Tony Seba, chuyên gia năng lượng của Đại học Stanford, đồng sáng lập Viện nghiên cứu chính sách độc lập RethinkX, đã đưa ra dự báo rất táo bạo. RethinkX là tổ chức chuyên nghiên cứu các vấn đề về công nghệ và tác động lên đời sống kinh tế xã hội, trong đó bao gồm cả xe điện.
Theo chuyên gia, đến năm 2030, người tiêu dùng có thể mua được một chiếc ô tô điện phạm vi hoạt động 320km trị giá 5.000 USD (121,5 triệu đồng). Giá này chỉ tương đương một chiếc Vespa GTS 150, hay 6% giá Tesla Model S của năm 2014 (80.000 USD).
Không dừng lại ở đó, đến năm 2046, giá chiếc ô tô điện này sẽ chỉ còn 300 USD (7,3 triệu đồng). Giá này tương đương một chiếc smartphone tầm trung hiện nay.
Ngoài ra, đến năm 2030, giá pin sẽ giảm khoảng 80%.
Căn cứ cho dự báo trên là Định luật Wright. Định luật Wright là hiệu ứng kinh tế quy mô, phản ánh chi phí của một đơn vị sản phẩm hay dịch vụ sản xuất giảm đi khi số lượng sản xuất tăng lên.
Với xe điện, Seba cho rằng, khi sản lượng tăng gấp đôi, chi phí sản xuất cũng giảm với tốc độ tương tự.
Tony Seba nổi tiếng với những dự đoán táo bạo, đến mức nghe như không tưởng. Nhưng ông đã có những dự báo đúng.
Năm 2010, Tony Seba từng tiên lượng xe điện sẽ trở thành xu hướng. Đó là dự đoán hết sức táo bạo giữa lúc làng xe điện gần như chỉ có Tesla. Thậm chí, lúc đó Tesla còn chưa thành danh, do mới chỉ có một chiếc Roadster. Mãi đến năm 2012, khi Model S ra đời, Tesla mới bật lên.
Theo Seba, xe điện tiết kiệm năng lượng gấp 5-10 lần so với xe xăng dầu. Chi phí bảo trì bảo dưỡng rẻ hơn từ 5 đến 10 lần. Chi phí nạp năng lượng rẻ hơn 5-10 lần. Ngay cả khi xe điện còn đắt vì pin đắt, cuộc dịch chuyển từ máy xăng dầu sang pin điện đã bắt đầu.
Ông dự đoán thị trường sẽ chuyển sang xe điện vào năm 2020 và xe xăng dầu mới sẽ không còn xuất hiện sau năm 2030.
Về cơ bản, dự báo này đã đúng. Mốc 2030 chưa đến nên chưa thể đi đến kết luận trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc nhiều quốc gia ra chính sách cấm bán xe xăng dầu mới từ năm 2030-2035 cho thấy ít nhất dự đoán của Seba sẽ đúng với một số thị trường.