Phe đối lập ở Venezuela
Theo Sputnik, những nỗ lực đảo chính trong thời gian gần đây ở Venezuela đã không đạt được hiệu quả như phe đối lập mong muốn. Quân đội Venezuela và các quan chức chính phủ vẫn ủng hộ và trung thành với Tổng thống Nicolas Maduro.
Mới đây, ông Alfred de Zayas - luật sư, nhà văn, nhà sử học và cựu báo cáo viên của Liên Hợp Quốc tại Venezuela - và bà Julia Buxton - Giáo sư ngành Chính trị tại Đại học Trung Âu - đã chia sẻ với Sputnik một số quan điểm về tình hình ở quốc gia Nam Mỹ.
Theo ông Zayas, Washington đã ủng hộ và lên kế hoạch để thay thế ông Maduro bằng "tổng thống lâm thời tự xưng" Juan Guaido. Việc ông Guaido đảo chính thất bại có thể sẽ khiến Mỹ tính tới việc ám sát ông Maduro.
"Tôi biết từ một số nguồn tin đáng tin cậy rằng trong vài tháng qua Mỹ đã cung cấp những khoản tiền khổng lồ và hứa hẹn nhiều lợi ích khác cho những tướng lĩnh quân sự muốn đổi phe. Rõ ràng, họ [Mỹ] đã tài trợ tất cả các âm mưu đảo chính, bao gồm cả nỗ lực nhằm ám sát ông Maduro. Mỹ sẽ tiếp tục con đường này, và cuối cùng có thể thành công trong việc hạ gục nhà lãnh đạo Venezuela."
Tuy nhiên, theo ông Zayas, kể cả khi ám sát thành công ông Maduro, Mỹ cũng không thể nào đạt được mục đích bởi vì: "Theo luật 233 của Hiến pháp Venezuela, phó tổng thống hiện tại Delcy Rodriguez sẽ trở thành tổng thống lâm thời, chứ không phải ông Guaido - người không có bất kì quyền hợp pháp nào theo Hiến pháp Venezuela."
Ông Maduro và quân đội Venezuela. Ảnh: AP Photo / Miraflores Press Office / Jhonn Zerpa
Hoặc cũng có thể một tình cảnh khác sẽ xảy ra, ông Zayas cho biết. Cụ thể, CIA sẽ tìm cách bí mật ám sát ông Guaido và Mỹ sẽ lợi dụng đó làm cái cớ để can thiệp vào Venezuela.
"Tất nhiên, đó là điều bất hợp pháp. Nhưng đã bao giờ luật pháp quốc tế cản được Washington đâu?" - ông Zayas hỏi.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã thường xuyên khẳng định rằng mọi lựa chọn đối với Venezuela đều đã "đặt trên bàn".
Giáo sư Julia Buxton nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế đang ngày càng quan tâm hơn tới viễn cảnh can thiệp vũ trang ở Venezuela. Mexico và Đức gần đây đã bày tỏ sự lo ngại rằng can thiệp của Mỹ sẽ dẫn tới những hậu quả thảm khốc.
"Tôi nghĩ Mexico, Đức cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới đều rất đúng khi quan ngại về ảnh hưởng và hậu quả từ can thiệp quân sự dưới bất kì hình thức nào của Mỹ tại Venezuela. Tôi cho rằng có khả năng Mỹ sẽ tấn công vũ trang hoặc không kích. Không thể loại trừ trường hợp nào cả, bởi chính phủ Mỹ ngày nay rất khó đoán," bà Buxton phân tích.
Tuy nhiên, tổng thống Trump gần đây đã yêu cầu các quan chức cấp cao hạn chế những phát ngôn hiếu chiến. Rõ ràng, việc ông Guaido đảo chính thất bại đã ảnh hưởng không nhỏ tới thái độ của ông Trump đối với Venezuela.
Mỹ "bơm tiền" cho phe đối lập Venezuela?
Đề cập tới những báo cáo cho rằng chính quyền ông Trump đang tìm cách hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho ông Guaido, ông Zayas cho rằng Washington sẽ không dùng tiền của Mỹ, mà dùng tiền từ những khoản tiền bị đóng băng của Venezuela.
Venezuela thề sẽ chống trả nếu Mỹ can thiệp quân sự. Ảnh: REUTERS / Manaure Quintero
"Mỹ đã đóng băng và chiếm đoạt gần 30 tỉ USD giá trị tài sản của Venezuela ở Mỹ. Washington đang tìm cách để ông Guaido tiếp cận khoản tiền này. Không cần phải dùng tới tiền của Mỹ," ông Zayas nói.
Bà Buxton bổ sung thêm: "Mỹ đã gửi khoản tiền khổng lồ cho phe đối lập Venezuela trong ít nhất 2 thập kỉ qua".
Mặc cho những nỗ lực của Mỹ, cũng như những khoản tài sản bị đóng băng ở nước ngoài và lệnh cấm vận đơn phương, chính phủ Venezuela tiếp tục kháng cự lại áp lực từ Washington.
Ông Zayas nhận định: "Ông Trump và các đồng minh không hiểu gì về người Venezuela. Đúng là có nhiều quan chức và sĩ quan Venezuela tham nhũng. Nạn tham nhũng thực sự tồn tại và Washington đã nỗ lực để tình trạng đó diễn ra nhiều hơn ở Venezuela. Nhưng nếu nghĩ rằng tất cả người Venezuela đều có thể bị CIA mua chuộc thì thật sai lầm".
Theo ông Zayas, vấn đề bây giờ đều phụ thuộc vào quân đội Venezuela. Nếu Mỹ thành công trong việc thỏa thuận với sĩ quan cấp cao của Venezuela, thì đất nước này sẽ rơi vào cuộc nội chiến.
"Điều Mỹ mong đợi là một cuộc khủng hoảng như ở Iraq và Libya, và đó sẽ là cơ hội kinh doanh của Mỹ. Sự rối ren và bất ổn sẽ đem lại cho Mỹ nhiều lợi ích địa chính trị," ông Zayas cho hay.
Trong khi đó, Washington tiếp tục đổ lỗi cho Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba, Mexico và nhiều quốc gia khác vì ủng hộ ông Maduro. Ngày 5/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói "tất cả các nước đều phải rời khỏi Venezuela, bao gồm cả Nga".
Ngày 6/5, sau cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Pompeo ở Phần Lan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Nga sẽ không can thiệp quân sự tại Venezuela.
"Chúng tôi phản đối chiến tranh và những hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế. Việc sử dụng vũ lực chỉ có thể được thông qua bởi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hoặc sử dụng để chống lại những nỗ lực xâm lược một quốc gia có chủ quyền. Tình cảnh ở Venezuela không phải là những trường hợp đó," ông Lavrov nhấn mạnh.