Chuyên gia nghi ngờ khả năng chế tạo tàu đổ bộ trực thăng mới của Nga

Ly Vy |

Trong năm tới, Nga dự định bắt đầu phát triển mẫu tàu đổ bộ trực thăng (LHD) tấn công mới (hay còn gọi là tàu đổ bộ đa năng - ULS tại Nga) được trang bị động cơ turbine diesel-gas.

Trong bài viết trên tờ Free Press, chuyên gia Sergei Ischenko cho biết, theo kế hoạch thì hai năm sau đó, tức là vào năm 2020, chiếc tàu đầu tiên thuộc lớp này sẽ được đặt đóng tại 1 nhà máy đóng tàu trong nước (hiện vẫn chưa xác định). Con tàu được chuyển giao cho Hải quân Nga vào năm 2024. Tiếp đó, đến năm 2026, chiếc tàu thứ 2 cũng sẽ được bàn giao.

Các mẫu trực thăng Ka-52K (phiên bản hải quân của dòng trực thăng vũ trang Ka-52), trực thăng chống ngầm Ka-27, trực thăng vận tải, vũ trang Ka-29 và trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 sẽ hình thành nên sức mạnh của con tàu.

Chuyên gia nghi ngờ khả năng chế tạo tàu đổ bộ trực thăng mới của Nga - Ảnh 1.

Mô hình tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Priboy của Nga.

Trao đổi với hãng thông tấn TASS, một nguồn tin từ ngành công nghiệp đóng tàu cho biết thêm rằng kế hoạch chế tạo các tàu đổ bộ mang trực thăng này đã được đưa vào dự thảo chương trình mua sắm quốc phòng liên bang giai đoạn 2018 - 2025.

Cuộc chiến tại Syria cho thấy Hải quân Nga rất cần tới các tàu ULS với khả năng lớn như vậy. Xét theo cấu hình nhóm máy bay mang theo, mẫu ULS mới của Nga sẽ có khả năng lớn hơn tàu đổ bộ mang trực thăng (LHD) lớp Mistral của Pháp.

Những con tàu này có thể triển khai binh lính lên bờ bằng các xuồng đổ bộ hoặc đóng vai trò như một bệnh viện nổi hay tàu chỉ huy.

Dựa theo bài báo đăng trên TASS thì khả năng của con tàu này còn được mở rộng hơn. Hải quân Nga sẽ nhận được một con tàu không những có khả năng triển khai các nhóm đổ bộ và hỗ trợ hỏa lực từ trên không mà còn có khả năng tấn công các tàu đối phương nhờ trực thăng Ka-52K, tìm và tiêu diệt tàu ngầm hiệu quả nhờ các trực thăng Ka-27.

Với một kỳ hạm như vậy, nhóm tác chiến hải quân của Nga ở vùng biển Địa Trung Hải sẽ cảm thấy tự tin hơn.

Tuy nhiên, theo ông Ischenko, vẫn có một số cơ sở để nghi ngờ kế hoạch này. Chẳng hạn, chỉ vài ngày trước, khi đề cập tới tàu ULS, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yury Borisov đã cho biết quá trình thi công tàu sẽ mất khoảng 4 năm. Ông Borisov thậm chí còn nói về thời hạn giao tàu cho Hải quân Nga là "vào một thời điểm nào đó trong năm 2020".

Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, thời hạn bàn giao chiếc ULS đầu tiên cho Hải quân Nga đã xê dịch đến 2 năm.

Chuyên gia nghi ngờ khả năng chế tạo tàu đổ bộ trực thăng mới của Nga - Ảnh 2.

Tàu đổ bộ lớp Mistral từng được dự định đóng cho Hải quân Nga.

Liệu rằng ngành công nghiệp quốc phòng Nga có sẵn sàng để thực hiện một dự án lớn như vậy? 

Theo ông Ischenko, thương vụ tàu đổ bộ Mistral đã mang lại sự lạc quan cho giới quân sự và đóng tàu Nga. Vào năm 2011, Tập đoàn Rosoboronexport (Nga) và DSNS (Pháp) đã ký hợp đồng đóng 2 tàu lớp Mistral cho Hải quân Nga mang tên Sevastopol và Vladivostok tại nhà máy đóng tàu ở Saint-Nazaire.

Tổng giá trị hợp đồng là 1,2 tỷ euro. Trong số đó, Paris đã nhận được 840 triệu euro tiền đặt cọc. Theo điều khoản hợp đồng, phần đuôi của 2 khung thân tàu được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Baltic ở St. Petersburg.

Tại Nga lúc đó chưa có nhà máy nào tham gia đóng tàu chiến với lượng giãn nước lớn như vậy kể từ thời Liên Xô, do đó, việc nhận chuyển giao một số công nghệ nhất định từ phía Pháp đã thu hút được sự quan tâm lớn. Hơn nữa, tỷ lệ tham gia của phía Nga trong quá trình đóng khung thân tàu thứ 2 đã lên đến 40%.

Dự án Priboy phát triển tại Viện thiết kế Nevsky có khả năng sẽ là cơ sở cho các tàu ULS tương lai của Nga. Mô hình tàu này đã được trưng bày tại Diễn đàn quân sự Army 2015, có lượng giãn nước khoảng 14.000 tấn (so với 21.000 tấn của tàu lớp Mistral).

Mặc dù có lượng giãn nước nhỏ hơn nhưng tàu Priboy có khả năng mang theo số lượng lính đổ bộ tương đương (500 lính thủy đánh bộ). Con số này đạt được nhờ cắt giảm đáng kể nhóm tác chiến đường không - mô hình tàu Priboy chỉ có khả năng tiếp nhận 8 trực thăng so với 16 chiếc ở tàu Mistral.

Chuyên gia nghi ngờ khả năng chế tạo tàu đổ bộ trực thăng mới của Nga - Ảnh 3.

Dự án tàu đổ bộ đa năng Lavina.

Viện thiết kế Nevsky cũng đã chuẩn bị mẫu tàu thứ 2, đó là tàu đổ bộ đa năng Lavina. Con tàu này mang tính sáng tạo ở mọi khía cạnh và độc đáo ngay cả trong thiết kế. Lượng giãn nước của nó lớn hơn tàu Priboy hơn 1,7 lần (khoảng 24.000 tấn). Số lượng binh lính chở theo thì tương đương nhưng số trực thăng đã tăng lên gấp đôi - 16 chiếc.

Dù là mẫu tàu nào thì với Hải quân Nga, thời gian thi công mới là điều quan trọng hơn cả. Ông Borisov khẳng định rằng, 4 năm đủ để đóng 1 tàu.

Nhà máy đóng tàu của Pháp ở Saint-Nazaire là nơi đã có nhiều năm kinh nghiệm chế tạo các tàu đa năng như vậy nên mất tối thiểu khoảng 12 tháng cho mỗi tàu. Cần lưu ý rằng họ đã có công nghệ và dây chuyền chế tạo hoàn chỉnh, cũng như các chuyên gia giàu kinh nghiệm.

Vì thế, chuyên gia Sergei Ischenko tỏ ra nghi ngờ mức độ sẵn sàng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga trong việc đóng các tàu đa năng cỡ lớn với tốc độ tương tự như ở Saint-Nazaire.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại