Chuyên gia Nga: 1 hệ thống tên lửa S-400 = 4 hệ thống Patriot PAC-3 của Mỹ

QS |

Chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin cho rằng, hệ thống Patriot PAC-3 của Mỹ thậm chí chưa thể sánh ngang với hệ thống S-300 của Nga, chứ chưa nói đến S-400.

Gần đây, theo phản ánh của truyền thông Ấn Độ, New Delhi đang muốn đẩy nhanh tiến độ chuyển giao các hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga.

Bình luận về thông tin này trên Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin đã lý giải tại sao có nhiều quốc gia muốn mua các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga đến vậy và tại sao các hệ thống của Nga lại vượt trội hơn so với các sản phẩm tương tự của Mỹ.

Ấn Độ muốn nhanh có được S-400

Hôm 21/2, tờ Thời báo Kinh tế (trụ sở tại Mumbai) đưa tin: "Trong tháng tới, Nga và Ấn Độ sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán cuối cùng về việc cung cấp hệ thống phòng không S-400".

Hợp đồng này trị giá 5,8 tỷ USD và nếu được ký kết trong vòng 1 năm thì quá trình chuyển giao có thể sẽ bắt đầu trong giai đoạn 2019-2020.

Để đẩy nhanh thỏa thuận, New Delhi có thể phải bỏ qua điều khoản bù đắp theo chương trình "Make in India", trong đó các công ty nước ngoài (bên cung cấp) phải đầu tư ít nhất 30% giá trị hợp đồng vào lĩnh vực hàng không vũ trụ và quốc phòng Ấn Độ.

Phát biểu trên tờ Thời báo Kinh tế, ông Viktor Kladov - giám đốc chương trình hợp tác quốc tế tại Rostec (công ty nhà nước của Nga phụ trách các thỏa thuận cung cấp S-400) cho hay, điều khoản bù đắp này có thể sẽ làm chậm quá trình chuyển giao, thời gian trì hoãn có thể lên tới 2 năm.

"Như tôi được biết, hiện không có gói bù đắp nào trong chương trình này. Đây là một dự án chiến lược và rất quan trọng đối với cả 2 quốc gia", ông Kladov nói, "nó không nên bị cản trở bởi các điều khoản bù đắp".

Mặc dù vậy, ông Kladov cũng lưu ý rằng, Nga sẽ chiếu theo ý của Ấn Độ nếu New Delhi nhất quyết muốn có một khoản bù đắp.

"Song điều đó có thể sẽ trì hoãn quá trình chuyển giao từ 1 đến 2 năm và đó là lý do tại sao lựa chọn tối ưu nhất chính là không có điều khoản bù đắp" - ông Kladov cho hay.

Đề cập tới các điều khoản chuyển giao của hợp đồng, ông Kladov ước tính quá trình ký kết thỏa thuận sẽ kéo dài 1 năm và quá trình chuyển giao sẽ mất thêm 2 năm nữa.

"Phía Ấn Độ mời chúng tôi đàm phán vào tháng Ba. Vì vậy, nếu chúng tôi bắt đầu các cuộc đàm phán từ tháng sau, sẽ mất 1 năm để chuẩn bị hợp đồng. Tôi thật sự hy vọng thỏa thuận sẽ được ký kết trong năm nay hoặc nửa đầu năm sau" - ông Kladov nói.

Chuyên gia Nga: 1 hệ thống tên lửa S-400 = 4 hệ thống Patriot PAC-3 của Mỹ - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa PAC-3 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được triển khai để đề phòng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hồi năm ngoái.

1 hệ thống S-400 = 4 hệ thống PAC-3

Bình luận về thỏa thuận sắp tới với Ấn Độ, chuyên gia quân sự Viktor Litovkin nhận định: "S-400 thực sự là hệ thống tiên tiến của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Đây là hệ thống hiện đại, công nghệ cao và rất hiệu quả".

"Không quốc gia nào khác trên thế giới có hệ thống như vậy", ông Litovkin nói, "ngay cả người Mỹ, những người luôn quảng cáo vũ khí của họ trên khắp thế giới, thúc ép các nước khác phải mua sản phẩm của mình".

Ông Litovkin nói thêm rằng, hệ thống phòng không hiệu quả nhất của Mỹ hiện nay là Patriot PAC-3 (Patriot Advanced Capability), tuy nhiên, nó thậm chí chưa thể sánh ngang với hệ thống S-300 của Nga, chứ chưa nói đến S-400.

Vị chuyên gia này giải thích rằng, các tên lửa Patriot PAC được thiết kế phóng nghiêng theo hướng mục tiêu ngay từ ban đầu; sau khi tên lửa rời bệ phóng, nếu muốn chuyển hướng thì tương đối khó khăn. Trong khi đó, tên lửa S-400 được phóng theo phương thẳng đứng và sau đó mới chuyển hướng tiếp cận mục tiêu.

Do sự linh hoạt này, ông Litovkin cho rằng, với một khu vực mà thông thường cần tới ít nhất 4 hệ thống PAC-3 của Mỹ bảo vệ thì chỉ cần 1 hệ thống S-400 của Nga là đủ.

Chuyên gia Nga: 1 hệ thống tên lửa S-400 = 4 hệ thống Patriot PAC-3 của Mỹ - Ảnh 2.

Đạn tên lửa Patriot rời bệ phóng.

Ngoài ra, không giống với hệ thống của Mỹ, S-400 có thể bắn hạ bất cứ mục tiêu bay nào, các tên lửa đạo đạo và hành trình, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay tấn công - hầu như mọi vật thể bay đều phải khiếp sợ S-400.

Ông Litovkin cũng lưu ý rằng, Nga hiện mới có kế hoạch cung cấp hệ thống S-400 cho Trung Quốc và Ấn Độ, dù nhiều quốc gia khác cũng đang quan tâm tới hệ thống này.

"Chúng tôi sẽ tiến hành các đợt chuyển giao đầu tiên cho Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ tiến hành cung cấp sau khi đã hoàn tất việc trang bị các hệ thống này cho lực lượng vũ trang Nga, theo chương trình vũ khí nhà nước", ông Litovkin nói, đồng thời nhấn mạnh một lần nữa rằng "chỉ sau đó, chúng tôi mới cung cấp hệ thống S-400 cho Trung Quốc".

Vị chuyên gia cho biết thêm rằng trong số các quốc gia muốn mua hệ thống S-400 của Nga còn có Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria và nhiều quốc gia Trung Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại