"Giấy khai sinh" của những chiếc F-16 đầu tiên đến Ukraine?
Từ những thông tin tôi (Dmitry Verkhoturov) hiện có, có thể tạm xác định rằng Đan Mạch sẽ là những người đầu tiên chuyển F-16 đến Ukraine và thời điểm là vào mùa hè năm 2024, dù Hà Lan cũng đã hứa hẹn khá nhiều.
Xung quanh câu chuyện các nước NATO chuyển giao F-16 cho Không quân Ukraine, đã có nhiều thứ được thảo luận bao gồm vấn đề đào tạo phi công, vấn đề bảo trì và cung cấp đạn dược... nhưng vẫn còn một vấn đề chưa được đào sâu.
Và đó là về việc chính những chiếc F-16 người Ukraine sắp sở hữu đã là những "ông lão".
Video được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đăng tải lên kênh X/Twitter chính thức hôm 23/2 cho thấy phi công nước này được huấn luyện trên F-16 Đan Mạch.
Như phần mở đầu của các câu chuyện cổ tích - ngày xửa ngày xưa - Không quân Đan Mạch đã mua 77 chiếc F-16. Và hàng hóa được giao lần đầu vào tháng 1/1980 và lần 2 vào tháng 8/1984. Sau đó có thêm 2 lần giao hàng nữa vào năm 1994 và 1997.
Trải qua nhiều đợt hiện đại hóa, những chiếc F-16 này đã đạt chuẩn Block 20 MLU.
Tuy nhiên vấn đề là những phi đội F-16 chính của Đan Mạch được sản xuất vào năm 1978 và 1980 (theo số liệu từ trang f-16.net) và những chiếc được bàn giao lần đầu đã bị phân rã để lấy linh kiện hoặc được đưa đến bảo tàng.
Cụ thể trong số 38 chiếc được sản xuất năm 1978 thì 10 chiếc đã bị rã, 10 chiếc đang niêm cất và chỉ có 3 chiếc đang bay.
Hầu hết F-16 được sản xuất năm 1980 - 21 chiếc vẫn đang bay. Duy nhất một chiếc có số hiệu ET-626 đã bị rã vào tháng 3/2021 sau khi bay 4.400 giờ và được đưa vào niêm cất từ năm 2003.
Phần còn lại của F-16 Đan Mạch ược sản xuất vào các năm 1983, 1986 và 1987 và chiếc sản xuất gần nhất vào đầu năm 1988, được bàn giao vào tháng 10/1989 và được cho là đang bay với số hiệu E-018.
Như vậy, F-16 của Đan Mạch là đã có tuổi đời từ 36 đến 46 và chúng đang tiến gần tới những giờ bay cuối cùng.
Kế hoạch "rã xác" của người Đan Mạch
Những chiếc F-16 được người Đan Mạch lên kế hoạch kéo dài hoạt động cho đến năm 2020-2025, khi chúng được thay thế bằng F-35.
Vào năm 2021, họ đã đồng ý bán 12 chiếc cho Công ty Draken International (một công ty cung cấp dịch vụ huấn luyện cho Không quân Mỹ), kèm theo quyền mở rộng hợp đồng cho 28 chiếc khác.
Thực chất khi về tay công ty Mỹ này, chúng sẽ không tiếp tục bay mà sẽ bị rã ra để tái sử dụng linh kiện trên những chiếc F-16 khác.
Những chiếc F-35A đầu tiên trong đơn hàng 27 chiếc được ký năm 2016 đã được bàn giao cho Không quân Đan Mạch vào năm 2022. Cụ thể 4 chiếc đã được chuyển giao cho Phi đội 727. và 6 chiếc khác ở Căn cứ Không quân Luke ở Arizona (Mỹ) để huấn luyện phi công.
Nhưng chỉ đến tháng 9/2023, chiếc tiêm kích tàng hình đầu tiên mới thực sự được đưa vào trang bị.
Được biết Draken International đã thảo luận với Không quân Đan Mạch về việc mua thêm 6 chiếc F-16 từ Không quân Đan Mạch, thời hạn giao hàng là vào năm 2024. Nhưng thỏa thuận đã đổ bể vào tháng 6/2023.
Và sau đó có tin F-16 Đan Mạch sẽ đến Ukraine như thứ giúp giành ưu thế trên không.
Thuyết âm mưu?
Trong toàn bộ câu chuyện về F-16 Đan Mạch sắp được chuyển giao cho Ukraine, điều đáng kinh ngạc là những khí tài bay được sản xuất cách đây 30-40 năm đang được tuyên truyền rằng có thể "xoay chuyển tình thế" trên không.
Và điều đáng kinh ngạc hơn là vẫn có những người thực sự tin vào điều này.
Sau khi xem xét các tình tiết, tôi có thể đưa ra một giả thuyết về quyết định này của người Đan Mạch. Đó là sau 7 năm chờ đợi họ mới chỉ nhận được chưa đến phân nửa đơn hàng F-35 và đã rã xác một số lượng nhất định F-16.
Không những vậy, họ chỉ có toàn quyền sử dụng 4/10 chiếc F-35 được chuyển giao, những chiếc còn lại vẫn nằm trên tay người Mỹ. Và kết quả là những giờ bay đắt đỏ của F-35 Đan Mạch vẫn đang trôi qua trên đất Mỹ.
Có vẻ như trong tình huống tiến thoái lưỡng nan này, ý tưởng chuyển F-16 cho Ukraine đã nảy sinh. Mục tiêu cuối cùng của nó có thể là gây áp lực lên người Mỹ.
Người Đan Mạch có thể đang muốn nói rằng "chúng tôi đang ở rất gần với xung đột, những tiêm kích cuối cùng của chúng tôi đang được trao cho người Ukraine, người Nga đang tiến lên".
Tóm lại thứ họ muốn là những chiếc F-35 đang ở Mỹ và để đạt mục tiêu này, họ chấp nhận hy sinh lợi nhuận từ việc bán một số máy bay cũ.
Tuy nhiên tôi cũng đang nghĩ rằng người Mỹ sẽ không mấy ấn tượng với lời kêu gọi nói trên, vì chính bản thân họ vẫn đang điều khiển những "ông lão" F-16 và F-15 trong lúc chờ đợi F-35.