Theo một bài viết đăng trên CNN ngày hôm qua, giữa lúc quân đội Mỹ vướng vào những rắc rối xoay quanh vấn đề phòng chống dịch COVID-19 trên một trong những tàu sân bay của nước này ở vùng Thái Bình Dương, Trung Quốc lại tiếp tục những hoạt động phi pháp tại Biển Đông.
Trong tuần qua, trang web phiên bản tiếng Anh của quân đội Trung Quốc đã đăng tải thông tin về các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn của nước này và vụ việc tàu hải cảnh của họ đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tái khởi động các ngành công nghiệp vũ khí ở Vũ Hán, nơi từng là tâm dịch trong đại dịch COVID-19.
Theo CNN, Trung Quốc đã tổ chức tập trận ở biển Đông sau khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ đi qua vùng biển này trên đường tới Guam. Hiện tại, tàu sân bay này đang có hơn 170 trường hợp dương tính với virus corona.
Chỉ huy của tàu Roosevelt, thuyền trưởng Brett Crozier, đã bị cách chức tuần trước sau khi viết đơn đề nghị chính phủ nhanh chóng hành động để bảo vệ tính mạng của các thủy thủ trên tàu.
Tàu USS Ronald Reagan, một tàu sân bay khác của Mỹ ở Thái Bình Dương, cũng đang đối diện với "một số" ca dương tính với bệnh. Hiện tàu này đang neo đậu ở Yokosuka, Nhật Bản, và đang được bảo trì.
Cuối tuần trước, căn cứ hải quân Sasebo của hải quân Mỹ tại Nhật Bản cũng phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên. Những trường hợp nhiễm bệnh khác cũng được phát hiện tại các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc.
Tổng cộng, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đã có hơn 1.500 trường hợp quân nhân Mỹ nhiễm virus corona.
Lầu Năm Góc đã thực hiện một số biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của virus trong quân đội Mỹ, bao gồm ngừng cho quân đội luân chuyển giữa các căn cứ trên khắp thế giới, hủy bỏ các cuộc tập trận và thậm chí hoãn đào tạo cơ bản cho tân binh.
Những biện pháp này mang tới một số ảnh hưởng tiêu cực cho binh sĩ. Do thiếu luyện tập, nhiều lính Mỹ không thể làm quen với nhiệm vụ mới, thiết bị mới và sức khỏe cũng không được tối ưu như thời kì trước.
Thay đổi chiến thuật
Jonathan Hoffman, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chuyên trách quan hệ công chúng, cho biết Lầu Năm Góc đã đánh giá rủi ro hàng ngày với mục tiêu "nhanh chóng khôi phục năng lực hoạt động toàn diện".
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng với tình hình ở Biển Đông, chỉ một động thái rút lui ngắn hạn cũng có thể bị quân đội Trung Quốc (PLA) lợi dụng.
"Tôi nghĩ Trung Quốc đang tranh thủ thời điểm quân đội Mỹ phải đối mặt với những thách thức do virus corona gây ra để tăng cường hoạt động ở Biển Đông", Carl Schuster, một thuyền trưởng đã nghỉ hưu của hải quân Mỹ và từng là cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Chung của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trái phép đối với 3,3 triệu km2 Biển Đông và đã liên tục tiến hành các hoạt động phi pháp mặc cho những lời chỉ trích và lên án từ các quốc gia Đông Nam Á. Mỹ đã cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo ở Biển Đông bằng vũ khí và xây dựng trái phép căn cứ quân sự tại đây.
Ông Schuster cho biết, việc tàu cá Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm trong thời gian gần đây đã chứng tỏ Trung Quốc đang và sẽ gia tăng các hoạt động ngang ngược ở Biển Đông khi hải quân Mỹ đối phó với dịch bệnh.
Trong một bài viết đăng tải ngày 3/4, PLA tuyên bố "đợt dịch COVID-19 bùng phát đã làm suy yếu năng lực hoạt động của hải quân Mỹ ở vùng biển châu Á - Thái Bình Dương".
Các tàu sân bay, cùng với hơn 90 máy bay chiến đấu và trực thăng, là một trong những khí tài quan trọng và dễ thấy nhất của hải quân Mỹ.
Tàu sân bay Roosevelt hiện phải cách ly ở Guam trong thời gian dài và vai trò của tàu tại Biển Đông vẫn chưa thể thay thế. Mặc dù Mỹ có 11 tàu sân bay, nhưng những phương tiện này cần được trùng tu toàn diện và bảo trì dài hạn định kỳ, do đó các tàu sân bay khó có thể vận hành cùng lúc vào một khoảng thời gian nhất định.
Theo hải quân Mỹ, tới ngày 30/3 chỉ có 5 tàu sân bay có thể hoạt động. Một trong số đó là tàu Roosevelt, một tàu khác là tàu Reagan, một tàu hiện đang ở Bờ Đông Mỹ và hai tàu còn lại đang được điều tới Vịnh Ba Tư để đề phòng nguy cơ từ Iran.
Đưa một tàu sân bay từ một khu vực sang một khu vực khác có thể gây ra những nguy cơ ở nơi mà con tàu rời khỏi.
Theo ông Schuster, sự suy yếu của Mỹ ở Biển Đông có thể sẽ khiến Trung Quốc tăng cường các cuộc tập trận tại khu vực.
Trung Quốc thanh minh: "Không phải vũ khí địa chính trị"
Trung Quốc đã liên tục phản đối ý kiến rằng nước này sẽ lợi dụng đại dịch nhằm đạt được ảnh hưởng địa chính trị.
Trong cuộc họp báo ngày 3/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh mô tả sự lây lan của virus giống như chiến tranh. "Khi chiến đấu trong một trận chiến căng thẳng, có ai nghĩ về phần thưởng sau cuộc chiến hay không? Điều quan trọng nhất là cố gắng hết sức và chạy đua với thời gian để đạt được chiến thắng sau cuối".
"Chúng tôi muốn chia sẻ phương pháp và kinh nghiệm của Trung Quốc với các nước khác trên thế giới, nhưng chúng tôi sẽ không biến nó thành vũ khí hay công cụ địa chính trị".
Về phần mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus gọi vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam "là động thái mới nhất trong chuỗi hành động của Trung Quốc trong việc tuyên bố trái phép chủ quyền hàng hải và gây ra bất lợi với các nước Đông Nam Á ở vùng Biển Đông".
"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tập trung ủng hộ các nỗ lực quốc tế để chiến đấu với đại dịch toàn cầu, chấm dứt lợi dụng tình hình bất lợi của các nước khác để gia tăng tầm ảnh hưởng trái phép ở Biển Đông".