Tương quan lực lượng
Có thông tin cho rằng Anh sẽ gửi khoảng 14 – 15 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine.
Tương tự, sau thời gian dài cân nhắc, Đức đã đồng ý để xe tăng Leopard 2 của nước này được xuất khẩu sang Ukraine với điều kiện Mỹ đồng ý gửi một số xe tăng M1 Abrams tới Kiev.
Đức sẽ viện trợ khoảng 14 xe tăng Leopard, trong khi Mỹ đồng ý gửi 31 xe tăng Abrams. Ba Lan cũng tặng 15 chiếc Leopard 2 và một loạt xe tăng cũ thời Liên Xô.
Ngoài những nước trên, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng tuyên bố sẽ gửi xe tăng cho Ukraine, nhưng chưa tiết lộ con số cụ thể.
Trong khi đó, cùng với việc huy động thêm 300.000 binh sĩ dự bị, Nga hồi cuối năm 2022 đã cung cấp khoảng 200 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 cho quân đội nước này ở Ukraine.
Nếu so sánh, số xe tăng phương Tây – dù được sớm gửi đi như đã hứa – cũng sẽ rất nhỏ với quy mô đội thiết giáp của Nga.
Theo chuyên gia địa - chính trị Brandon Weichert (Mỹ), Washington đang yêu cầu người Ukraine điều khiển những chiếc xe tăng mà họ hầu như không được đào tạo bài bản về vận hành và cũng không có kinh nghiệm bảo trì vào thời điểm tuyệt vọng trong cuộc chiến chống lại lực lượng hùng hậu hơn của Nga.
“Đây không chỉ là một khẩu Stinger hay Javelin. Đây là những hệ thống vũ khí hàng đầu đòi hỏi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm đào tạo để vận hành. Nga có thể ném toàn bộ kho xe tăng T-90 của mình vào phòng tuyến của Ukraine trong vài tháng tới, khi các lực lượng tiền tuyến của Ukraine vẫn đang kiên trì chờ đợi số xe tăng của NATO.
NATO khẳng định Ukraine sẽ được cung cấp tới 321 xe tăng, nhưng chưa biết điều đó xảy ra khi nào, hoặc liệu những phương tiện đó sẽ là xe chiến đấu chủ lực tiên tiến hay xe tăng thời Liên Xô.
Xe tăng Leopard 2. Ảnh: Twitter
Quá sức với “kho vũ khí dân chủ”
Mỹ đã do dự trong việc gửi xe tăng M1 Abrams vì đây là xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu của nước này.
Năng lực công nghiệp của Mỹ không còn như trước đây, bằng chứng là Lầu Năm Góc đã lúng túng thừa nhận rằng họ thiếu số lượng cần thiết các phiên bản tiên tiến của xe tăng M1 Abrams để gửi tới Ukraine ở thời điểm hiện tại.
Một số nguồn tin đã dự đoán Kiev có thể sẽ phải đợi đến sớm nhất là tháng 8 mới được nhận xe tăng Mỹ.
Hơn nữa, vì M1 Abrams là xe tăng hàng đầu và mang tính biểu tượng của quân đội Mỹ, nên Washington khó có thể mạo hiểm để mất một lượng lớn xe tăng này trên chiến trường.
Do đó, ngày càng có nhiều lời kêu gọi chuyển giao F-16 và các máy bay tiên tiến khác cho Ukraine. Xét cho cùng, nếu không có không quân yểm trợ, xe tăng NATO sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu cho máy bay Nga.
Ngoài ra, nguy cơ Nga sử dụng việc vận chuyển xe tăng của Mỹ như một cái cớ chống lại NATO và chính nước Mỹ đang đè nặng lên tâm trí của các nhà hoạch định chính sách ở Washington.
Liệu Ukraine có thể chống cự?
Người Ukraine đã làm tốt hơn nhiều so với dự đoán trước đó. Tuy nhiên, “chúng ta không nên tự lừa dối mình, vì người Ukraine không phải là siêu nhân.”
Lý do Ukraine có thể làm chệch hướng chiến dịch của Nga năm ngoái là do quy mô lực lượng và tình hình địa lý. Người Nga đã đưa quân sang nước láng giềng với một lực lượng ít ỏi gồm 160.000 quân, thiếu phương tiện và năng lực chỉ huy để có thể tiến đánh thần tốc như mong muốn của Điện Kremlin.
Nhưng điều này đã thay đổi. Lực lượng Nga đang tập trung đông đảo dường như để chuẩn bị cho một đợt tiến công mới, nặng nề và khủng khiếp.
"Hậu cần, địa lý và yếu tố số lượng vẫn cần được tính đến trong chiến tranh. Điều đáng buồn là những yếu tố này đang chống lại Ukraine", ông Weichert nhận định.
"Vì không nhận ra điều này, cùng với những quan niệm viển vông của những người ủng hộ NATO, Ukraine trong sáu tháng tới có thể sẽ bị nghiền nát bởi cuộc tấn công dữ dội của một nước Nga được huy động toàn lực".
Cùng lúc đó, NATO sẽ làm cạn kiệt kho dự trữ vũ khí và kho bạc của chính mình, đưa thế giới đến bờ vực của một cuộc xung đột toàn cầu giữa các cường quốc khác, “chẳng vì gì cả”.