình chia sẻ, các nữ nhân viên nên bày tỏ thái độ, chính kiến một cách cương quyết, rõ ràng, dứt khoát để "yêu râu xanh" từ bỏ ngay ý định xấu xa.
Ảnh minh họa.
Nên thu thập chứng cứ để tố cáo
Luật sư Nguyễn Công Thành (Hà Nội) cho biết, khái niệm quấy rối tình dục được Bộ luật Lao động năm 2012 đề cập là hành vi bị nghiêm cấm.
Năm 2015, các cơ quan chức năng đã công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam.
Về hình sự, theo luật sư Thành, quấy rối tình dục có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng (hiếp dâm, cưỡng dâm, làm nhục người khác...) nếu hành vi này thỏa mãn các quy định trong điều luật.
Về xử phạt vi phạm hành chính, người quấy rối thực hiện những hành vi "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", thì bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo luật sư, các quy định cụ thể về phòng chống quấy rối tình dục - với hành vi chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, hiện chưa được quy định rõ. Ví dụ: Quấy rối tình dục là thế nào, quy định cụ thể cho hành vi đó...
Các quy định về giải quyết, hỗ trợ nạn nhân cũng chưa cụ thể - ông Thành cho hay.
Luật sư Thành tư vấn, người bị các "yêu râu xanh" quấy rối cần chuẩn bị đầy đủ các chứng cứ như hình ảnh, file ghi âm, video để có cơ sở gửi tới các nơi đề nghị xử lý.
Nếu bị xâm hại nên đi khám để xác định các tổn thương và lưu giữ hồ sơ, chuyển cho cơ quan chức năng. Ngoài ra, cần có đơn tố giác tội phạm gửi ngay đến cơ quan chức năng, cơ quan công an.