Thương chiến tái cơ cấu giao dịch toàn cầu
Đối với công ty may mặc Viyellatex của Bangladesh, chiến tranh thương mại căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang đem lại những cơ hội "trời cho".
Thuế quan Mỹ đã làm tăng giá các sản phẩm Trung Quốc lên mức cao, buộc người tiêu dùng phải chuyển sang mua hàng của công ty Viyellatex, nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới.
"Trước đây chúng tôi xuất khẩu hầu hết sang thị trường Châu Âu, nhưng từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, chúng tôi ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các nhà phân phối Mỹ," Chủ tịch tập đoàn Viyellatex David Hasanat nói.
"Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại vào năm ngoái, ba công ty Mỹ từng chấm dứt hoạt động ở Bangladesh 2 năm trước đây đột ngột tới và đưa chúng tôi những đơn đặt hàng số lượng lớn".
Trong 10 khách hàng của ông Hasanat thì có tới 3 doanh nghiệp tới từ Mỹ. Doanh thu năm ngoái của tập đoàn này là 200 triệu USD.
Cũng như Bangladesh, những nền kinh tế Châu Á khác như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia không hề "sợ hãi" trước bối cảnh thương chiến, mặc dù các chuyên gia kinh tế cho rằng việc hai cường quốc trả đũa thương mại lẫn nhau sẽ làm suy thoái tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khiến các nước xuất khẩu phải chịu nhiều rủi ro.
Một xưởng may ở Bangladesh. Ảnh: Phila Siu
Sau khi Washington tăng thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đáp trả bằng việc tăng thuế đối với 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 1/6 tới.
Theo các chuyên gia, một số những nền kinh tế lớn của ASEAN đã có những nền móng vững chắc để hưởng lợi từ việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu - điều mà chiến tranh thương mại đang tạo ra. Trong số đó, đặc biệt phải kể đến Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.
Tờ SCMP trích Báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực Asean +3 năm 2019 (AMRO) cho rằng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong ngành nội thất và may mặc, Malaysia hưởng thêm lợi nhuận từ khí tự nhiên hóa lỏng, và Thái Lan sẽ phát triển mạnh hơn ngành ô tô. Cả ba quốc gia sẽ đều được hỗ trợ lớn nhờ thiết bị công nghệ thông tin và ngành sản xuất đồ điện tử.
Những lợi thế chung mà ba quốc gia này có được bao gồm môi trường pháp lý ổn định, cơ sở hạ tầng vận tải tốt và khả năng chi tiêu công cao. Cho tới nay, hầu hết những cuộc chuyển dịch đều diễn ra ở các ngành công nghiệp đòi hỏi ít kĩ năng hơn là những ngành cần nhân lực chất lượng cao như IT (công nghệ thông tin). Tuy nhiên, một số chuỗi dây chuyền công nghệ cao cũng đã bắt đầu rời khỏi Trung Quốc.
Ông Trump và ông Tập chưa thành công trong việc đạt được thỏa thuận thương mại. Ảnh: AP
Việt Nam
Có lẽ hơn bất kì quốc gia nào khác, Việt Nam - với mức tăng trưởng GDP đạt 7% vào năm ngoái - đã trở thành một "thiên đường" cho các nhà đầu tư muốn thoát khỏi áp lực gây ra từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hồi tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam đã sẵn sàng "đón lấy cơ hội" kinh tế giữa bối cảnh chiến tranh thương mại vẫn tiếp diễn.
Tommy Wu, chuyên gia phân tích kinh tế tại Hồng Kông, nói: "Trong những năm tới, Việt Nam có khả năng sẽ là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ việc chuyển đổi chuỗi cung ứng. Việt Nam có những điểm thuận lợi là: ở gần Trung Quốc, nhân công giá rẻ, ưa chuộng giao dịch và có chính sách đầu tư trực tiếp từ nước ngoài."
Theo dữ liệu từ tập đoàn tài chính HSBC, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 12% trong nửa sau của năm 2018 so với 6 tháng cuối năm 2017.
