Theo Giáo sư Vladimir Kolotov, chiến thắng ngày 30/4/1975 của nhân dân Việt Nam là một chiến thắng lịch sử với đầy đủ ý nghĩa của từ này, bởi vì đó là một cuộc đấu tranh kéo dài vì tự do và thống nhất đất nước trước đối thủ rất mạnh. Việt Nam không chỉ giành chiến thắng, thống nhất đất nước mà sau đó bắt tay xây dựng đất nước, hội nhập thành công và đạt được uy tín cao trên trường quốc tế.
Giáo sư Kolotov nhấn mạnh Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại của một quốc gia độc lập, có chủ quyền và là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ông đánh giá uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao, đề cập đến việc Việt Nam vừa là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau khi được bầu vào cơ quan này năm ngoái với sự ủng hộ của tuyệt đại đa số các nước thành viên Liên hợp quốc.
Nhà sử học Nga nhận định những thành công ngày nay của Việt Nam có vai trò quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông điểm lại dấu mốc lịch sử năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, lãnh đạo tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và sau đó, đã giành nhiều chiến thắng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự thống nhất đất nước.
Giáo sư Kolotov khẳng định: “Vào thời điểm khó khăn, Đảng đã động viên cả nước đồng lòng, đoàn kết cho sự nghiệp chung là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là một chiến thắng cực kỳ quan trọng, mang ý nghĩa địa-chính trị đối với cả khu vực và thế giới”.
Ông cho rằng, sau 45 năm giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, các giá trị thời sự của chiến thắng này đang được thể hiện và phát huy trên mọi mặt đời sống của Việt Nam.
Ông Kolotov nêu rõ sự kiện thống nhất đất nước đã tạo tiền đề và nền tảng chắc chắn cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam dù nền kinh tế, đời sống xã hội gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn kháng chiến, cũng như gánh chịu lệnh cấm vận kinh tế toàn diện, kéo dài đến năm 1995. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ông cho rằng Việt Nam đã triển khai chính sách đối nội và đối ngoại khéo léo, đã khiến Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận và khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam.
Giáo sư Nga đánh giá thành công quan trọng của ngoại giao Việt Nam là dù chịu nhiều áp lực, Việt Nam không từ bỏ lợi ích của mình, tích cực và chủ động đi theo con đường hội nhập quốc tế, khiến chính sách trừng phạt đơn phương không hiệu quả. Theo ông, đường lối của Việt Nam phù hợp với nguyên tắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói đến "Dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Chuyên gia Nga cũng nêu bật Việt Nam tiến hành chương trình cải cách kinh tế với tên gọi "Đổi mới" đạt được thành công rất quan trọng. Cách tiếp cận về cải cách của Việt Nam ít gây sốc cho nền kinh tế và tỏ ra hiệu quả hơn, cho phép nhanh chóng nâng cao mức sống của người dân và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Trong thập niên qua, tốc độ phát triển trung bình của nền kinh tế Việt Nam tăng khoảng 7%/năm.
Theo chuyên gia Kolotov, ngày nay, Việt Nam được các nhà kinh tế thế giới coi là "một con rồng châu Á tiềm năng". Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, trong khi vẫn duy trì các ưu tiên chính sách của mình.