“Bảo bối” Nhật đặt tại đầu nguồn là khách quan
Trước câu hỏi của Công ty thoát nước Hà Nội là tại sao không thí điểm ở cuối nguồn mà lại là đầu nguồn, Tiến sĩ Tadashi Yamamura (chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường) cho hay: "Nếu chúng tôi thực hiện tại cuối nguồn thì số lượng thiết bị xử lý phải gánh toàn bộ lượng chất thải từ 280 cống xả vào sông Tô Lịch lên tới 150.000m3/ngày đêm, tức là xử lý của cả dòng sông dài 14,6 km chứ không phải là thử nghiệm trên đoạn 300m sông Tô Lịch.
Như vậy, chúng ta không thể đánh giá được công suất xử lý của số lượng máy Nano trên đoạn 300 m.
Bởi khi đó, số lượng máy phải là số lượng để xử lý cả sông dài 14,6 km và công suất xử lý là 1,35 triệu m3/ngày đêm để xử lý toàn bộ lượng nước thải 150.000 m3/ngày đêm từ 280 cống xả vào".
Chuyên gia Nhật Bản đặt thiết bị thí điểm làm sạch trên sông Tô Lịch. Ảnh: Hà Phương.
Để có được kết quả thí điểm làm sạch khách quan thì vị trí đặt 4 máy Nano và các tấm Bioreactor ở đầu nguồn đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, công nghệ Nhật Bản xử lý trên sông Tô Lịch khác với công nghệ khác đã thực hiện.
Việc quây kín tại hạ nguồn (không có nước chảy lưu thông của một dòng sông) là cách xử lý trực tiếp trên dòng sông trong điều kiện có nước thải chảy liên tục vào từ 2 cống ở đầu nguồn và một số cống khác, Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết thêm.
Xử lý sông Tô Lịch thêm 2 tháng
Như Lao Động đã đưa tin trước đó, Công ty Thoát nước Hà Nội cho mở cửa xả hơn 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây ra sông Tô Lịch trong hai ngày 9 và 10.7.
Việc mở cửa xả nước là do mực nước Hồ Tây đang cao hơn quy định, theo quy định hồ Tây phải duy trì mực nước 5,7m mà thời điểm đó ở mức gần 6m.
Đoạn sông Tô Lịch thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản. Ảnh: Hà Phương.
Để kết quả thí điểm được đảm bảo khách quan, Công ty Cổ phần đầu tư môi trường Nhật Việt (JVE) và đoàn chuyên gia Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm xử lý kéo dài thêm 2 tháng. JVE chịu trách nhiệm hoàn toàn về công nghệ trong quá trình thí điểm xử lý trong mùa mưa.
Nếu thí điểm mùa khô trong điều kiện tốc độ dòng chảy thấp, sẽ không chứng minh được khả năng xử lý của công nghệ khi xảy ra mưa lớn.
Hiện tại, chuyên gia Nhật đã có giải pháp công nghệ để kết quả thử nghiệm không bị cuốn trôi, kể cả trong trường hợp lưu lượng xả nước từ hồ Tây nhiều hơn lần trước, TS Takeba Akira cho hay.