Thất bại của "đảng chiến tranh" ở Ukraine
Đảng "Đầy tớ của Nhân dân" của tân Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky vừa giành chiến thắng áp đảo trước phe dân tộc chủ nghĩa trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật vừa qua.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều lí do khiến mọi người hoài nghi rằng liệu ông Zelensky có thực sự hành động để thúc đẩy công cuộc cải cách và xác lập hòa bình ở Donbass hay không - một nhà phân tích chính trị hàng đầu của Nga chia sẻ với hãng tin RT.
Theo các số liệu được công bố, đảng "Đầy tớ của Nhân dân" đã giành được hơn 42% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi cuối tuần trước, khẳng định chiến thắng trước những đối thủ kì cựu - trong đó bao gồm các đảng phái của một số cựu lãnh đạo Ukraine nổi bật như cựu Tổng thống Petro Poroshenko hay Nữ hoàng Cách mạng Cam, cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko.
Bên cạnh đó, kết quả này cũng đồng nghĩa với việc đảng của ông Zelensky sẽ chiếm đa số trong Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine). Tính từ thời điểm nhậm chức tới nay, quyền lực của ông Zelensky có thể nói là đang bị giới hạn, bởi người tiền nhiệm của ông - cựu Tổng thống Poroshenko - vẫn nắm quyền kiểm soát nhiều nghị sĩ Quốc hội, những người có thể tác động tới quyết định của ông Zelensky về việc cho quan chức trung thành với chính quyền cũ thôi chức.
Tân Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky. Ảnh: AFP.
Nhưng giờ đây tình hình tại Ukraine đã thay đổi. Với kết quả bầu cử Quốc hội nói trên, vị tân Tổng thống đã thâu tóm được quyền lực về tay mình, và mọi người đều hy vọng vào một sự thay đổi rõ rệt ở Ukraine khi bộ máy chính quyền nhà nước được đổi mới.
"Nếu suy rộng ra, thì mọi chính trị gia Ukraine có liên quan tới Euromaidan [phong trào biểu tình năm 2014] đều đã thất bại, và nhiều người trong số đó hiện nay đã bị đẩy ra khỏi chính trường Ukraine" - nhà báo và nhà phân tích chính trị Nga Fedor Lukyanov, Tổng biên tập của tạp chí Russia in Global Affairs, trả lời câu hỏi của RT.
"Kết quả bầu cử [Quốc hội Ukraine] cho thấy 'đảng chiến tranh' đã thất bại hoàn toàn", ông Lukyanov nói.
Theo nhà phân tích này, cựu Tổng thống Poroshenko thường lợi dụng tinh thần dân tộc chủ nghĩa, ủng hộ tiến hành chiến tranh tại các khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine, đồng thời gán mác cho Nga là một "kẻ xâm lược" và "kẻ chiếm đóng".
Tuy nhiên, tinh thần dân tộc chủ nghĩa nói trên đã bắt đầu suy yếu khi ngày càng có nhiều người thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Donbass, và khi nền kinh tế của Ukraine sụp đổ với tỉ lệ lạm phát phi mã và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.
Chính quyền mới liệu có "gan" xử lý chuyện Donbass?
Trong khi đó, mượn hình ảnh một nhà lãnh đạo trung thực, phản đối phe bảo thủ từ nhân vật trong bộ phim truyền hình hài kịch "Đầy tớ của Nhân dân", ông Zelensky từ một "kẻ ngoại đạo" đã trở thành gương mặt sáng giá trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống. Khi vận động tranh cử, ông này đã cam kết sẽ cải thiện cuộc sống của người dân, giải quyết vấn nạn tham nhũng và chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng tại miền Đông.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng đặt ra hiện nay là liệu những nhà kỹ trị thân phương Tây được ông Zelensky mời vào đội ngũ của mình có thể thực hiện được những cam kết nói trên hay không.
"Rất khó dự đoán được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, và với một chiến thắng lớn như vậy, thì đảng [của ông Zelensky] vẫn là một ẩn số", ông Lukyanov nói. Đảng Đầy tớ của Nhân dân không chỉ quy tụ những gương mặt chính trị gia "mới toanh", bao gồm các nhà hoạt động và các chủ doanh nghiệp của Ukraine, mà còn có sự tham gia của rất nhiều người không hề có kinh nghiệm làm chính trị.
Mặc dù vậy, khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh, thì ông Lukyanov vẫn tỏ ra khá lạc quan, vì theo ông thì đội ngũ của mình "hiểu rõ hơn về thực tế, và bớt mộng tưởng hơn chính quyền cũ. Giờ tới phiên ông Zelensky và các thân tín của ông ấy, họ phải chuyển [những cam kết của mình] thành các chính sách thực sự".
Tân Tổng thống Ukraine tới thăm vùng Donetsk ít lâu sau lễ nhậm chức. Ảnh: AFP.
Mặc dù vậy, sự lạc quan về thay đổi cũng khá mong manh nếu xét về xuất thân của những thành viên trong đội ngũ của ông Zelensky, bởi gần 50% trong số đó "đều có ít nhiều liên quan tới một số đế chế kinh doanh" của Ukraine và rất có thể sẽ lợi dụng vị trí của mình để phục vụ lợi ích cá nhân.
Một tảng đá cản đường khác đối với Ukraine là việc nước này ngày càng phụ thuộc hơn vào Mỹ và các nước phương Tây. Khác với cựu chính quyền Barack Obama, Tổng thống Mỹ Donald Trump ít quan tâm hơn tới Ukraine, tuy nhiên việc ủng hộ Kiev vẫn khá quan trọng đối với một phần chính quyền Mỹ, theo ông Lukyanov.
Dù Mỹ ít quan tâm hơn, nhưng cuộc cạnh tranh nước lớn và địa chính trị với Nga vẫn còn đó: "Tôi cho rằng Mỹ không quan tâm nhiều đến tình hình Donbass. Điều họ quan tâm là Ukraine phải duy trì độc lập và không ngả về phía Nga", chuyên gia người Nga phân tích.
Chắc chắn ông Zelensky và đội ngũ của mình hiểu rõ rằng Ukraine hiện nay dựa vào Mỹ rất nhiều, dù là vấn đề tiền bạc hay quốc phòng. "Có lẽ họ sẽ không có động thái nào quá rõ ràng [ở Donbass], cho dù họ muốn như vậy", ông Lukyanov kết luận.