Sau khi gần như đã kết thúc chiến dịch quân sự chống Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS) ở Syria, Mỹ vẫn duy trì tại đây khoảng 2.000 binh lính để kiểm soát những mỏ dầu màu mỡ nhất - điều mà Nga, Iran và Chính phủ Syria luôn công khai phản đối.
Thế nhưng, theo nhận định của Tony Badran - chuyên gia về Syria của Quỹ Bảo vệ Dân chủ (FDD) trên Business Insider thì, "thật không may cho các lực lượng Nga, Syria và Iran, họ chẳng thể làm được gì nhiều hơn".
Chỉ một sự hiện diện nhỏ của Mỹ ở thành phố phía Tây Der Ezzor cũng đã như "bàn tay sắt" kiểm soát chặt chẽ các giếng dầu và thậm chí còn đánh bật cuộc tấn công của "hàng trăm lính đánh thuê Nga" và các lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria trong một trận chiến chớp nhoáng nhưng quyết liệt mà phần thắng cuối cùng thuộc về Mỹ.
Nga triển khai tại Syria các hệ thống vũ khí tiên tiến, các lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria cũng được trang bị các thiết bị quân sự mạnh mẽ từ Nga, còn Iran thì có khoảng 70.000 binh lính hiện diện tại đây.
Về lý thuyết, những lực lượng này có thể đánh bại hoặc đẩy lùi quân đội Mỹ cũng như những lực lượng nổi dậy mà Washington ủng hộ, nhưng thực tế theo Tony Badran, đó sẽ là một trận chiến thất bại.
"Họ có khả năng làm tổn thương các binh lính Mỹ. Điều đó là có thể", Tony Badran nói. "Nhưng nếu họ hành động như vậy, họ sẽ bị hủy diệt hoàn toàn".
Mỹ luôn duy trì hỏa lực quân sự mạnh mẽ gần các binh lính, thậm chí khi những lực lượng này triển khai sâu trong sa mạc Syria
Theo Badran, thậm chí nếu Nga muốn một cuộc chiến đấu trực diện với quân đội Mỹ ở Syria, điều Badra và một số chuyên gia khác còn rất ngờ vực, thì các lực lượng liên minh với chính phủ Syria cũng không có nhiều cơ hội.
"Tôi nghĩ vụ tấn công bằng tên lửa hành trình vào tháng 4/2017 và những cuộc tấn công bất ngờ của Israel đã cho thấy vị trí đóng quân và các hệ thống vũ khí của Nga khá dễ bị tổn thương", Badran nhận xét.
Khi đó, mặc dù Nga đã bố trí tại Syria các hệ thống phòng không tân tiến để bảo vệ các căn cứ cũng như trang thiết bị của mình nhưng vẫn không ngăn cản được chính quyền Donald Trump quyết định trừng phạt Syria bằng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk.
Nga chỉ có vài chục máy bay ở Syria, đa phần thích hợp cho các nhiệm vụ tấn công mặt đất, còn chỉ sở hữu vài chiếc tiêm kích gọi là có thể chiếm ưu thế trên không. Trong khi đó, Mỹ duy trì vài căn cứ quy mô lớn trong khu vực, luôn sẵn sàng các cuộc không kích và triển khai hàng loạt máy bay, gồm cả loại tiêm kích tàng hình uy lực nhất thế giới F-22.
Thủy quân lục chiến Mỹ
Theo Badran, Iran triển khai một lượng lớn tên lửa và pháo binh bên trong và xung quanh Syria nhưng nếu tiến hành một vụ tấn công vào các lực lượng Mỹ thì chắc chắn sẽ bị Mỹ đáp trả ngay lập tức và bằng những cú phản đòn lớn hơn nhiều.
"Rất dễ bị tổn thương", Badran nói về sự hiện diện quân sự của Iran tại Syria, "Hoàn toàn lộ diện trước hỏa lực trực tiếp của Mỹ cũng như của Israel".
"Chỉ cần Iran phóng một quả tên lửa vào các lực lượng của Mỹ thì sau đó các căn cứ, kho chứa vũ khí sẽ bị phá hủy ngay lập tức", Badran nói. Đó là chưa kể tới các lực lượng Iran ở Syria được trang bị khá nghèo nàn khiến họ không thể đối chọi được với Mỹ, nước có sức mạnh không quân và cơ sở hạ tầng trong khu vực đủ sức tiếp tế nguồn cung không giới hạn.
Mỹ phóng tên lửa Tomahawk tấn công căn cứ không quân Syria tháng 4/2017