Chuyên gia Nga tiết lộ giả thiết chấn động về bom nhiệt hạch Triều Tiên

Nguyễn Tiến |

Mặc dù Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm bom nhiệt hạch có khả năng tích hợp vào tên lửa đạn đạo, song chuyên gia Alexander Uvarov cho rằng Bình Nhưỡng có thể chỉ thử một quả bom thông thường với thiết bị “tăng cường” độ công phá.

Ngày 3/9, các cơ quan truyền thông nhà nước Triều Tiên tuyên bố nước này đã thử thành công một quả bom nhiệt hạch với sức công phá 50 kiloton, tương đương với sức công phá của 50.000 tấn thuốc nổ TNT.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản sau đó cho rằng sức công phá của quả bom này có thể lên đến 70 kiloton theo một số tính toán sơ bộ.

Cũng theo các cơ quan truyền thông của Triều Tiên, quả bom nước này vừa thử nghiệm có khả năng tích hợp vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nhất mà nước này tự phát triển.

Tuy nhiên, Tổng biên tập Alexander Uvarov của trang AtomInfo.ru, trang tin tức về lĩnh vực hạt nhân nguyên tử của Nga, lại cho rằng Triều Tiên chưa chắc đã thử bom nhiệt hạch.

Chuyên gia Nga tiết lộ giả thiết chấn động về bom nhiệt hạch Triều Tiên - Ảnh 1.

Tin về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên ngày 3/9 trên màn hình lớn tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Trả lời Sputnik, ông Uvarov cho rằng dựa trên sức công phá của vụ nổ chỉ khoảng vài chục kiloton, thì quả bom Triều Tiên vừa thử nghiệm không hẳn là bom nhiệt hạch theo đúng khái niệm hiện nay đang được sử dụng. Theo ông Uvarov, đây là một dạng thiết bị “được tăng cường”, tức một quả bom nguyên tử sử dụng một số đồng vị hydro để tăng cường sức công phá.

“Đây là một nguyên lý vật lý đã được xây dựng từ lâu, vào khoảng cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950 và là một trong những giai đoạn của các chương trình phát triển công nghệ nhiệt hạch của Liên Xô và Mỹ”, ông giải thích.

Chuyên gia Nga tiết lộ giả thiết chấn động về bom nhiệt hạch Triều Tiên - Ảnh 2.

Ảnh vệ tinh khu vực bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên ngày 27/8/2017. (Ảnh: Airbus Defence & Space)

Một thiết bị tăng cường phân rã sử dụng một lượng nhỏ đồng vị tritium và deuterium của nguyên tố hydro để tạo ra một phản ứng nhiệt hạch quy mô nhỏ nhằm khởi động quá trình phản ứng phân rã hạt nhân.

Các hạt neutron được giải phóng trong phản ứng nhiệt hạch sẽ kích hoạt phản ứng phân hạch xảy ra. Về bản chất, thiết bị tăng cường này không tạo ra năng lượng đáng kể, nhưng tạo ra một lượng lớn hạt neutron và làm đấy nhanh tốc độ phân hạch khiến cho sức công phá của quả bom tăng lên đáng kể.

Còn đối với bom nhiệt hạch, hoặc vũ khí nhiệt hạch, một quả bom nguyên tử bình thường với phản ứng phân rã sẽ đóng vai trò là ngòi nổ và được gọi là giai đoạn 1.

Nhiệt lượng, áp lực và lượng tia x, tia gammay khổng lồ mà quả bom này tạo ra sẽ kích hoạt phản ứng nhiệt hạch, tức là giai đoạn thứ 2. Nguyên liệu cho giai đoạn thứ 2 này gồm hai đồng vị hydro là deuterium và tritium, công suất của giai đoạn 2 này lớn hơn rất nhiều lần so với giai đoạn 1.

Quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima có sức công phá khoảng 13-18 kiloton, trong khi đó quả bom nhiệt hạch đầu tiên có tên “Ivy Mike” được Mỹ thử năm 1952 có sức công phá lên đến 10,4 megaton, gấp gần 700 lần sức mạnh của quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại