Bệnh nhân Covid-19 nặng đang được lọc máu
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến thời điểm đầu giờ chiều ngày 17/3, Việt Nam đã ghi nhận 61 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó 16 bệnh nhân đã được chữa khỏi hoàn toàn.
45 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế có 27 bệnh nhân người Việt Nam, 18 bệnh nhân là người nước ngoài. Đa số bệnh nhân có tình trạng sức khỏe ổn định, chức năng sống được kiểm soát.
Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân nữ người Việt (64 tuổi có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình) vẫn đang thở máy, lọc máu duy trì được các chỉ số sinh tồn ổn, bệnh nhân tỉnh, dừng an thần.
Bệnh nhân nam người Anh (69 tuổi có bệnh lý nền là đái tháo đường type 2, tăng huyết áp), vẫn đang thở máy, nhịp tim đều, tình trạng suy hô hấp tăng, hiện đang dùng các kỹ thuật huy động phổi, tạm thời chưa phải dùng ECMO.
Lọc máu giúp bệnh nhân thêm cơ hội sống
GS Nguyễn Gia Bình "cha đẻ" của công trình kỹ thuật lọc máu hiện đại được áp dụng vào điều trị cho bệnh nhân Covid-19 hiện nay chia sẻ việc lọc máu cho các bệnh nhân sẽ giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị.
GS Nguyễn Gia Bình chia sẻ về kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu.
Chia sẻ về văn bản điều trị bệnh nhân Covid- 19 nặng từ Trung Quốc trong đó họ cũng sử dụng lọc máu hấp phụ các chất cytokine có hại ở bệnh nhân, GS Bình cho biết kỹ thuật này đã được áp dụng ở Bệnh viện Bạch Mai từ những năm 2005.
Khi đó đang có dịch cúm A/H5N1, độc lực của virus cúm A/H5N1 rất mạnh, có thể gây tổn thương phổi nặng nề, làm mất khả năng trao đổi ôxy. Người bệnh sẽ tử vong do thiếu ôxy nặng kéo dài, suy đa cơ quan. Lúc đó, tỷ lệ tử vong vì nguyên nhân này trên thế giới là 70-80%, chưa có biện pháp đặc trị.
Nhóm nghiên cứu đặt giả thiết: Liệu việc lọc máu hấp phụ các chất cytokine có hại - gây phản ứng viêm quá mạnh ở phổi và các cơ quan khác - có thể làm giảm độ nặng và tăng cơ hội sống cho người bệnh hay không?
Khi GS Bình và cộng sự đã tiến hành lọc máu cho một bệnh nhân nam nhiễm cúm A/H5N1 rất nặng và đã thành công.
Mới đây, kỹ thuật lọc máu hiện đại của GS Bình cũng được đưa và phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở máy.
Việc lọc máu trong cấp cứu được áp dụng ngày càng rộng rãi hơn. Đặc biệt đối với bệnh nhân suy đa tạng, nhược cơ, lupus ban đỏ, nhiễm khuẩn huyết, cúm… đều có thể lọc máu. Đây là cách thải bớt chất độc trong máu ra. Trong giai đoạn này, lọc máu như cách "cầm cự" để tìm nguyên nhân hay tìm ra phác đồ điều trị mới cho bệnh nhân.
Theo GS. TS Nguyễn Gia Bình, trước đây, nếu như các bệnh nhân nhiễm trùng nặng tỷ lệ tử vong là 95% thì nay đã giảm được khoảng 1/3. Ví dụ, như bệnh nhân viêm tụy cấp chắc chắn tử vong thì hiện tại tỷ lệ cứu sống rất cao nhờ kỹ thuật lọc máu hiện đại.
Dựa trên các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, GS.TS. Nguyễn Gia Bình đã sáng tạo và đưa ra quy trình điều trị bệnh nhân nhiễm cúm nặng (cúm A H5N1, H1N1, H7N9….) được Bộ Y tế thông qua.
Hiện kỹ thuật lọc máu hiện đại còn được mở rộng trong cấp cứu các bệnh dịch nguy hiểm như sốt xuất huyết nặng biến chứng suy đa tạng, sởi có biến chứng suy hô hấp nặng, chân tay miệng, Ebola… Nhiều sản phụ mắc bệnh lý sản khoa nặng như hội chứng HELLP, suy gan cấp ở phụ nữ có thai, viêm tụy cấp nặng do tăng Triglyceride… cũng được cứu sống.
GS Bình cho biết kỹ thuật này đã được triển khai ở Bệnh viện Bạch Mai và rất nhiều bệnh viện khác, thậm chí các bệnh viện tỉnh cũng đã áp dụng được biện pháp lọc máu hiện đại này.