Thận trọng để xác định được chính xác thời gian nào có thể nuôi cá trở lại
Trong buổi họp chuyên đề công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt xảy ra ở 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế diễn ra chiều tối 30/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nêu rõ:
Sau quá trình làm việc của các cơ quan chức năng VN, Formosa thừa nhận gây ra sự cố môi trường biển, khiến cá chết tại một số tỉnh miền Trung. Formosa cam kết bồi thường 500 triệu USD khắc phục hậu quả.
Trao đổi với chúng tôi ngay sau đó, ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, hiện là Trưởng ban phát triển thủy sản bền vững, Hội nghề cá Việt Nam cho biết, ông cảm thấy mừng khi Chính phủ đã công bố rõ ràng nguyên nhân, thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung là do Formosa Hà Tĩnh.
Ông cũng cho hay, Hội nghề cá Việt Nam và cá nhân ông đề nghị, các cơ quan chức năng cần yêu cầu Formosa phải có trách nhiệm bồi thường, xử lý sự cố môi trường nghiêm trọng do mình gây ra một cách nghiêm túc, rõ ràng.
"Chúng tôi đề nghị trong số tiền 500 triệu USD mà Formosa cam kết bồi thường phải tính đền bù toàn bộ những gì Chính phủ Việt Nam đã ứng trước như gạo, hỗ trợ lãi suất, rồi hải sản bị chết, nghề cá của ngư dân bị ảnh hưởng...
Tất cả những thiệt hại đó phải được tính ra tiền và phải bồi thường một cách thỏa đáng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có tổng điều tra tài nguyên sống ở các vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế bị hủy hoại do độc tố mà Formosa thải ra gây nên và yêu cầu họ phải bồi thường để phục hồi vùng tài nguyên môi trường này", ông Cương nói.
Đại diện công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xin lỗi. Ảnh cắt từ clip.
Ông Cương cũng nêu rõ, các chất như phenol, xyanua,… là những chất cực độc và bền hóa học nên sẽ "lang thang" trong môi trường biển Việt Nam.
"Do đó, cần có những đánh giá, nghiên cứu, phân tích một cách khoa học thận trọng để xác định được chính xác thời gian nào có thể nuôi cá trở lại, cũng như khoảng thời gian nào cá tự nhiên ở ngoài biển có thể vào vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế để sinh sống
Ngoài ra, việc tính toán này cũng sẽ để làm cơ sở để xử phạt thủ phạm...", ông Cương nêu.
Cũng theo ông Cương, Formosa đã gây ra sự cố môi trường ở Việt Nam thì tội đến đâu cần xử lý nghiêm minh đến đó.
"Tôi cho rằng, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ rất công minh, những sai phạm về môi trường thì người nước ngoài (Formosa - PV) hay người Việt Nam cũng được xử lý như nhau theo pháp luật Việt Nam", ông bày tỏ.
Vị Ủy viên Ban Thường vụ Hội nghề cá Việt Nam cũng mong muốn qua đây gửi lời cảm ơn tới Chính phủ và các nhà khoa học trong cũng như ngoài nước khi đã nghiêm túc, khách quan tìm ra nguyên nhân, thủ phạm của hiện tượng cá chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung.
"Cá nhân tôi cũng như các hội viên, bà con ngư dân rất cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các nhà khoa học đã vào cuộc một cách nghiêm túc, khách quan để làm rõ nguyên nhân, thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.
Từ đó, người dân có thể yên tâm, thực hiện các chỉ dẫn tiếp theo của Chính phủ", ông Cương chia sẻ.
Quan trọng hơn là việc giải quyết, khắc phục triệt để về sau
Cùng trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN cũng nêu rõ, hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung là sự cố môi trường rất nghiêm trọng.
"Việc xác định nguyên nhân và công bố rõ ràng thủ phạm là Formosa Hà Tĩnh theo tôi là việc cần làm", PGS.TS Hòe nói.
PGS.TS Hòe cũng cho hay, sự vào cuộc của Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng trong thời gian qua là tốt và thể hiện sự khách quan, khoa học.
"Vì đây là sự cố môi trường rất nghiêm trọng, lần đầu xảy ra nên Chính phủ đã rất quyết liệt trong chỉ đạo và dù nhiều người có nêu ý kiến là công bố nguyên nhân hơi chậm, nhưng theo tôi các cơ quan chức năng, nhà khoa học đã có những đánh giá, phân tích khách quan, khoa học", ông Hòe nêu.
Nhà khoa học này cũng nhấn mạnh, Formosa đã nhận trách nhiệm và đưa ra hướng xử lý, bồi thường chuyển đổi nghề... tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp tình thế lúc này còn quan trọng hơn là việc giải quyết, khắc phục triệt để về sau.
"Thực tế, các độc chất này sẽ vẫn còn tồn tại trong môi trường biển, rất khó phân hủy nên chúng ta sẽ cần khoảng thời gian không hể ngắn để có thể khắc phục triệt để.
Chưa kể, tâm lý của nhiều người dân còn chưa thực sự an tâm, tin tưởng vào đồ biển và đó là những thiệt hại rất lớn nên chúng ta cần có những giải pháp, biện pháp cụ thể rõ ràng", PGS Hòe bày tỏ.
Theo PGS Hòe, sau sự việc này, thì các cơ quan chức năng, quản lý cần rút kinh nghiệm sâu sắc và hoàn thiện các chính sách, quy định nhằm quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất không chỉ khi đi vào hoạt động mà ngay cả khi đang xây dựng, chạy thử nghiệm.
"Như Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã nói, tôi nghĩ rằng, đây là bài học mà chúng ta cần rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm túc để không còn tái diễn hiện tượng tương tự như vậy", PGS,TS Hòe nhấn mạnh thêm.