Những công ty lớn trên thế giới đã bắt đầu chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam. Ảnh: AFP
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm nay đã tăng 86,2%, đạt ngưỡng 10,8 tỉ USD trong quý 1. Đầu tư từ Trung Quốc chiếm gần 1/2 tổng số - theo số liệu từ truyền thông Trung Quốc.
Riêng tháng trước, xuất khẩu từ Việt Nam tới Mỹ đã tăng 29%, trong khi đầu tư vốn từ nước ngoài cũng tăng vọt hơn 200%.
GoerTek - nhà sản xuất lớn của Trung Quốc chuyên cung cấp thiết bị cho Apple - và hãng Foxconn là hai trong số những tập đoàn tiềm năng đã quyết định chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam trong những tháng gần đây.
Một hãng đồ nội thất lớn của Việt Nam cho biết ít nhất 10 khách hàng có tên tuổi trên thế giới đã liên lạc để đề nghị hợp tác, và có khả năng doanh thu của hãng nội thất sẽ tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới.
"Việt Nam là một trong những thị trường mở nhất ở Châu Á," Kiran Nandra-Koehere, chuyên gia về các thị trường kinh tế ở Pictet Asset Management, cho hay.
Chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ đem lại một dòng đầu tư nước ngoài đáng giá, đặc biệt trong lĩnh vực may mặc, nội thất và thậm chí là thiết bị điện tử dân dụng.
Malaysia
Malaysia cũng là một quốc gia hứa hẹn để các công ty nước ngoài để mắt tới. So với các nước láng giềng, Malaysia có mức thu nhập đầu người khá cao, ở ngưỡng 10.000USD/1 người/1 năm.
Theo một báo cáo thực hiện bởi hãng nghiên cứu thị trường Nomura Global với phân tích trên 7,705 sản phẩm trong danh sách thuế quan của Mỹ, thì Malaysia sẽ thu về lợi nhuận lớn từ các sản phẩm khí ga thiên nhiên hóa lỏng, công nghệ truyền thông và mạch điện tử tích hợp.
Các chuyên gia nhận định rằng sự thay đổi lớn trong chính quyền Malaysia vào hồi năm ngoái đã tạo ra môi trường pháp lý ổn định, tăng cơ hội phát triển cho những nhà đầu tư nước ngoài.
Thái Lan
Thái Lan có thể sẽ chịu thiệt hại trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng sau đó sẽ hưởng lợi từ các chuỗi cung ứng - các nhà phân tích cho hay.
Hồi tháng 12, ngân hàng Kasikorn của Thái Lan đã dự đoán rằng "những ưu điểm tuyệt vời và khoảng cách gần với Trung Quốc" sẽ giúp Thái Lan thu về nguồn lợi lớn từ việc thay đổi chuỗi sản xuất và đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng điện tử, mạch điện tử tích hợp và các bộ phận ô tô.
"Gần 50% hàng xuất khẩu từ Thái sang Mỹ đều bao gồm thiết bị cơ khí và sản phẩm điện tử," Sundi Aiyer, một cố vấn quản lí độc lập ở Singapore, cho hay.
"Khối lượng này sẽ còn tăng cao hơn nữa. Ngành ô tô ở Thái Lan có thể sẽ tăng trưởng mạnh vì nhiều công ty sản xuất ô tô chọn sẽ di dời tới đây hoặc tăng cường sản phẩm và hoạt động của chuỗi cung ứng tại Thái Lan."
Myanmar, Indonesia
Myanmar có thể sẽ cung cấp cho Trung Quốc những sản phẩm nông nghiệp và lương thực cho Trung Quốc, đặc biệt là những mặt hàng trước đây vốn được Trung Quốc mua từ Mỹ.
Trong khi đó, Indonesia có thể sẽ không thu được nhiều lợi nhuận như các nước láng giềng. Sự khác biệt trong quy định kinh doanh giữa tầm quốc gia và tầm địa phương đã khiến các nhà đầu tư quốc tế phải dè chừng.