Huy động nguồn lực 400 tấn vàng cho nền kinh tế
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng theo ước tính, hiện nay số lượng vàng mà người dân đang nắm giữ lên đến khoảng 400 tấn. Nếu 400 tấn vàng đó vẫn nằm trong “kho tàng” riêng của mỗi cá nhân, gia đình thì thực sự lãng phí, vì vàng là một tài sản quý giá có thể dùng để phát triển đất nước, sử dụng vào những mục đích ích quốc lợi dân, do đó, cần phải đưa được số vàng này ra nền kinh tế.
Theo đó, ông Hiếu xuất một giải pháp nhằm tối ưu hóa việc huy động và sử dụng vàng trong nền kinh tế là thông qua việc phát hành chứng chỉ vàng bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cơ chế này cho phép NHNN thu hút vàng từ người dân dựa trên cơ sở tự nguyện, sau đó phát hành chứng chỉ vàng với thời hạn linh hoạt từ 3 - 6 tháng, hoặc từ 1-5 năm (mô hình tương tự như đã được áp dụng thành công tại Ấn Độ).
“Điều này không chỉ tạo cơ hội cho người gửi vàng nhận được lợi nhuận thông qua lãi suất (dù không cao như tiền gửi ngân hàng), mà còn đảm bảo khả năng quy đổi vàng thành tiền mặt tại bất kỳ thời điểm nào. Phương pháp này giúp huy động nguồn lực vàng đang nằm im trong dân vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu rủi ro vàng hóa”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Nói thêm về lợi ích của việc huy động vàng từ người dân, ông Hiếu cho rằng phương pháp này, NHNN có thể huy động được số vàng rất lớn và cho Chính phủ, Bộ Tài chính vay. Sau đó, Bộ Tài chính có thể lấy vàng làm tài sản đảm bảo để vay tiền từ các tổ chức nước ngoài với lãi suất ưu đãi, giúp chúng ta biến vàng thành ngoại tệ phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh và nhu cầu của đất nước.
“Khi NHNN huy động vàng và cho Bộ Tài chính vay, thì NHNN cũng có lãi để trả cho người gửi. Còn phía Bộ Tài chính dùng tài sản đảm bảo này vay vốn từ nước ngoài, phục vụ cho phát triển kinh tế, tạo ra nguồn thu thuế rất tốt. Như vậy, chúng ta sẽ không sợ những chi phí phát sinh về vấn đề lãi. Khối lượng vàng không bị luân chuyển mà vẫn nằm ở lãnh thổ Việt Nam, nhưng điều quan trọng là nằm ở khâu huy động vàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Ủng hộ quan điểm Ngân hàng Nhà nước đứng ra huy động vàng từ người dân nhưng theo ông Hiếu, khó khăn nằm ở chỗ NHNN huy động loại vàng nào và cần có uy định chặt chẽ với các tiêu chí được kiểm duyệt hoặc được chứng nhận. Tất cả các loại vàng không đúng tiêu chí sẽ không được nhận và khi NHNN trả lại vàng cho người gửi cũng phải đúng với các tiêu chuẩn vàng đã nhận.
“Với phương thức đó về kỹ thuật sẽ khá phức tạp, vì phải thành lập các đơn vị kiểm tra chất lượng vàng. Nhưng tôi cho rằng, không có việc gì là không làm được, chúng ta nên tìm ra giải pháp để thực hiện được việc huy động vàng trong dân, mà hiện nay con số đã lên đến 400 tấn, thậm chí còn nhiều hơn”, ông Hiếu cho biết.
Rủi ro rất lớn cho người dân và cho ngân sách quốc gia
Trong khi đó, bày tỏ quan điểm về việc Ngân hàng Nhà nước đứng ra phát hành chứng chỉ vàng để huy động vàng trong dân, TS. Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên gia tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF lại cho rằng Ngân hàng Nhà nước không nên tính đến câu chuyện huy động vàng không nên tính câu chuyện huy động vàng vì rủi ro cho dân và ngân sách rất lớn bởi khó đảm bảo được an toàn lượng tài sản khổng lồ.
Theo ông Chí, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia hàng đầu về việc người dân có thói quen giữ vàng và lượng vàng được lưu giữ trong dân đạt tới hàng trăm tấn.
Có người đưa ra thống kê ước lượng con số đó khoảng 300 - 500 tấn. Đó là con số tính trên số lượng vàng đã xuất - nhập do cơ quan quản lý thống kê được, không bao gồm tính toán lượng vàng mà trong dân chúng đã tích luỹ mà nếu tính gộp có thể lên tới cả ngàn tấn.
“Nguồn lực rõ ràng rất lớn. Nhưng không nên huy động vàng qua đề án Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng, cho dù nguồn lực đó lớn tới đâu. Khối lượng vàng đó là rất lớn khi so với GDP của Việt Nam. Thử hỏi, nếu huy động được khối lượng vàng giá trị khổng lồ ấy vào nền kinh tế, các cơ quan có trách nhiệm đã tính đến chuyện làm thế nào để phát huy được giá trị nguồn lực ấy giúp tăng trưởng kinh tế cho quốc gia”, TS. Phạm Đỗ Chí đặt vấn đề.
Cũng theo ông Chí, thực tế cho thấy, chưa có chính phủ hay ngân hàng trung ương nào đứng ra huy động vàng của dân.
Ông Chí dẫn ví dụ tại Mỹ, FED cũng đứng ngoài thị trường phức tạp này dù vàng đã là căn bản của chế độ kim bản vị của thế giới trong nhiều thế kỷ...
“Trước đây, đã có thời điểm một số quan chức FED cho phép bán khống một số vàng lớn ở mức 1.550 - 1570 USD/ounce và sau đó đã mang về những món nợ khổng lồ cho họ. Đó có thể là một bài học lớn cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam trong việc quản lý thị trường vàng tương lai”, TS. Phạm Đỗ Chí nêu quan điểm.