Chuyên gia Nhật: Cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông là cảnh báo với châu Âu

Minh Khôi |

Chuyên gia Nhật Bản cảnh báo, sự mở rộng leo thang của sự hiện diện của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ cung cấp một bài học nghiêm túc cho châu Âu.

Bài học cho châu Âu

Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký kết các thỏa thuận đầu tư vào một số cảng ở Ý trong chuyến thăm chính thức hồi tháng trước, giúp Trung Quốc tiếp cận một cửa ngõ hàng hải và xuyên lục địa quan trọng vào châu Âu.

Các khoản đầu tư mới nhất của Trung Quốc vào Trieste, phía bắc biển Adriatic và Genova, cảng biển lớn nhất của Ý, bổ sung vào mạng lưới cảng biển và các tuyến giao thương hàng hải do tập đoàn vận tải khổng lồ Cosco của Trung Quốc điều hành, bao gồm cả việc nắm giữ cổ phần tại cảng Piraeus của Hy Lạp.

Tại Israel, Trung Quốc đang xây dựng 2 cảng. Nước này cũng đã mở căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, châu Phi, nằm ở vị trí chiến lược trong hải trình giữa tuyến thương mại Á-Âu.

Trung Quốc đang đầu tư tại nhiều địa điểm khác nhau và thường khiến nhiều người không sự chú ý. Chỉ khi kết nối các điểm này lại, một hình ảnh lớn hơn xuất hiện. Trong trường hợp Trung Quốc tham vọng trở thành một siêu cường hải quân toàn cầu, có những ý nghĩa chính trị và an ninh quan trọng với châu Âu và Mỹ.

Sự mở rộng leo thang của sự hiện diện của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ cung cấp một bài học nghiêm túc cho Châu Âu.

Trung Quốc đang cố tình "hiểu sai" UNCLOS

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn đối với các đảo, rạn san hô và bãi cạn ở Biển Đông lấn với các nước trong khu vực.

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với hơn 80% khu vực Biển Đông, nơi có trữ lượng dầu khí khổng lồ, tuyên bố nước này có "quyền lịch sử" đối với khu vực rộng lớn ở Biển Đông.

Năm 2016, Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết rằng đường 9 đoạn mà Trung Quốc sử dụng để khẳng định yêu sách của mình tại Biển Đông là trái với Công ước của LHQ về Luật Biển (Unclos). Tuy nhiên, điều này đã không làm mờ đi tham vọng của Trung Quốc.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp trái phép ở Biển Đông, hạ đặt các tên lửa đất đối không và xây dựng các sân bay tiên tiến có thể hỗ trợ máy bay ném bom.

Kể từ đầu năm nay đến đầu tháng 4, khoảng 200 tàu Trung Quốc, được cho là một phần của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, đã được phát hiện gần đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện do Philippines chiếm đóng trái phép), gia tăng căng thẳng.

Chúng ta nên chú ý đến việc Trung Quốc tuyên bố các đường cơ sở xung quanh các quần đảo. Năm 1996, họ tuyên bố rằng họ đang áp dụng các đường cơ sở quanh các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bất chấp việc Unclos không thừa nhận Trung Quốc là một quốc gia quần đảo nên không được hưởng các đặc quyền mà nước này yêu sách, ông Yasunori Nakayama, Quyền Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế Nhật Bản lưu ý.

Mặc dù vậy, tài liệu Phán quyết Tòa trọng tài về Biển Đông: Một nghiên cứu quan trọng do Viện Luật quốc tế của Trung Quốc xuất bản gần đây cho thấy nguy cơ cao hơn bằng cách cho rằng các đặc quyền của quần đảo không chỉ được đề cập trong UNCLOS, mà còn được quy định trong luật pháp tập quán trước giờ đã có của nước này. Bằng cách này, dù UNCLOS có quy định gì thì Trung Quốc vẫn có thể cứ chiếu theo luật pháp tập quán mà đơn phương tiến hành việc vẽ và tuyên bố các đường cơ sở quanh các quần đảo.

Nếu Trung Quốc cũng tuyên bố đường cơ sở quanh quần đảo Trường Sa, Biển Đông nguy cơ có thể trở thành vùng biển nội địa của Trung Quốc và Trung Quốc sẽ có thể hạn chế việc đi lại của các tàu nước ngoài.

Một phần ba vận chuyển hàng hóa thế giới đi qua Biển Đông, do đó, việc hạn chế quyền tự do đi lại sẽ có tác động đáng kể đến thương mại toàn cầu. Trên thực tế, nghiên cứu của Hiệp hội Luật Quốc tế Trung Quốc cho thấy Trung Quốc có thể cố gắng thực thi một quy tắc rằng tự do hàng hải có thể dựa trên sự điều chỉnh của các quốc gia ven biển.

Điều này đã thu hút sự chú ý của chính quyền Tổng thống Trump. Hải quân Mỹ đã tăng cường tự do hoạt động hàng hải trong khu vực, thách thức các yêu sách của Trung Quốc trên biển. Anh cũng đã thể hiện sự sẵn sàng cam kết bảo vệ tự do biển cả ở Biển Đông: vào ngày 11/2, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Gavin Williamson, cho biết sẽ triển khai tàu sân bay mới của nước này là HMS Queen Elizabeth, đến Biển Đông.

Bắc Kinh tiếp tục khẳng định rằng họ tuân thủ UNCLOS và tôn trọng luật pháp trên biển. Tuy nhiên, có những lý do để nghi ngờ. Tại một hội nghị ở Kyoto vào tháng 3, Paul Reichler, cố vấn trưởng của Philippines trong vụ kiện Biển Đông, đã lưu ý rằng từ góc nhìn của Nhật Bản, cũng là quan điểm mà ông chia sẻ, Trung Quốc đã áp dụng và tự diễn giải các quy định của UNCLOS một cách không hợp lý.

Theo đó, Trung Quốc sẽ diễn giải UNCLOS theo hướng có lợi cho mình, còn trường hợp bên nào dùng UNCLOS có phán quyết hay quy định bất lợi cho Trung Quốc thì nước này sẽ bác bỏ phán quyết đó và chuyển sang căn cứ theo luật tập quán.

Các quy tắc và cấu trúc được thiết lập của hệ thống hàng hải quốc tế đang ngày càng bị đe dọa. Trong một hội nghị chuyên đề ở London vào tháng 2, Giáo sư Atsuko Kanehara của Đại học Sophia, Tokyo, lưu ý rằng cách áp dụng luật quốc tế về quyền lịch sử sẽ rất quan trọng trong việc duy trì tính hợp lệ của UNCLOS. Việc Trung Quốc tuyên bố các quyền dựa trên một phạm vi rộng của luật tập quán có nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng trật tự pháp lý hàng hải quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại