Trao đổi với PV, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN-MT) cho biết, quá trình hình thành và phát triển, di chuyển của bão số 4 đang được các đơn vị chức năng theo dõi rất chặt chẽ.
Theo ông Hải, cơn bão này có "hình thái vô cùng đặc biệt", bởi hầu hết các cơn bão đều di chuyển từ phía Đông ra phía Tây nhưng bão số 4 lại đi từ phía Tây ra phía Đông, thậm chí có lúc còn đi ra phía Đông Nam.
Có thời điểm cơn bão lại đi lòng vòng tạo thành nút thắt và quay hướng về đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Trong vòng chiều đến đêm mai, bão sẽ đi vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc).
“Tới thời điểm này chưa thể nhận định chính xác cường độ của bão khi vào đất liền, song bão sẽ mang theo lượng mưa tương đối lớn, tập trung phía Nam đồng bằng Bắc Bộ trở vào tới tỉnh Nghệ An, với lưu lượng khoảng 250 - 350mm, có nơi 600mm”, ông Lê Thanh Hải thông tin.
Lãnh đạo Tổng Cục cho hay, theo dự báo, bão số 4 dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa. Từ đêm 15/8 đến ngày 17/8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to.
Vì vậy, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đối với các tỉnh miền núi phía Bắc và ngập lụt tại vùng trũng thấp ở đồng bằng.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 4. (Ảnh: Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia).
Lý giải thêm về hướng di chuyển "dị thường" của cơn bão số 4, theo ông Hải có rất nhiều lý do khi hầu hết các cơn bão hình thành trong dải hội tụ nhiệt đới.
"Cơn bão số 4 lần này chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh.
Ngoài ra, cơn bão trước đó đổ bộ, hây ảnh hưởng đến Thượng Hải (Trung Quốc) chính là một phần nguyên nhân gây ra hướng bất thường cho cơn bão số 4", ông Hải nói thêm.
Ông nêu ra hai tình huống có thể xảy ra đối với cơn bão số 4 khi, có thể tan, chuyển thành áp thấp nhiệt đới khi di chuyển vào vịnh Bắc Bộ hoặc tan khi bão di chuyển vào đất liền.
Tuy nhiên, với tình huống nào cũng cần theo dõi hết sức chặt chẽ.
Lãnh đạo Tổng Cục Khí tượng thủy văn nhận định, với dự báo cơn bão mang một lượng mưa rất lớn nên khả vùng đô thị sẽ ngập lụt.
Tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, mực nước sông Bùi có thể dâng lên nhưng đợt ngập lụt này không kéo dài như trước và chỉ diễn ra 2 - 3 ngày.
"Do mưa nhiều, các địa hình, địa chất, địa mạo thay đổi so với trước đây nên tình trạng sạt lở đất ở các tỉnh miền núi rất dễ xảy ra.
Một số khu vực sẽ phải khoanh vùng cảnh báo chi tiết đến cấp xã, đặc biệt ở các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở", ông Hải cho hay.