Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Chính sách Thông tin thuộc Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện), ông Alexei Pushkov đăng tải bài viết trên Twitter nói về nguyên nhân Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF.
Trước đó, đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí, ông Marshall Billingslea cho hay, Mỹ không thấy có các phương án phù hợp để kiểm soát việc triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu, loại vũ khí trước đây bị Hiệp ước INF cấm.
Chủ tịch Ủy ban Chính sách Thông tin Thượng viện Nga Pushkov nhận định, kết quả như vậy có thể dự đoán được, bởi vì đó chính là lý do tại sao Washington rút khỏi hiệp ước INF. Tuy nhiên, vì điều này, ông Pushkov tin rằng các nước châu Âu có nguy cơ trở thành “con tin của Mỹ”.
“Điều này đã được dự đoán, đó là lý do tại sao Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF. Người châu Âu đã đồng tình với Mỹ và giờ đây có nguy cơ trở thành con tin của họ một lần nữa, như trong cuộc khủng hoảng tên lửa vào thập niên 1980”, ông Pushkov nói.
Vào năm 2019, Washington đã cáo buộc Moscow phát triển một loại tên lửa mới có tên “Novator 9M729” và cho rằng điều này đã vi phạm hiệp ước. Tuyên bố này cũng nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo NATO, siêu tên lửa này có tầm hoạt động khoảng 1.500 km, trong khi phía Moscow khẳng định tên lửa này chỉ có thể di chuyển xa 480 km.
Về phía Nga, Moscow tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729”, đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Theo Moscow, Washington dựng cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3)
Hiêp ước INF được ký kết ngày 8/12/1987 bởi các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô là Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Mới đây, Trung tướng Thomas Bussiere - Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ (USSTRATCOM) chia sẻ với báo giới rằng, tại cuộc đàm phán ở Vienna các chuyên gia quân sự Mỹ đã thảo luận với các đồng nghiệp Nga về học thuyết ngăn chặn hạt nhân mới của Liên bang Nga.
“Chúng tôi có cơ hội trao đổi ngắn gọn với Bộ Tổng tham mưu Nga những câu hỏi và băn khoăn của chúng tôi, tìm hiểu rõ những khía cạnh của học thuyết này, bản học thuyết mới được công bố vào ngày 2/6”, ông Bussiere nói.
Theo ông Bussiere, phía Mỹ cũng có ý muốn thảo luận không chỉ riêng về tầm quan trọng của học thuyết để tránh những diễn giải không chính xác, mà còn thảo luận về vũ khí hạt nhân phi chiến lược, loại vũ khí mà hiệp ước START-3 không quy định.
“Chúng tôi cũng nhất trí rằng đó sẽ là một cơ hội tuyệt vời để Mỹ và Nga hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về ý nghĩa của học thuyết và cách các vũ khí hạt nhân chiến lược phù hợp với học thuyết đó”, ông Bussiere cho biết.