Chuyên gia ngoại giao: "Bỏ giới hạn nhiệm kỳ là cái giỏi của ông Tập Cận Bình"

Nguyễn Tiến |

Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường nhận định về đề xuất bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Trung Quốc được Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản nước này đưa ra ngày 25/2.

Ngày 25/2, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 đề xuất bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ liên tiếp đối với chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch Trung Quốc trong hiến pháp. Nếu đề xuất này được thông qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có thể tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc sau năm 2023.

Nói với VTC News, Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế cho rằng: “Đây là bước củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình, bởi ở Trung Quốc bất cứ lãnh đạo nào cũng mong muốn được làm suốt đời như ông Mao Trạch Đông.

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thảo luận xong và đi đến kết luận, ý tưởng này sẽ được đưa ra lấy ý kiến ở Quốc hội Trung Quốc, nhưng có vẻ như ý tưởng này sẽ được thông qua. Cho nên về bản chất, đây là việc tạo ra lãnh đạo suốt đời”.

Chuyên gia ngoại giao: Bỏ giới hạn nhiệm kỳ là cái giỏi của ông Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AP)

Theo đại sứ, việc này phụ thuộc vào tương quan của từng thời kỳ, nhưng nhiều khả năng ông Tập Cận Bình sẽ làm công tác tổ chức nhân sự để có được đa số ủng hộ từ Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó có Bộ Chính trị và Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc; trước hết là Ban thường vụ Bộ Chính trị. Tuy nhiên lần này 7 ủy viên đều đã được ông Tập Cận Bình nắm gần hết.

“Trong thời gian sắp tới, ủy viên nào quá tuổi sẽ được thay thế bởi những người được ông Tập Cận Bình chấp thuận. Phải nhận định rằng ông Tập Cận Bình là con người có dụng tâm, tráng trí và có đầu óc tổ chức rất tốt. Tất nhiên, đây là công việc nội bộ của Trung Quốc, không người này làm thì sẽ có người khác làm”, Đại sứ Trần Ngọc Trường nhận định.

Theo ông, giới trí thức Trung Quốc thì lại vẫn đánh giá cao mô hình hiện nay ở Việt Nam, đó là 2 nhiệm kỳ bởi mô hình này có tính dân chủ cao hơn. Tuy nhiên, ở Trung Quốc nếu ông Tập Cận Bình làm được như ông Mao Trạch Đông thì đây là cái giỏi của ông Tập Cận Bình.

Kết quả thế nào thì cần phải theo dõi, tuy nhiên có thể nhận định sơ bộ điều này có tính hai mặt. Sự thay đổi sẽ mang lại đổi mới và dân chủ, còn việc kéo dài thì bên cạnh sự ổn định thì lại gây ra sự trì trệ nhất định.

Giống như Bầu cử Tổng thống ở Nga, ông Putin làm đến nhiệm kỳ thứ 4 (tính cả lúc trước khi đắc cử chính thức) thì nước Nga có sự trì trệ, không có những cải cách lớn.Tại Trung Quốc, từ nhiệm kỳ này ông Tập Cận Bình sẽ thực hiện cải cách theo hướng giữ được sự ổn định.

Tất cả lãnh đạo trên thế giới không riêng gì Nga hay Trung Quốc, nếu kéo dài được nhiệm kỳ suốt đời thì họ đều kéo dài, nhưng liệu có kéo dài được hay không thì phụ thuộc vào xu thế tổ chức sắp xếp và tương quan lực lượng.

“Ông Tập Cận Bình là lãnh đạo giỏi nên ông có thể duy trì được sự lãnh đạo, tất nhiên còn phụ thuộc vào tương quan lực lượng sau này, nhưng trước mắt ông Tập Cận Bình làm được điều này đã là giỏi rồi”, Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại