Công cụ trừng phạt của phương Tây
Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014, đặc biệt là sau khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, phương Tây đã tăng cường áp lực trừng phạt.
Các nước thuộc Liên minh Châu Âu đã áp đặt nhiều lệnh hạn chế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Nga và cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng vào Nga, nhiều nước EU xem xét phương án từ bỏ dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Bên cạnh đó, Mỹ và nhiều quốc gia Liên minh châu Âu tuyên bố đóng băng tài sản của Moscow ở nước ngoài trị giá hàng trăm tỷ euro.
Bình luận về chiến lược này, chuyên gia của tuần báo Anh The Spectator mới đây đã có bài viết cho rằng, chiến lược chiến tranh kinh tế của phương Tây với Moscow rồi chắc chắn sẽ thất bại do sự tái định hướng chiến lược của nền kinh tế Nga và sự bất đồng của những người chơi khác.
Bài viết cho biết, Mỹ và các đồng minh đã lên kế hoạch cắt đứt gần như hoàn toàn Nga khỏi mọi hoạt động xuất nhập khẩu thông qua các biện pháp trừng phạt và tẩy chay. Theo những người vạch ra kế hoạch này, Moscow phải đầu hàng trước sự hủy diệt của phương Tây.
Bài báo chỉ ra nguyên nhân khiến chiến lược bao vây, cô lập hòng đánh sập nền kinh tế Nga thất bại là do trong khi châu Âu nỗ lực vì cuộc chiến tranh kinh tế với Moscow, phần còn lại của thế giới lại không muốn điều đó.
Các số liệu thống kê minh họa rõ ràng tính toán sai lầm này: Vào năm 2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tuyên bố GDP của Nga chỉ giảm 2,1% và vào năm 2023, quỹ này dự đoán mức tăng trưởng của Nga là 0,7%.
Theo thông tin mà ấn phẩm The Spectator đưa ra, vào năm 2020, Nga chiếm 39% lượng khí đốt và 23% lượng dầu nhập khẩu của EU. Trong quý 3 năm 2022, những con số này lần lượt giảm xuống 15% và 14%.
Tuy nhiên, The Spectator nhận xét rằng, những con số này không phản ánh mức độ phương Tây có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, bởi chính quyền Moscow đã chuyển hướng hợp tác chiến lược sang các châu lục khác, tái cơ cấu nền kinh tế, giảm tỷ trọng phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, gia tăng hàm lượng công nghệ của nền kinh tế đất nước.
Kinh tế Nga vẫn đứng vững trước các lệnh trừng phạt
Theo The Spectator, Nga không những không đánh mất thị trường châu Âu mà còn nhanh chóng tăng nguồn cung cho Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt là dòng dầu đang vượt qua Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, chảy mạnh sang cả Mỹ Latin, châu lục vốn được mệnh danh là “sân sau” của Mỹ.
Theo bài viết trên tờ Reuters trích dẫn các nguồn thị trường và dữ liệu từ nền tảng phân tích tài chính Refinitiv Eikon cho biết, chỉ trong hơn 1 quý, từ tháng 1 đến tháng 4, Nga đã xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn dầu diesel sang các nước Mỹ Latinh, tăng hơn 7 lần so với cả năm 2022 (211.000 tấn).
Điểm đặc biệt đáng lưu ý là lượng dầu xuất khẩu chủ yếu cung cấp cho Brazil, sau đó là Chile, giúp dầu diesel Nga đánh chiếm thị phần dầu mỏ châu Mỹ của Hoa Kỳ, quốc gia trong truyền thống chiếm phần lớn lượng nhập khẩu dầu của quốc gia Nam Mỹ này.
Các chuyên gia của The Spectator nhận định rằng, “cảm giác phóng đại về ảnh hưởng và sức mạnh của chính mình” đã đẩy Mỹ và EU vào bẫy mà chính họ đã giăng ra và phải trả giá vì điều đó.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế được đưa ra để phong tỏa, cấm vận đối với Moscow đã đẩy nhanh việc từ bỏ đồng dollars Mỹ và hủy hoại nền kinh tế của Liên minh châu Âu với cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài hai năm qua, trong khi đó, không có tác động gì đáng kể đến nền kinh tế Nga.
Theo bài viết trên trang web của hãng tin Nga Sputnik, chỉ số GDP của Nga đã trở lại mức trước chiến tranh, thậm chí là còn có dấu hiệu khởi sắc, trong năm 2022, kinh tế Nga đã trở lại top 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Được biết, Nga đã sản xuất hàng hóa và dịch vụ có tổng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2022, đưa nước này lên vị trí thứ 8 trên thế giới về chỉ số này. Lần cuối cùng Nga đứng trong top 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới là vào năm 2014, khi xếp thứ 9 với 2,05 nghìn tỷ USD.
“Phương Tây đã sai lầm sâu sắc nếu họ tin rằng trong tương lai có thể chiến đấu với Nga hoàn toàn bằng biện pháp kinh tế, mà không cần bom đạn” - bài báo tổng kết.