Chuyên gia Nga đề xuất giải pháp đối phó việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước hạt nhân INF

Tâm Khanh |

Tiến sĩ quân sự Konstantin Sivkov, một trong những chuyên gia tên lửa hàng đầu của Nga, đã nêu giải pháp để ứng phó lại việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).


Nước Nga đương đại không thể cạnh tranh với Mỹ trong cuộc đua về số lượng đầu đạn hạt nhân, song có thể đưa ra ứng phó tương xứng, Tiến sĩ quân sự Konstantin Sivkov, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách thông tin của Học viện tên lửa - pháo binh Nga (RARAN) viết trong bài đăng tải trên ấn phẩm “Người đưa tin công nghiệp quân sự”.

Chuyên gia này cho rằng việc cắt giảm kho vũ khí của Nga và Mỹ hầu như loại bỏ khả năng xảy ra mùa đông hạt nhân, song sự trở lại của chiến tranh hạt nhân là nguy cơ “có thực”. Theo ông Sivkov, giải pháp cho vấn đề là các công nghệ chế tạo đầu đạn hạt nhân kích thước lớn (sức công phá hơn 100 triệu tấn (megaton) TNT tương đương), mà hiện chỉ Nga sở hữu.

Tác giả bài viết lưu ý rằng "từ năm 1961, chúng tôi (Nga) đã chế tạo sản phẩm tương đương 58 megaton, khá phù hợp để sử dụng trong chiến tranh", cũng như thực tế là "những cú đòn như vậy đảm bảo việc phá hủy Mỹ”.

Ngày 21/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo nước này sẽ rút khỏi Hiệp ước INF.

Trước đó vài ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại rằng trong học thuyết quân sự của nước này không có một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu, vì thế Moskva không thể là người khởi xướng một “thảm họa toàn cầu” sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hồi tháng Hai, ông Sivkov đã đề xuất việc chế tạo tên lửa siêu nhiệt hạch chống tiểu hành tinh có giá 210 tỷ USD. Tháng 11/2017, vị Tiến sĩ này tuyên bố rằng Nga, đáp lại việc Mỹ rút khỏi INF, có thể triển khai các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân độc đáo và chế tạo ra những đầu đạn siêu mạnh.

Tuyên bố của chủ nhân Nhà Trắng đã khiến dư luận quan ngại sâu sắc. Ngày 23/10, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, ông Farhan Haq cho biết Tổng Thư ký Guterres kêu gọi Mỹ và Nga giải quyết những bất đồng liên quan đến INF.

Phát biểu với báo giới, ông Haq nhấn mạnh: "Tổng thư ký Guterres đã nắm bắt được những bình luận của Mỹ liên quan đến hiệp ước INF. Ông hy vọng hai nước sẽ tiếp xúc với nhau để giải quyết những bất đồng".

Nhiều nước trên thế giới cũng bảy tỏ quan ngại về ý định này. Trong một tuyên bố, Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông Macron hôm 21/10 đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ Donald Trump để nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước INF.

Tuyên bố cho biết: "Tổng thống Macron đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp ước này, đặc biệt liên quan tới an ninh châu Âu và sự ổn định chiến lược của chúng ta".

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ cân nhắc lại kế hoạch rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh với Nga.

Phát biểu họp báo, ông Suga nói: "Việc Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài rút khỏi Hiệp ước INF là điều không mong muốn, và chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ tránh đưa ra quyết định (rút khỏi INF)".

Đại diện chính phủ Nhật Bản cho biết thêm Tokyo sẽ tìm cách trao đổi quan điểm về vấn đề này với phía Washington.

Về phần mình, Trung Quốc ngày 22/10 cho rằng Mỹ đã sai lầm khi đơn phương rút khỏi hiệp ước INF có từ thời Chiến tranh Lạnh. Đây là hiệp ước mang tính bước ngoặt giúp loại bỏ tên lửa hạt nhân khỏi châu Âu.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay Trung Quốc phản đối động thái trên của Mỹ.

Bất chấp kêu gọi của cộng đồng quốc tế, ngày 23/10, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Mỹ sẽ chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF vào thời điểm thích hợp. Phát biểu họp báo tại thủ đô Moskva sau cuộc thảo luận với Tổng thống Putin, ông Bolton đánh giá hiệp ước INF "đã lỗi thời, bị các nước khác vi phạm và phớt lờ".

Theo ông Bolton, các quốc gia khác vẫn có thể sản xuất tên lửa đạn đạo tầm trung, cũng như tên lửa hành trình, trong khi Mỹ bị trói buộc bởi hiệp ước này. Ông nhấn mạnh các nỗ lực trước đó nhằm mở rộng hiệp ước với sự tham gia của các nước khác đã không thành công.

Đối với quan ngại việc Mỹ rút khỏi INF sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang, ông Bolton cho rằng vấn đề này đang bị trầm trọng hóa. Ông cũng nêu rõ hiện Mỹ chưa có quyết định cụ thể về việc có triển khai tên lửa ở châu Âu hay không.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ cho biết thêm Washington và Moskva đã thảo luận khả năng soạn thảo một hiệp ước sửa đổi về tên lửa từ năm 2004, nhưng đến nay ý tưởng này vẫn chưa được hiện thực hóa.

INF được ký năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô về việc loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn, đánh dấu hiệp ước đầu tiên giữa Washington và Moskva về giải trừ vũ khí hạt nhân và được xem là một bước tiến lớn giúp “giảm nhiệt” cuộc chạy đua vũ trang.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại